Nghị định về xuất khẩu gạo: ai được, ai mất ?
Các điều kiện về kinh doanh xuất khẩu gạo trong nghị định 109 chắc chắn sẽ gây khó khăn không nhỏ cho nhiều doanh nghiệp trong ngành.
Nghị định đầu tiên quy định điều kiện kinh doanh xuất khẩu mặt hàng nông sản chiến lược nhất là lúa gạo đã ra đời sau nhiều lần thảo luận, sửa đổi. Dự báo, Nghị định 109 sẽ “sàng lọc” mạnh mẽ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Sàng lọc
Theo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TPHCM, các điều kiện về kinh doanh xuất khẩu gạo trong nghị định 109 chắc chắn sẽ gây khó khăn không nhỏ cho nhiều doanh nghiệp trong ngành. Đối chiếu với các quy định trong nghị định thì hiện có rất ít công ty có cơ sở xay xát gạo công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ, có khả năng duy trì thường xuyên mức dự trữ lưu thông 10%.
“Một doanh nghiệp xuất khẩu 5.000 tấn gạo thì số gạo dự trữ bắt buộc là 500 tấn, tương đương 9 tỉ đồng. Phần lớn doanh nghiệp phải đi vay mới có vốn mua và xuất khẩu gạo, mà hiện rất khó vay được vốn, lãi suất lại cao, lấy đâu ra tiền để dự trữ gạo”, doanh nghiệp này trăn trở.
Trong khi đó, những cơ sở trước nay chuyên xay xát lúa, nhờ có sẵn kho dự trữ và có công suất xay xát đạt điều kiện tối thiểu, thì Nghị định 109 được coi là cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh.Ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc nhà máy xay xát lúa gạo Trường Thọ tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho rằng Nghị định 109 là cơ hội để doanh nghiệp của ông mở rộng hoạt động xuất khẩu. Trường Thọ có cơ sở vật chất “đạt chuẩn” với 4 cơ sở xay xát lúa công suất 150.000 tấn lúa/năm (tương đương 110.000 tấn gạo) và một kho dự trữ gạo 7.000 m2 đang đầu tư xây dựng.
Theo ông Thọ, sắp tới nhiều “trader” (thương nhân) chuyên mua đi bán lại, vì không thể tiếp tục xuất khẩu gạo, sẽ tìm đến các doanh nghiệp có nhà máy xay xát và có kho tàng. Trong khi đó, chính doanh nghiệp như ông cũng cần đến họ vì họ có mạng lưới giao dịch rộng và khi cần có thể huy động vốn khá dễ dàng.
Trong điều khoản thi hành của Nghị định, Chính phủ cũng dành thêm 9 tháng kể từ khi Nghị định 109 có hiệu lực vào ngày 1-1-2011 để các doanh nghiệp chưa được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện được tiếp tục xuất khẩu hoặc xoay xở để đạt chứng nhận bằng cách xây hoặc đi thuê kho chứa, cơ sở xay xát. Sau thời gian "ân hạn" này, doanh nghiệp nào vẫn không đủ điều kiện sẽ phải ngừng hoạt động xuất khẩu.
Một nghị định, nhiều mục tiêu
Mặc dù Nghị định chỉ tập trung vào doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo mà không nhắc đến vai trò của người nông dân nhưng không thể phủ nhận lợi ích của nhóm đối tượng này là điều Chính phủ muốn hướng đến.
Theo các chuyên gia, Nghị định 109 sẽ gây ra thay đổi lớn trên thị trường lúa gạo, đầu tiên là cơ cấu lại thành phần doanh nghiệp tham gia xuất khẩu và tiếp theo là chuẩn bị cho ngành lúa gạo trước cuộc “đổ bộ” của doanh nghiệp nước ngoài khi Việt Nam mở cửa thị trường vào đầu năm 2011.
Trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, thị trường đã chứng kiến nhiều phen giá cả hỗn loạn mà nguyên nhân là doanh nghiệp, chủ yếu là các trader, do không có kho tàng, không có cơ sở chế biến, không dự trữ đủ lượng gạo cần thiết cho xuất khẩu, khi ký được hợp đồng xuất khẩu mới đi mua gom gạo từ thương lái. Chính điều đó dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán gây bất ổn cho thị trường. Và đây cũng là một trong những cơ sở thúc đẩy sự ra đời của Nghị định 109 nhằm hạn chế các hoạt động của những thương nhân chỉ mua đi bán lại, “lướt sóng” trên thị trường hay xuất khẩu gạo kém chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín gạo Việt Nam.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ nhận xét thêm, nghị định cũng buộc các doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với nông dân, bằng chính việc đầu tư vào công đoạn chế biến, dự trữ nhằm nâng cao giá trị hạt gạo thay vì chỉ tìm kiếm lợi nhuận. Có như vậy, theo ông Dũng, thì mới tạo ra sức nâng cho khu vực nông thôn, và đặc biệt là nông dân vốn còn yếu kém về nhiều mặt. “Sau nghị định này, chắc chắn chỉ một số ít trong khoảng 250 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo hiện nay còn bám trụ trên thị trường.” ông Dũng dự báo.
Một điểm quan trọng, theo ông Dũng, Nghị định có hiệu lực vào thời điểm 1-1-2011 cũng buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia vào thị trường lúa gạo Việt Nam phải đầu tư nghiêm túc vào sản xuất, chế biến như đối với doanh nghiệp trong nước. “Có thể nói trước mắt nghị định này không vi phạm nguyên tắc WTO vì điều kiện đối với đối tượng thương nhân trong và ngoài nước là như nhau. Hơn nữa nó giúp ngành nông nghiệp, nhất là người nông dân có thêm thời gian để chuẩn bị, đỡ bị tổn thương khi mở cửa thị trường lúa gạo cho doanh nghiệp nước ngoài, trong đó không thể thiếu các trader chuyên nghiệp của thế giới, thành thạo kỹ thuật mua bán, nâng giá, dìm giá… làm mưa gió trên thị trường, rất nguy hiểm.” ông Dũng nhận xét.
Vẫn còn khá sớm để biết rõ các tác động lên thị trường từ sau nghị định này nhưng theo nhiều chuyên gia đã tham gia qua bao lần dự thảo, thì cũng đã đến lúc phải chấn chỉnh thị trường lúa gạo vốn thiếu ổn định và chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập vào sân chơi quốc tế.
Theo Thái Hằng-Ngọc Hùng
TBKTSG