MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu lao động "vỡ" chỉ tiêu do khó tuyển dụng?

Không tuyển dụng trực tiếp, doanh nghiệp rất khó nắm bắt được nhu cầu của người lao động.

Xuất khẩu lao động đang đứng trước nguy cơ không đạt được chỉ tiêu đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2010 khi 9 tháng đầu năm mới chỉ đạt hơn 68% kế hoạch.

Thiếu người hay thiếu đơn hàng?

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) cho biết, 9 tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã đưa được 58.710 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt trên 68% kế hoạch năm.

Trong đó, thị trường tiếp nhận chủ yếu vẫn là Đài Loan với 20.621 người; Malaysia 6.113 người; UAE 4.823 người; Lào 4.681 người; Hàn Quốc 3.708 người; Nhật Bản 3.441 người; Libya 3.910 người, Ả rập Xê út 2.071 người, Macao 2.457 người, Bahrain 1.204 người, Campuchia 2.505 người và các thị trường khác là 3.176 người.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định, để hoàn thành 32% kế hoạch trong 3 tháng còn lại của năm 2010 là rất khó. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2010 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 của Chính phủ cũng nêu con số dự ước, chỉ tiêu xuất khẩu lao động năm 2010 ước khoảng 80 nghìn người, chỉ đạt khoảng 94% so với kế hoạch.

Nhìn nhận ở góc độ nhà quản lý, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho rằng, nguyên nhân dẫn đến chỉ tiêu có nguy cơ bị “vỡ” do tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng còn chậm. Tuy nhiên, ông Hải tỏ ra rất lạc quan vào những tháng cuối năm, thị trường lao động ngoài nước đã có những chuyển biến rất tốt, nhu cầu tiếp nhận lao động nhập cư tăng trở lại. Vì thế, nguyên nhân chính theo ông vẫn là không tạo được nguồn lao động để đáp ứng các đơn hàng.

Ông Hải lấy dẫn chứng tại một số thị trường đơn hàng nhiều, thu nhập khá cao nhưng không tuyển được lao động. Ví dụ Malaysia: từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng; Lybia, UAE và Arab Saudi: từ 5,5 đến 6,5 triệu đồng/tháng nhưng số lượng mà doanh nghiệp cung ứng cho chủ sử dụng nước ngoài vẫn chỉ “nhỏ giọt”.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Xuân An, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam, thị trường tiếp nhận lao động “tích cực” nhất của Việt Nam hiện nay chỉ xoay quanh Đài Loan, Trung Đông, Malaysia, Libya.

Ngoài Đài Loan các doanh nghiệp vẫn đưa đi được với số lượng lớn thì ba thị trường còn lại không mấy “hấp dẫn”, số lượng lao động tham gia rất ít. Đặc biệt là Libya, nhiều công trình xây dựng đang bị chững lại, nhu cầu tiếp nhận lao động giảm đi nhiều.

“Một thị trường tiếp nhận lao động mới nổi thu nhập khá cao là thị trường Israel. Tuy nhiên, sức tiêu thụ lao động của thị trường này không nhiều, khoảng 500 đến 700 lao động/năm. Như vậy, nếu tính bình quân, mỗi tháng cũng chỉ đưa đi được vài chục lao động”, ông An nói.

70 – 80% lao động không được tuyển dụng trực tiếp

Báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho biết, một số xã phản ánh 70-80% người lao động không được tuyển dụng trực tiếp bởi doanh nghiệp xuất khẩu lao động về tư vấn, tuyển dụng tại địa phương mà là được tuyển dụng qua môi giới.

Chủ tịch một xã thuộc huyện Thường Xuân, Thanh Hóa cho rằng, hiện tượng các tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động mượn danh của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động lừa đảo, chiếm đoạt tiền của lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài là một trong những lý do khiến lao động “e dè”. Đặc biệt là doanh nghiệp có hợp đồng cung ứng lao động ở thị trường có thu nhập cao ít khi về trực tiếp tuyển lao động tại địa phương.

Trao đổi với VnEconomy, cán bộ tạo nguồn của một doanh nghiệp xuất khẩu lao động "tiết lộ", chi phí để về tận huyện, xã tổ chức một buổi tuyên truyền và sau đó cho cán bộ về tạo nguồn là rất tốn kém và khó chịu vì thường bị “quan xã” gây khó dễ. Trong khi đó, làm việc qua trung gian rất hiệu quả, chúng tôi có sẵn quy chế rồi, cứ chi từ 1 đến 1,5 triệu đồng/lao động .

Nhiều lao động cũng phản ánh, liên hệ, tìm hiểu thông tin đi xuất khẩu lao động tại cơ quan nhà nước rất rườm rà, cán bộ hướng dẫn thì kém nhiệt tình nên thiếu cụ thể.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Công Hải thừa nhận công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động vẫn còn bất cập. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu lao động vi phạm các qui định của pháp luật và hiện tượng lừa đảo người lao động vẫn diễn ra nhưng đấy không phải là nguyên nhân chính.

Thực tế, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài để cải thiện cuộc sống vẫn là "mong ước cháy bỏng" của lao động ở nhiều địa phương trên cả nước. Quan trọng là cách tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống và sự phối hợp giữa chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp đến đâu để người dân tin tưởng.

Theo Vũ Quỳnh

VnEconomy

thanhhuong

Trở lên trên