MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuối năm 2009: Dự trữ vàng của Việt Nam đạt 1.000 tấn, bằng 50% GDP

03-11-2010 - 17:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Quyền lực của vàng trong nước có thể sẽ bị giảm sút sau khi Thông tư 22 của NHNN về không được chuyển đối vốn huy động bằng vàng thành VND chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11/2010.

Giới chuyên môn cho rằng đây là một quyết định đúng, cho dù hơi muộn so với những diễn biến có lúc bất thường của thị trường vàng trong nước thời gian qua.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, theo số liệu thống kê của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), lượng vàng dự trữ của Việt Nam đã tăng liên tục trong nhiều năm qua và đạt mức cao nhất 1.000 tấn vào cuối năm 2009 với tổng trị giá lên tới 45 tỷ USD, bằng 50% GDP của Việt Nam cùng thời điểm.

Điều này khiến cho Việt Nam trở thành thị trường vàng lớn thứ năm thế giới và đang bị “vàng hóa” nghiêm trọng. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô trong trung hạn.

Ảnh hưởng trực tiếp nhất có thể kể đến là khả năng huy động nguồn vốn của khu vực tài chính ngày càng xấu đi, do tỉ lệ tiết kiệm bằng vàng (để dành) tăng lên thay vì tiết kiệm qua hệ thống ngân hàng.

Mặt khác, với lượng vàng cất trữ gia tăng nhanh chóng cũng khiến cho thị trường ngoại tệ tự do “bành trướng” mạnh mẽ. Bởi thế, rõ ràng vàng không còn là vấn đề nhỏ của các nhà kinh doanh, mà đang thực sự trở thành một lực lượng thị trường có khả năng chi phối cả tiết kiệm, đầu tư, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại tệ và hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế.

Thực tế, từ năm 2000, theo Quyết định số 432/2000/QĐ-NHNN, tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối đều có thể thực hiện nghiệp vụ huy động vàng dưới hình thức phát hành chứng chỉ huy động vàng có kỳ hạn; huy động bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng dưới hình thức tiết kiệm có kỳ hạn hoặc phát hành chứng chỉ; sử dụng vốn huy động bằng vàng để cho vay bằng vàng đối với khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đời sống.

Quyết định này cũng cho phép tổ chức tín dụng được chuyển tối đa 30% vốn huy động bằng vàng thành tiền để sử dụng linh hoạt nguồn vốn huy động vàng trong kinh doanh.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện cho thấy việc bảo toàn vốn cho vay gặp khó khăn nên không có nhiều tổ chức tín dụng thực hiện chuyển đổi. Trong thực tế, việc chuyển đổi rất dễ bị rủi ro kinh doanh vì không duy trì trạng thái vàng và không thực hiện được bảo hiểm khi giá vàng biến động mạnh.

Chuyển đổi vốn bằng vàng thành tiền cũng đã kích thích nhiều tổ chức tín dụng mở rộng huy động để cho vay bằng vàng với lãi suất cao đối với lĩnh vực phi sản xuất. Một số tổ chức tín dụng còn sử dụng nguồn vốn bằng tiền chuyển đổi để quay vòng đầu cơ vàng và ngoại tệ, ảnh hưởng xấu đến thị trường ngoại hối và tỉ giá.

Hiện nay, cả nước có 23 tổ chức tín dụng huy động và cho vay bằng vàng với số dư huy động tính đến tháng 9-2010 là 92,6 tấn, tương đương 73.000 tỉ đồng. Trong khi đó, cho vay chỉ chiếm 60% so với vốn huy động bằng vàng, hiệu quả kinh doanh thấp.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết: Thời gian gần đây, giá vàng biến động lớn, tách rời giá trị, đầu cơ gia tăng; việc lưu thông vàng, huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD) tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của các TCTD nên việc sửa đổi cơ chế huy động và cho vay vốn bằng vàng theo hướng thu hẹp là phù hợp.

Với Thông tư 22, NHNN cho rằng cơ chế mới được thực thi sẽ góp phần tích cực để khắc phục những tồn tại của việc lưu thông vàng trong nền kinh tế, khắc phục rủi ro về kỳ hạn, thanh khoản và lãi suất đối với TCTD huy động và cho vay bằng vàng; đối với nền kinh tế và thị trường ngoại hối sẽ giảm nhập lậu, đầu cơ vàng và ngoại tệ, góp phần ổn định thị trường ngoại hối và tiền tệ.

Một khối lượng vàng đầu tư và đầu cơ trên thị trường trong nước chuyển dần thành vốn bằng tiền (VND, ngoại tệ) để đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, thông qua các công cụ huy động của ngân sách nhà nước, các TCTD, doanh nghiệp.

Theo Duy Minh
Báo Công Thương

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên