MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ngành nghề kinh doanh chính” của doanh nghiệp không phải là làm từ thiện!

31-10-2010 - 13:45 PM | Tài chính quốc tế

Họ sản xuất kinh doanh tốt đã là đóng góp cho xã hội nhiều lắm rồi.

David Beckham có lẽ chẳng bao giờ dành được giải Nobel Vật lý. Người ta nói: “Ôi giời, đầu óc Beckham ắt chẳng sáng sủa cho lắm.” Ờ đúng.

Nhưng họ chẳng bao giờ nói: “Stephen Hawking hả, trên sân cỏ lão ấy là đồ ăn hại.”

Các doanh nghiệp thành công cũng giống như Beckham. Beck giỏi đá bóng còn công ty giỏi kiếm lời.

Họ cũng có thể tinh thông những mảng khác ví dụ như làm người mẫu quảng cáo kính râm hoặc thành lập các đội chuyên trách giải quyết vấn đề môi trường. Nhưng chuyên môn của họ mới là thứ đóng góp cho xã hội nhiều nhất.

Ann Bernstein, Giám đốc think-tank Trung tâm Doanh nghiệp và phát triển tại Nam Phi cho rằng những người tán thành cái gọi là “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (CSR) thường quên mất điểm này.

Trong cuốn sách “Doanh nghiệp tại các nền kinh tế đang phát triển” mới xuất bản, bà nhấn mạnh rằng công ty đơn giản chỉ cần tiến hành kinh doanh bình thường là đã làm lợi cho xã hội rồi.

Trong một thị trường tự do cạnh tranh, doanh nghiệp kiếm lời nhờ cung cấp hàng hóa dịch vụ cho khách hàng có nhu cầu. Để tồn tại, hoặc họ phải chào giá thấp hơn hoặc chất lượng phải cao hơn đối thủ cạnh tranh.

Thành công của một doanh nghiệp sẽ được chia sẻ tới không ít đối tượng. Cổ đông nhận cổ tức. Người lao động nhận lương. Nhà cung cấp dành được các hợp đồng.

Người bình thường với tay được tới những thứ khiến vua chúa thời xưa cũng phải ghen tỵ như ti vi, điều hòa hay thuốc kháng sinh.

Những lập luận này không có gì lạ, nhưng cái mới mẻ là bà Bernstein đã nhìn vấn đề từ góc độ của Châu Phi.

Công dân các nước giàu thường phàn nàn về những tác hại thường thấy của giới doanh thương nhưng lại coi sự thịnh vượng họ tạo ra là điều hiển nhiên. Dân chúng các nước đang phát triển không có được cái “nỗi phiền muộn xa xỉ” ấy.

Ở Nam Phi, hơn 1/3 lực lượng lao động thất nghiệp, vấn đề không phải là các doanh nghiệp vô đạo đức mà vì có quá ít doanh nghiệp. Một lý do là giới lãnh đạo Nam Phi đã vô tình đặt gánh nặng “trách nhiệm xã hội” lên vai doanh nghiệp.

Các quy định về môi trường nghiêm ngặt khiến việc xây dựng nhà cửa phải trì hoãn không ít. Điều đó là tốt cho lũ bướm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nhưng lại quá khắc nghiệt với những người dân Nam Phi đang sống trong khu ổ chuột.

Những quy định như thế cũng làm quá trình xây dựng nhà máy điện chậm lại khiến Nam Phi tê liệt vì liên tục mất điện trong năm 2008. Luật lao động Nam Phi khiến khó mà đuổi việc được nhân công, vì thế mà ngay từ đầu doanh nghiệp đã ngại thuê mướn.

Chương tình “Quyền lực kinh tế về tay người Phi” buộc doanh nghiệp chuyển nhượng cổ phiếu cho người da đen khiến một số cá nhân lắm quan hệ giàu lên trong khi giới đầu tư nản lòng.

Tuy vậy, bà Bernstein lảnh tránh chủ đề cực kỳ nhạy cảm tại quê nhà này.

Đôi khi áp lực buộc doanh nghiệp giải quyết các vấn đề xã hội không đến từ chính phủ mà từ các tổ chức phi chính phủ (NGO). Bà Bernstein dẫn ra ví dụ về đường ống Exxon xây dựng tai Chad.

Công ty dầu lửa khổng lồ dành tới 6 năm để tìm ra phương án phù hợp nhất với “Nguyên tắc Equator” (bộ tiêu chuẩn tự nguyện về xác định, đánh giá và kiểm soát các rủi ro môi trường và xã hội đối với một dự án).

Exxon căng sức gìn giữ nơi cư trú của loài khỉ đột và đền bù cho những cư dân phải di dời. Dù vậy các NGO vẫn tiến hành chiến dịch lên án công ty này một cách đầy giận dữ.

“Nhiều công ty biết điều ắt hẳn sẽ đi đến kết luận rằng … chẳng đáng đầu tư vào các nước nghèo chút nào,” bà Bernstein thở dài.

Các nhà hoạt động phản đối doanh nghiệp đôi khi còn tuyên bố rằng doanh nghiệp còn mạnh hơn cả chính phủ. Thật nực cười!

Chính phủ có thể ban hành luật, tăng thuế và tuyên chiến. Doanh nghiệp chẳng thể ép uổng nổi ai. Nếu dân chúng không tự nguyện mua sản phẩm của doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ phá sản.

Giới doanh thương do đó cực kỳ nhạy cảm đối với tâm lý của công chúng. Đây thường là điều tốt. Bà Bernstein dẫn ra ví dụ về các cửa hàng do người da trắng làm chủ dưới chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid.

Khi người mua hàng da đen tẩy chay chúng, “phần lớn chủ cửa hàng người da trắng sẵn sàng từ bỏ thói quen phân biệt chủng tộc nhanh đến đánh ngạc nhiên.” Dù vậy doanh nghiệp cũng có thể bị ép phải làm những điều sai trái.

Khi các công ty đa quốc gia đầu hàng trước áp lực xã hội và cắt đứt quan hệ với nhà cung cấp ở các nước nghèo vốn bị lên án là các “trại lao động”, những người công nhân trước đây từng khâu giày xuất khẩu nay phải bới rác để sống qua ngày.

Có trách nhiệm với bất kỳ ai tức chẳng có trách nhiệm với ai cả

Những người tán thành “trách nhiệm xã hội doanh nghiệp” cho rằng doanh nghiệp nên theo đuổi “ba mục tiêu cốt yếu”: không chỉ lợi nhuận mà cả bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.

Nếu tư duy một cách nghiêm túc thì ý niệm này theo bà Bernstein là “không thể hiểu nổi”. Lợi nhuận dễ tính toán.

Nhưng những nhu cầu vốn rất nhiều mà lại thường đối nghịch nhau của dân địa phương thì không. Một doanh nghiệp cái gì cũng phải chịu trách nhiệm thực chất là chẳng chịu trách nhiệm với cái gì cả.

Bà không đi theo quan điểm “chuyên chế” rằng doanh nghiệp chỉ nên theo đuổi tối đa hóa lợi nhuận trong khi vẫn tuân thủ pháp luật. Ở các nước nghèo, luật pháp thường thiếu minh bạch.

Các công ty đa quốc gia sẽ phải đối mặt với những tục lệ ở quốc gia đó là chấp nhận được nhưng ở nước mình lại là phạm tội. Đương nhiên, làm điều tốt thì vẫn hơn nhưng khó mà phân định được thế nào là tốt thế nào là xấu.

Ở những khu vực dân trí chưa cao đôi khi họ sẽ xây dựng đường xá và trường học để làm thân với người địa phương.

Họ sẽ khoa trương về những chuyện này, nhưng đơn giản đó chỉ là chi phí kinh doanh chứ không phải vì họ thích làm từ thiện.

Minh Tuấn
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên