MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người thất nghiệp tăng đột biến !

Trong khi nhiều doanh nghiệp tuyển không ra lao động thì một lượng lớn lao động bị các doanh nghiệp “thải” ra và được xếp vào diện “thất nghiệp” để hưởng chính sách.

Có mặt tại Trung tâm Giới thiệu Việc làm (GTVL) TPHCM và các điểm tiếp nhận đăng ký thất nghiệp (ĐKTN) của trung tâm, chúng tôi nhận thấy ở các điểm này luôn “chật cứng” người đến làm các thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN).

Tại điểm tiếp nhận ĐKTN quận Bình Tân, có ngày số người đến làm các thủ tục hưởng TCTN lên tới 1.400 người. Tương tự, tại điểm ĐKTN quận Thủ Đức, có ngày, có khoảng trên 600 người đăng ký, thậm chí có lúc điểm đăng ký này phải “đóng cửa” do quá tải.

Người lao động mệt mỏi với việc nhận trợ cấp thất nghiệp tại Văn phòng Đăng ký thất nghiệp quận Bình Tân - TPHCM. Ảnh: THANH NHÀN

Thất nghiệp ảo?

Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Giám đốc - Trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) Trung tâm GTVL TPHCM, cho biết đến giữa tháng 8, toàn TP đã có 34.615 người ĐKTN và 26.917 người nộp đủ hồ sơ đề nghị TCTN. Trên cơ sở đó, Sở LĐ-TB-XH TPHCM đã ra quyết định cho gần 22.000 người hưởng.

Một điểm đáng chú ý, số lượng người ĐKTN luôn tăng cao qua từng tháng. Nếu như các tháng đầu năm, chỉ có khoảng gần 2.000 người đến ĐKTN thì tháng 7-2010 đã có 6.913 người ĐKTN, trong đó 6.354 người nộp đủ hồ sơ và 6.027 người có quyết định hưởng TCTN.

Vấn đề đặt ra là trong khi nhiều doanh nghiệp tuyển không ra lao động thì song song đó số lượng người bị các doanh nghiệp “thải” ra và bị xếp vào diện “thất nghiệp” lại liên tục gia tăng!

Theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM, có thể đây chỉ là số lượng thất nghiệp ảo. Ông Sang phân tích: Giả sử, một người lao động (NLĐ) có mức tiền lương tham gia BHXH là 1 triệu đồng thì sau 12 tháng, số tiền NLĐ phải đóng cho quỹ BHTN (1%/tháng) là 120.000 đồng. Làm việc một năm, NLĐ đó chấm dứt HĐLĐ, đi ĐKTN thì sẽ được hưởng 1,8 triệu đồng từ quỹ BHTN chi trả (3 tháng TCTN với mức hưởng bằng 60% tiền lương đóng BHTN), gấp 15 lần số tiền đã đóng.

Ông Sang cũng đưa ra một thông số để làm rõ thêm tình trạng này. Thông thường các năm trước đây, mỗi năm, BHXH TPHCM phải chi trả trợ cấp BHXH một lần (cho NLĐ đã nghỉ việc và không tiếp tục tham gia BHXH sau 12 tháng kể từ khi nghỉ việc) khoảng 120.000 người, bình quân một tháng 10.000 người.

Thế nhưng, gần 8 tháng qua, kể từ khi thực hiện chi trả TCTN, mới có khoảng 30.000 người hưởng trợ cấp BHXH một lần. Như vậy, có khả năng không ít người không thật sự thất nghiệp nhưng lợi dụng chính sách để trục lợi.

Lúng túng trong công tác chuẩn bị

Đầu tháng 8-2010, nhiều NLĐ thắc mắc họ đã làm đủ thủ tục nhưng không nhận được TCTN đúng hẹn. Thậm chí có trường hợp đã nhận quyết định từ ngày 25-3 nhưng đến giữa tháng 8, vẫn chưa hưởng hết TCTN.

Tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được biết theo thỏa thuận giữa Sở LĐ-TB-XH và BHXH TPHCM, hằng tháng, Trung tâm GTVL TP phải chuyển danh sách những người tiếp tục hưởng, tạm dừng hưởng, chấm dứt hưởng, hưởng TCTN một lần vào ngày 20-7 để BHXH làm cơ sở chi trả hoặc dừng chi trả.

Thế nhưng, mãi đến ngày 2-8, Trung tâm GTVL TPHCM mới chuyển danh sách này thay vì ngày 20-7 như đã thỏa thuận và sau đó, chuyển thêm danh sách 513 trường hợp bị sót từ các tháng trước. Chính sự chậm trễ này khiến BHXH không thể chi trả kịp thời cho NLĐ.

Có sự chậm trễ trên, theo tìm hiểu của chúng tôi là do từ đầu năm 2010, Trung tâm GTVL TPHCM đã sử dụng một phần mềm quản lý, chi trả TCTN hiệu quả và tương thích với phần mềm của cơ quan BHXH ứng dụng từ nhiều năm qua.

Thế nhưng, đầu tháng 7, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) với sự tài trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã xây dựng phần mềm riêng (dự định áp dụng toàn quốc) và TPHCM, tỉnh Bình Dương đã “đi đầu” ứng dụng. Đáng nói là phần mềm này lại không tương thích với phần mềm của BHXH TPHCM nên khi danh sách in ra thiếu thông tin. Vì vậy, nhiều quyết định tiếp tục hưởng, tạm dừng hưởng TCTN phải làm bằng phương pháp thủ công dẫn đến chậm trễ.

Để tránh tình trạng tập trung quá đông vào một địa điểm và tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ, Trung tâm GTVL TPHCM đã thuê 5 địa điểm để chia nhỏ lượng người ĐKTN. Thế nhưng, tiền thuê 5 địa điểm trên suốt 8 tháng qua (khoảng 180 triệu đồng), Trung tâm GTVL TP cũng chưa trả được bởi không biết lấy từ nguồn nào? Bà Trịnh Thị Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm GTVL TPHCM, than thở: “Tôi là con nợ lớn mà cũng chẳng biết ai sẽ trả cho mình số tiền này. Không khéo phải trả lại các địa điểm trên và gom hết về một điểm duy nhất là Trung tâm GTVL TPHCM”.

Từ khi Luật BHXH có hiệu lực đến khi bắt đầu phải chi trả TCTN là 3 năm. Thế nhưng, sự chuẩn bị thiếu chu đáo của một số cơ quan chức năng đã khiến nhiều NLĐ phải chầu chực nhận TCTN.

Thất nghiệp nhiều trong độ tuổi 25 đến 40

Trong số những người có quyết định hưởng TCTN hằng tháng thì dưới 24 tuổi có 12.275 người (chiếm 24,5%); từ 25 - 40 tuổi có 31.366 người (chiếm 62,7%); trên 40 tuổi có 6.416 người (chiếm 12,8%). Phân chia theo giới tính, nam giới có 20.700 người (tỉ lệ 41,4%), nữ giới có 29.357 người (tỉ lệ 58,6%). (Nguồn: Báo cáo của Cục Việc làm về tình hình tiếp nhận, giải quyết các chế độ BHTN 6 tháng đầu năm)

Theo Nam Dương
NLĐ

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên