MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán Việt Nam 2010

"Làm giá", "đội lái" trở thành vấn đề khá nóng trên TTCK năm nay; hoạt động M&A có nhiều sự kiện đáng chú ý; ....

1. Những nghi án làm giá chứng khoán

Năm 2010, những từ “làm giá”, “đội lái” trở nên quá quen thuộc đối với mọi thành phần tham gia thị trường. Nhiều cổ phiếu có những giai đoạn tăng nóng bất thường như AAA, DHT, MKV, HTV, VTV, LTC… đều thuộc diện nghi án bị "làm giá".

Một trong những sự kiện thu hút nhiều sự quan tâm là việc cổ phiếu AAA đã tăng từ 4x lên 9x rồi rơi một mạch về 3x.

Trong quá trình giá AAA rơi không phanh, đã nổi lên nghi vấn về việc một số người dùng tiền đòn bẩy mua cổ phiếu AAA với giá cao ngất ngưởng rồi khi giá giảm đã “bỏ của chạy lấy người”.

Đáng chú ý là trong ngày 28/9, gần 50% lượng cổ phiếu đang lưu hành của AAA, tương đương 5 triệu cổ phiếu được đem bán trong 1 phiên.

2. Dòng vốn ngoại chảy mạnh: Khối ngoại mua ròng hơn 15.000 tỷ đồng

Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục giữ xu hướng mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tổng giá trị mua ròng trên cả HoSE và HNX tính tới giữa tháng 12 đạt hơn 15.400 tỷ đồng. Trong đó, giá trị mua ròng tại HoSE là 14.660 tỷ và tại HNX là 750 tỷ đồng. Đây là mức mua ròng chỉ đứng thứ 2 sau kỷ lục hơn 24.000 tỷ đồng của năm 2007.

Năm 2009, giá trị mua ròng của khối ngoại chỉ đạt gần 3.500 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 10, theo UBCKNN, tổng danh mục vốn FII tại Việt Nam đạt khoảng 6,5 tỷ USD (chưa tính 1 tỷ USD vốn trái phiếu nước ngoài Bộ Tài chính huy động hồi đầu năm).

Bên cạnh việc mua trên thị trường niêm yết, nhà đầu tư ngoại cũng rất tích cực tham gia các đợt phát hành riêng lẻ, đấu giá cổ phần, mua cổ phiếu OTC hoặc hình thức đầu tư Private Equity.

Một số công ty quản lý quỹ lớn như Indochina Capital; VinaCapital đã cho biết là dự định huy động vốn lập các quỹ  đầu tư mới trong năm 2011. Công ty chứng khoán SBS mới đây cũng cho biết hiện có 2 quỹ ngoại với số vốn 400 triệu USD đang chờ cơ hội giải ngân.
 
Tương quan biến động của Vn-Index và DJIA trong năm 2010

3. Hoạt động M&A được đẩy mạnh

Năm 2010, hoạt động M&A (mua bán-sáp nhập) trên thị trường chứng khoán đã nở rộ cả về số lượng lẫn hình thức.

- Về sáp nhập doanh nghiệp, có các thương vụ sáp nhập giữa KMR-KMF, HT1-HT2, KDC-NKD.

- Về chào mua công khai có HVG chào mua AGF; Thành Thành Công chào mua cổ phiếu NHS; Bảo hiểm Prudential chào mua chứng chỉ quỹ PRUBF1…

- Thành Thành Công cùng một số công ty khác mua lại toàn bộ phần vốn của Tập đoàn Bourbon tại Bourbon Tây Ninh (SBT); Bất động sản Bình Thiên An cùng các bên có liên quan thâu tóm đối với Descon (DCC).

- Tập đoàn Masan (MSN) mua lại quyền khai thác mỏ đa kim Núi Pháo từ các quỹ của Dragon Capital

4. Các quỹ của Dragon Capital trước nguy cơ phải thanh lý quỹ

Dragon Capital (DC) là tổ chức nước ngoài được nhắc đến nhiều nhất trong năm.

Giữa năm nay, 2 quỹ đầu tư cổ phiếu của DC là Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) và Vietnam Growth Fund (VGF) đứng trước nguy cơ phải thanh lý quỹ vì giá giao dịch xuống quá thấp so với giá trị tài sản ròng.

Tuy nhiên, cuối cùng thì các cổ đông của 2 quỹ trên vẫn thông qua việc tiếp tục duy trì hoạt động đầu tư. Hiện tại thì tỷ lệ chiết khấu của các quỹ này đã về mức “an toàn”.

Một quỹ đầu tư cổ phiếu khác của DC Vietnam Dragon Fund (VDF) đang trong quá trình chuyển giao danh mục sang cho quỹ Dragon Capital Vietnam Fund (DCVF). DCVF sẽ hoạt động theo hình thức quỹ tín thác.

Một thương vụ đình đám khác của DC là chuyển nhượng quyền khai thác mỏ đa kim Núi Pháo sang cho Tập đoàn Masan.

5. Những kế hoạch tăng vốn khủng

Những năm trước, việc đưa ra kế hoạch tăng vốn 1:1, 1:2 đã được coi là “rất khủng” thì sang năm 2010, nhiều doanh nghiệp còn đưa ra những kế hoạch tăng vốn lớn hơn nhiều lần:

PVA dự định tăng vốn từ 100 tỷ lên 600 tỷ; hai cổ phiếu “họ Becamex” cũng đặt mục tiêu tăng 5 lần vốn điều lệ: TDC từ 200 tỷ lên 1.000 tỷ; IJC từ 548 tỷ lên 2.742 tỷ…

Những kế hoạch trên đều chưa thực hiện được trong năm 2010. Ở mức độ thấp hơn, một số doanh nghiệp khác đã thực hiện được như: KLS tăng vốn từ 1.000 tỷ lên 2.025 tỷ đồng; SHN tăng từ 87,2 tỷ lên 323,5 tỷ đồng; SDD từ 48,5 tỷ lên 155 tỷ đồng…

Việc các doanh nghiệp liên tục tăng vốn đã tạo ra nguồn cung hàng rất lớn, gây sức ép lên thị trường. Bên cạnh đó, trong năm qua cógần 200 DN lên niêm yết tại HNX và HoSE: tương ứng với hơn 4,44 tỷ cổ phiếu (bao gồm cả số phát hành bổ sung sau lên sàn).

 6. VCG: LNTT năm 2009 sau kiểm toán giảm 429 tỷ đồng

Mùa báo cáo kiểm toán tài chính năm 2009 đã ghi nhận khá nhiều doanh nghiệp có sự biến động lớn giữa doanh thu và lợi nhuận trước và sau kiểm toán.

Đáng chú ý nhất là trường hợp của Tổng Công ty Vinaconex (VCG):

+ Lợi nhuận trước thuế hợp nhất sau kiểm toán giảm 429 tỷ: từ 620 tỷ xuống 191 tỷ đồng.

+ Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm từ 269 tỷ xuống 5,8 tỷ đồng.

Một số trường hợp đáng chú ý khác là IFS từ lãi 379 triệu thành lỗ 27,73 tỷ đồng; HVG sau kiểm toán LNST giảm 68 tỷ xuống 295 tỷ đồng; DQC giảm một nửa lợi nhuận…

7. DVD: Những việc chưa có tiền lệ

Ngày 26/11, Cơ quan Công an đã tiến hành bắt tạm giam đối với ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch HĐQT kiểm Tổng giám đốc của Dược Viễn Đông (DVD) vì có liên quan đến hành vi thao túng giá cổ phiếu. Sau đó, một số lãnh đạo cao cấp khác của DVD cũng bị tạm giam để điều tra.

Theo thông tin từ UBCKNN thì ông Dũng bị cáo buộc tội danh tạo doanh thu ảo và thao túng giá cổ phiếu DVD, DHT.

Ngoài sự việc trên thì DVD cũng bị đình chỉ đợt chào bán chứng khoán cho cổ đông hiện hữu. Việc này đặt ra bài toán là quyền lợi của cổ đông DVD sẽ giải quyết như thế nào khi giá cổ phiếu đã điều chỉnh giảm tại ngày giao dịch không hưởng quyền nhưng họ lại không được mua cổ phiếu phát hành thêm?

8. Nhiều doanh nghiệp lỗ triền miên: TRI, VTA, FBT, SHC…

Với kết quả kinh doanh thua lỗ liên tục, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phải hủy niêm yết nếu tiếp tục lỗ trong năm nay.

Trong 8 quý từ Q4/2008 đến Q3/2010, TRI chỉ lãi duy nhất trong Q2/2010. Tổng mức lỗ lũy kế tới cuối Q3 năm nay là hơn 212 tỷ đồng.

VTA có 8 quý lỗ liên tiếp: tổng lỗ lũy kế đến cuối tháng 9 là 67,38 tỷ đồng (vốn điều lệ 60 tỷ)… SHC có 7 quý lỗ liên tiếp tính tới Q3/2010;

IFS và FPC hiện vẫn bị ngừng giao dịch vì lỗ liên tiếp 2 năm 2008 và 2009. Trong khi IFS có lãi trong cả 3 quý đầu năm thì FPC tiếp tục lỗ cả 3 quý.

9. Cải cách các doanh nghiệp nhà nước

Việc cải cách các doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh trong năm qua. Từ 1/7/2010, khi luật Doanh nghiệp nhà nước hết hiệu lực, các doanh nghiệp nhà nước chưa tiến hành cổ phần hóa sẽ chuyển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên – hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Thêm một số Tập đoàn Nhà nước được thành lập như Tập đoàn HUD, Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Hóa chất…

Một số tổng công ty lớn đã tiến hành IPO một số tổng công ty lớn: PV Gas, Vinaincon, VEC, Petec… Tuy nhiên, phần lớn trong số này đã không chào bán hết lượng cổ phần đấu giá.

Một số doanh nghiệp tiếp tục phải lùi kế hoạch IPO như BIDV, Mobifone…

10. Sửa đổi, bổ sung khung pháp lý

Nhiều quy định pháp lý đang dần được hoàn thiện, bổ sung nhằm phản ánh sát với những biến động thực tế của thị trường:

+ Mức xử phạt đối với các hoạt động vi phạm trong giao dịch chứng khoán được nâng lên. Thao túng giá chứng khoán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

+ Bộ Tài chính dự kiến yêu cầu vốn điều lệ thành lập CTCK và công ty quản lý quỹ lên 500 tỷ đồng; CTCP muốn niêm yết trên HoSE cần 120 tỷ vốn điều lệ và tại HNX là 30 tỷ đồng.

Tuy vậy, một số vấn đề mà nhiều người mong chờ vẫn chưa thực hiện được như Giao dịch ký quỹ, Rút ngắn giao dịch T+, mua bán chứng khoán cùng phiên…

 Ban Biên tập CafeF

duchai

Trở lên trên