MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kêu gọi tiêu thụ 730.000 tấn xăng dầu Dung Quất tồn kho

Giải pháp cắt giảm sản lượng xăng dầu nhập khẩu để tập trung tiêu thụ gần 730.000 tấn sản phẩm xăng dầu Dung Quất đang tồn đọng là ưu tiên cấp bách.

Tại cuộc họp khẩn cấp chiều 7.10 bàn giải pháp tiêu thụ xăng dầu Dung Quất tồn đọng, thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu ưu tiên tiêu thụ gần 730.000 tấn sản phẩm xăng dầu Dung Quất đang tồn đọng.

Với giá trị nhập siêu 9 tháng của cả nước là 8,6 tỉ USD, tăng 2,1 tỉ USD so cùng kỳ năm 2009, giải pháp cắt giảm sản lượng xăng dầu nhập khẩu để tập trung tiêu thụ gần 730.000 tấn sản phẩm xăng dầu Dung Quất đang tồn đọng là ưu tiên cấp bách, TTXVN cho biết.

Cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu

Cuộc giao ban trực tuyến tình hình sản xuất của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) ngày 7.10 tại Hà Nội thực sự trở nên “nóng” khi mọi câu hỏi của báo giới dành cho PVN đều xoanh quanh các giải pháp gỡ khó cho xăng dầu Dung Quất.

Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực khẳng định: với công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt 100% như hiện nay, trong khi năng lực tiêu thụ xăng dầu sản xuất trong nước của các đầu mối chỉ có hạn, dự báo từ nay đến cuối năm sẽ tồn kho 727.000 tấn xăng dầu Dung Quất tại kho chứa của nhà máy, trong khi đó lượng xăng dầu tồn kho tính đến thời điểm hiện nay đã là 75.000 tấn, vượt 30% công suất chứa thông thường để xuất đi.

Theo ông Thực, giải pháp để giải quyết xăng dầu tồn đọng thì có nhiều như: cắt giảm sản lượng sản xuất; xây thêm kho để tăng lượng tồn kho… nhưng giải pháp tốt nhất vẫn là cắt giảm ngay việc nhập khẩu xăng dầu. Mặc dù việc cắt giảm sản lượng xăng dầu nhập khẩu đối với 11 doanh nghiệp đầu mối không phải dễ bởi các hợp đồng nguyên tắc đã được ký từ đầu năm, nhưng đây là giải pháp vẫn có thể thực hiện được do trong số các hợp đồng này, có cả những hợp đồng dài hạn, ngắn hạn, có hợp đồng đã thông qua, có hợp đồng còn chờ, có hợp đồng điều chỉnh.

Bên cạnh đó, mặc dù kế hoạch nhập khẩu đã được bộ Công Thương thông qua từ đầu năm nhưng hiện nay, hạn mức nhập khẩu xăng dầu vẫn là cơ chế hạn mức tối thiểu. Các doanh nghiệp đầu mối hoàn toàn có thể nhập khẩu nhiều hơn để đảm bảo nhu cầu xăng dầu trong nước.

Hơn thế, việc cắt giảm sản lượng xăng dầu nhập khẩu để ưu tiên tiêu thụ sản phẩm xăng dầu Dung Quất là hoàn toàn phù hợp với chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời trực tiếp giảm nhập siêu cho nền kinh tế trong 2010.

Hiện PVN đã mời tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu cùng hợp tác hơn nữa để tiêu thụ sản phẩm xăng dầu Dung Quất. Tuy nhiên, đến nay tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) - đơn vị thành viên được PVN chỉ định làm đầu mối tiêu thụ duy nhất sản phẩm xăng dầu Dung Quất trong giai đoạn đầu; công ty thương mại Kỹ thuật và đầu tư PETEC (thuộc PVN); tổng công ty xăng dầu Petrolimex cũng chỉ cam kết tiêu thụ một lượng hạn chế xăng dầu Dung Quất. Với khả năng tiêu thụ này, nguy cơ tồn đọng xăng dầu Dung Quất sẽ trở thành hiện thực nếu như Bộ Công Thương không quyết liệt vào cuộc chỉ đạo.

Trong khi đó, tại cuộc họp khẩn cấp bàn giải pháp tiêu thụ xăng dầu Dung Quất tồn đọng chiều cùng ngày do thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chủ trì, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu; trong đó “anh cả” Petrolimex cũng mới chỉ “hứa” sẽ hợp tác với PVN trong việc “cho mượn” các kho để tăng khả năng chứa xăng dầu Dung Quất sản xuất ra.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã yêu cầu các doanh nghiệp hợp tác để cùng nhau đề ra biện pháp giải quyết số xăng dầu tồn đọng hiện nay, báo cáo Bộ trước ngày 15.10.

Nước đến chân mới nhảy

Để xảy ra nghịch lý xăng dầu trong nước sản xuất thì “ế” trong khi xăng dầu ngoại vẫn tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa, góp phần làm tăng nhập siêu cho nền kinh tế, nhiều chuyên gia khẳng định: Mấu chốt vẫn nằm ở năng lực dự báo, điều hành chung của cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp.

Theo ông Phùng Đình Thực, việc tồn đọng xăng dầu Dung Quất có nguyên nhân từ việc sản lượng xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng 25% so với kế hoạch trong khi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước năm 2010 lại thấp hơn so với dự báo mức tăng 10% hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, đây là tình trạng “bất khả kháng” bởi đến cuối năm 2009, nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn chưa vận hành ổn định, chưa được nhà thầu Technip bàn giao nên PVN chỉ dự báo sản lượng sản xuất của Dung Quất đạt 80% trong năm 2010. Tuy nhiên, từ khi nhận bàn giao vào ngày 30.5.2010 đến nay, nhà máy lại hoạt động 100% công suất suốt từ đó đến nay.

Còn phó ban phát triển Thị trường PVN, ông Tiến Anh thừa nhận: công tác dự báo thị trường có vấn đề bởi các thông tin cập nhật còn chậm, nhất là trong việc thay đổi kế hoạch điều hành sản xuất của chính nhà máy lọc dầu Dung Quất; kế hoạch nhập khẩu xăng dầu của PV Oil.

Thực tế cho thấy, 9 tháng qua, PV Oil đã nhập 765.000 tấn xăng dầu các loại; trong khi nhà máy Dung Quất lại tăng sản lượng sản xuất với xăng và dầu DO.

Cũng theo ông Tiến Anh, hiện Petrolimex và các doanh nghiệp tiêu thụ xăng dầu Dung Quất đã thực hiện đúng cam kết đã ký với PVN; trong đó 9 tháng qua, Petrolimex đã tiêu thụ 1 triệu tấn sản phẩm xăng dầu Dung Quất. Vì vậy, tình trạng tồn đọng xăng dầu Dung Quất cũng còn xuất phát từ tình trạng phối hợp lỏng lẻo giữa nhà sản xuất và các đầu mối tiêu thụ xăng dầu, nhất là trong giai đoạn chuyển từ vận hành thử nghiệm sang vận hành ổn định.

Đặc biệt, một nguyên nhân quan trọng cũng phải kể đến là hiện giá xăng dầu quốc tế đang lên cao, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhất là khi giá xăng dầu bán lẻ không được tăng để đảm bảo bình ổn, ông Tiến Anh khẳng định.

Giải pháp dài hơi cho xăng dầu Dung Quất

Trong cuộc họp Bộ Công Thương mới đây, thứ trưởng bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết: để đảm bảo công bằng trong tiêu thụ sản phẩm giữa các đơn vị kinh doanh xăng dầu; đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm xăng dầu Dung Quất, trong thời gian tới, bộ Công Thương sẽ đề xuất phương án giao hẳn cho công ty TNHH lọc – hóa dầu Bình Sơn hoàn toàn chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thay vì việc PVN chỉ định PV Oil làm đầu mối tiêu thụ xăng dầu Dung Quất.

Hàng trong nước sản xuất thì dư thừa, trong khi việc nhập khẩu sản phẩm cùng chủng loại vẫn diễn ra, bất chấp tình trạng nhập siêu của nền kinh tế.

 
Về phía PVN, Tập đoàn sẽ tính tới việc đầu tư tăng năng lực kho chứa nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy lọc dầu Dung Quất và các nhà máy lọc dầu khác trong tương lai.
 
Còn các chuyên gia kinh tế lại cho rằng: với vai trò quản lý Nhà nước, bộ Công Thương cần tăng cường năng lực dự báo thị trường giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực điều hành linh hoạt để chủ động điều tiết thị trường trong nước thông qua công cụ hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu chính là giải pháp hết sức quan trọng để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng hàng trong nước sản xuất thì dư thừa, trong khi việc nhập khẩu sản phẩm cùng chủng loại vẫn diễn ra, bất chấp tình trạng nhập siêu của nền kinh tế.

Hiện cả nước có khoảng 11 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, trong đó có 9 đơn vị tiêu thụ sản phẩm do nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất. Tuy nhiên, sản phẩm xăng dầu Dung Quất mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu; còn lại các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu.

Theo T.H
SGTT


thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên