George Soros: Nước Mỹ cần tiền!
Mỹ nên tiếp tục kích thích kinh tế và chẳng nên quá lo lắng nếu nợ chính phủ có tăng trong ngắn hạn.
Người viết là ông George Soros, Chủ tịch quỹ đầu tư Soros Fund Management LLC.
Chính quyền Obama nỗ lực giữ kỷ luật tài khóa chẳng phải vì lý do tài chính mà vì những toan tính chính trị.
Mỹ không ở trong cảnh nợ nần chồng chất như các nước Châu Âu và phải chịu khoản chênh lệch lợi suất so với trái phiếu chính phủ Đức đắng miệng.
Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang giảm và đã ở gần mức thấp kỷ lục. Thị trường tài chính dự báo sẽ có giảm phát chứ không phải lạm phát.
TT Barack Obama đang chịu nhiều sức ép chính trị. Người Mỹ rất quan ngại về con số nợ chính phủ. Phe Cộng hòa đã rất thành công trong việc gán khủng hoảng 2008 cùng đợt suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao sau đó cho “sự bất tài của chính phủ”.
Nhưng khủng hoảng 2008 chủ yếu là do khu vực tư nhân. Các cơ quan giám sát ở Mỹ (và nhiều quốc gia khác) đáng bị chê trách vì đã không hoàn thành nhiệm vụ.
Nếu không có gói cứu trợ, hệ thống tài chính có lẽ vẫn còn tê liệt và khiến cuộc suy thoái sau đó kéo dài và nặng nề hơn. Tương tự như vậy, gói kích thích tài khóa là một biện pháp cần thiết.
Vì áp lực thời gian nên không thể tránh khỏi chuyện phần lớn gói kích thích được dùng để duy trì tiêu dùng thay vì sửa chữa các mất cân đối vĩ mô.
Chính quyền Obama chỉ sai ở cái cách họ cứu trợ hệ thống ngân hàng: họ giúp ngân hàng thoát hiểm bằng cách mua lại các khoản nợ xấu và cung cấp tín dụng giá rẻ.
Ngay điều này cũng là vì các toan tính chính trị: bơm vốn cổ phần vào ngân hàng đáng lẽ đã hiệu quả hơn nhiều nhưng TT sợ bị quy kết là đang “quốc hữu hóa”.
Quyết định ấy nay lại có tác dụng ngược và gây nên những hậu quả chính trị nghiêm trọng. Dân chúng thấy lãi suất vay tiền qua thẻ tín dụng tăng từ 8% lên gần 30% trong khi ngân hàng kiếm lời “khủng” rồi mạnh tay chi thưởng đậm.
Phong trào Tea Party đã khai thác sự bất bình này và TT Obama hiện đang phải ở thế thủ.
Phe Cộng hòa lên chiến dịch chống lại bất kỳ một gói kích thích nào và chính quyền chỉ biết nói đãi bôi về “kỷ luật tài khóa” dù biết rằng có thể giảm thâm hụt ngay là quá sớm.
Tôi tin rằng rất nên tiếp tục kích thích kinh tế. Phải thừa nhận rằng không thể duy trì tiêu dùng bằng cách tăng nợ quốc gia mãi.
Cần phải điều chỉnh sự mất cân đối giữa tiêu dùng và đầu tư. Nhưng cắt giảm chi tiêu công đúng lúc thất nghiệp nhiều như hiện nay là đã lờ đi những bài học trong lịch sử.
Rõ ràng phải phân biệt giữa đầu tư và tiêu dùng hiện tại, tăng đầu tư trong khi giảm tiêu dùng.
Nhưng điều này khó khả thi về mặt chính trị. Đa phần người Mỹ tin rằng chính phủ không biết đầu tư ra sao để cải thiện các nguồn lực hữu hình và vô hình của đất nước.
Một lần nữa, niềm tin ấy không phải không có cơ sở: một phần tư thế kỷ nói xấu chính phủ rút cục đã khiến chính phủ xấu đi thật.
Nhưng cho rằng chắc chắn kích thích kinh tế quá lãng phí lại hiển nhiên sai: Chương trình Kinh tế - Xã hội thời Roosevelt đã tạo nên Chính quyền thung lũng Tennesse (Tennessee Valley Authority), cầu Triborough ở New York và nhiều công trình công cộng khác vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.
Hơn nữa, khu vực tư nhân đơn giản không sử dụng các nguồn lực sẵn có. Thực tế TT Obama rất thân thiện với doanh nghiệp, và doanh nghiệp cũng đang làm ăn có lãi. Nhưng thay vì đầu tư, họ lại đang củng cố khả năng thanh khoản.
Có lẽ chiến thắng của phe Cộng hòa sẽ làm họ tự tin hơn nhưng cùng lúc đó, đầu tư và việc làm lại cần các gói kích thích tài khóa (kích thích bằng chính sách tiền tệ khiến doanh nghiệp quan tâm tới chuyện nuốt chửng lẫn nhau hơn là thuê mướn nhân công).
Chính phủ nợ thế nào thì gọi là nhiều là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ vì chấp nhận nợ công được bao nhiêu phụ thuộc nhiều vào nhận thức của xã hội.
Phần bù rủi ro trong lãi suất là một biến cực kỳ quan trọng: một khi nó tăng, tỷ lệ thâm hụt hiện nay sẽ trở nên thiếu bền vững. Nhưng nợ nhiều chưa chắc đã đồng nghĩa với thảm họa.
Lấy ví dụ như Nhật Bản, tỷ lệ nợ trên GDP đã gần 200%. Dù vậy lợi suất trái phiếu 10 năm chỉ hơn 1%. Lý do là khu vực tư nhân không thích đầu tư ra nước ngoài và thà mua trái phiếu chính phủ 10 năm lãi suất 1% còn hơn giữ tiền với lãi suất 0%.
Chừng nào ngân hàng Mỹ còn có thể vay mượn với lãi suất gần 0% rồi mua trái phiếu chính phủ mà chẳng cần dự trữ bắt buộc, USD không mất giá so với Nhân dân tệ, thì lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ còn đi theo vết xe đổ của Nhật.
Điều đó không có nghĩa Mỹ nên duy trì tỷ lệ chiết khấu gần 0 và tăng vay nợ mãi mãi. Tốt nhất nên giảm sự mất cân đối càng nhanh càng tốt trong khi giảm tối đa việc vay mượn.
Có nhiều cách để thực hiện được điều đó, nhưng mục tiêu của chính quyền Obama giảm một nửa thâm hụt ngân sách trước năm 2013 trong khi nền kinh tế vẫn hoạt động dưới xa mức tiềm năng thì không.
Đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng sẽ có nhiều ý nghĩa hơn. Tương tự là sắp xếp để USD mất giá dần so với NDT.
Không phải những tranh cãi về kinh tế học mà chính nhận thức sai lầm về thâm hụt ngân sách mới đang bị lợi dụng vì mục đích đảng phái và ý thức hệ.
Theo Economist