MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ, Châu Âu muốn WTO can thiệp giải quyết căng thẳng đất hiếm với Trung Quốc

28-10-2010 - 09:12 AM | Tài chính quốc tế

10 tháng vừa qua, xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc giảm 40% trên toàn thế giới. Nguồn cung đất hiếm hạn chế, giá cả hàng hóa leo thang; an ninh năng lượng, nguyên liệu thô căng thẳng.

Việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm đang gây ra quá nhiều lo lắng đến nỗi chính phủ và đại diện các ngành của Đức đang cùng với quan chức thuộc Ủy ban châu Âu đệ trình lên WTO để mong có biện pháp can thiệp.

Theo Liên đoàn các ngành tại Đức, 10 tháng vừa qua, xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc giảm 40% trên toàn thế giới.

Kinh tế Đức, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và các ngành cần nhiều đất hiếm, chịu ảnh hưởng nặng nề.

Mỹ cũng đang đau đầu tìm giải pháp đối phó với nguồn cung đất hiếm hạn hẹp và cảnh báo việc thiếu đất hiếm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Tuần tới, tại Berlin, Đức, sẽ có riêng hội thảo đặc biệt bàn về vấn đề đất hiếm.

Diễn giả bao gồm ông Pascal Lamy, tổng giám đốc WTO; ông Gary Litman, phó chủ tịch phụ tránh khu vực châu Âu – châu Á tại Phòng thương mại Mỹ; ông Andris Piebalgs, cao úy phụ trách vấn đề phát triển tại châu Âu; và ông Rainer Brüderle, Bộ trưởng Kinh tế Đức.

Đức nhập khẩu từ 3 nghìn đến 5 nghìn tấn đất hiếm/năm, chủ yếu từ Trung Quốc.

Một quan chức Bộ Kinh tế Đức nói: “Trung Quốc hoàn toàn giữ thế độc quyền. Cần tìm kiếm nguồn cung mới.”

Nguồn cung đất hiếm hạn chế dẫn đến giá cả hàng hóa leo thang và đẩy an ninh năng lượng, nguyên liệu thô lên mức căng thẳng. Giá đất hiếm đến nay đã tăng gấp 3 lần.

Đất hiếm là nguyên liệu sản xuất chính trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, từ điện thoại di động, xe hơi động cơ hỗn hợp, tuabin gió, đến các tấm pin năng lượng mặt trời.

97% sản lượng đất hiếm của thế giới đến từ Trung Quốc, Trung Quốc nắm thế độc quyền về việc cung cấp nguyên liệu này.

Với lợi thế như vậy, Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội thi hành các chính sách đơn phương nhằm trục lợi về kinh tế. Trung Quốc hàng năm đều cắt giảm sản lượng xuất khẩu kim loại đất hiếm 6% và nâng cao thuế xuất khẩu với tốc độ tăng thuế từ 15% - 25%. Chính sách này chẳng khác nào cái thòng lọng, dần dần thu hẹp lại cho tới khi các nước khác không thể nào chịu nổi.

Tháng 9/2010, Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp lãnh thổ, thị trường đồn đoán nhiều về khả năng Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản.

Đến nay, Trung Quốc luôn phủ nhận kế hoạch ngừng xuất khẩu đất hiếm. Trung Quốc chỉ trích các nước khác đưa ra yêu cầu bất hợp lý với nguồn tài nguyên cần thiết cho phát triển công nghiệp của Trung Quốc.

Mới đây Ấn Độ đã đồng ý cung cấp đất hiếm đều đặn cho Nhật Bản.

Ngọc Diệp
Theo Nytimes

ngocdiep

Trở lên trên