MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phía sau BCTC không hợp nhất

Việc hợp nhất hay không hợp nhất kết quả các công ty con có thể khiến kết quả kinh doanh của một tập đoàn có sự thay đổi lớn.

BCTC là lĩnh vực phức tạp với đa số NĐT cá nhân, nên không loại trừ ban điều hành DN tận dụng các kẽ hở trong quy định nhằm điều chỉnh số liệu, phục vụ các mục đích ngắn hạn.

Ngày 21/12/2010, Sở GDCK Tp.HCM ra quyết định số 267/2010/QĐ-SGDHCM cảnh cáo CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF).

Lý do là TTF lập và trình bày báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất năm 2008 và 2009, mà không hợp nhất toàn bộ BCTC của các Công ty con. Sự cố này về BCTC là một sơ suất mang tính chủ quan hay thêm một lần nữa cảnh báo về chất lượng, độ tin cậy của BCTC.

TTF bị cảnh cáo “nguội”!

Một cổ đông lớn của TTF đầu tư vào Công ty từ khi IPO năm 2007 cho biết, anh không ngạc nhiên với thông tin cảnh cáo nêu trên. Bởi lẽ, nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2009 của TTF đã lưu ý về khoản lợi nhuận sau thuế 24,35 tỷ đồng của TTF chỉ đến từ việc hợp nhất 2/9 công ty con.

Trong báo cáo thường niên 2009 của TTF, Công ty Kiểm toán DTL nhận xét về việc hợp nhất BCTC 2009 của TTF như sau: “ý kiến của chúng tôi bị giới hạn bởi các vấn đề BCTC hợp nhất của Tập đoàn chỉ bao gồm việc hợp nhất BCTC của Công ty mẹ là CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành - Bình Dương và hai công ty con là CTCP Gỗ Trường Thành Daklac 1 & 2. BCTC của các công ty con còn lại đều chưa được hợp nhất”. Trước đó, vào năm 2008, TTF đạt 20 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, kiểm toán viên của DTL cũng đã dưa ra ý kiến tương tự.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện TTF cho biết, việc hạch toán, kế toán tại TTF dựa trên Thông tư số 161/2007/TT-BTC hướng dẫn chuẩn mực kế toán vào các khoản đầu tư liên doanh liên kết.

Theo đó, TTF nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết của bên nhận đầu tư, nhưng có thỏa thuận về việc không nắm giữ quyền kiểm soát, thì vẫn được kế toán như các khoản đầu tư trong công ty liên kết.

Thực tế, từ năm 2008, TTF đã hoạt động theo mô hình tập đoàn với 9 công ty con. Tại nhiều DN, TTF nắm số cổ phần vượt xa mức chi phối 51% như CTCP Chế biến gỗ Trường Thành - Bình Dương 2 (60%), CTCP Kỹ nghệ gỗ Trường Thành - Thủ Đức (74%), CTCP Trường Thành Xanh - Phú Yên (85,2%), CTCP Lâm nghiệp Trường Thành (99,34%)...

Ngoài hai DN đã được TTF hợp nhất kết quả kinh doanh, 7 công ty còn lại TTF chưa hợp nhất kết quả kinh doanh trong hai năm qua. Về điều này, TTF giải thích trong báo cáo thường niên 2009: “Đối với các công ty mà TTF đã đầu tư và có quyền biểu quyết trên 50% (9 công ty được liệt kê trong BCTC đã kiểm toán), ngoại trừ hai công ty Daklak 1 và Daklak 2, ngay từ đầu chúng tôi đã thống nhất trong HĐQT cũng như thỏa thuận với các công ty này là TTF giao quyền kiểm soát cho các đơn vị đến khi ban hành Quy chế quản trị Tập đoàn theo mô hình công ty mẹ - con”

TTF cho biết, Công ty dự kiến hoàn tất Quy chế trong năm 2009. Tuy nhiên, sau khi biên soạn sơ bộ Quy chế vào tháng 10/2009, thì việc xem xét ban hành Quy chế chi tiết, phù hợp với tình hình thực tế phải kéo dài sang quý I/2010. Vì vậy việc hợp nhất BCTC của các công ty con chưa thực hiện trong năm 2009, mà sẽ thực hiện từ năm 2010.

Phía sau BCTC không hợp nhất

Theo ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế Tp.HCM. BCTC là lĩnh vực phức tạp với đa số NĐT cá nhân, nên không loại trừ ban điều hành DN tận dụng các kẽ hở trong quy định nhằm điều chỉnh số liệu, phục vụ các mục đích ngắn hạn.

Việc hợp nhất hay không hợp nhất kết quả các công ty con có thể khiến kết quả kinh doanh của một tập đoàn có sự thay đổi lớn.

Chẳng hạn, với mô hình công ty mẹ - con luôn diễn ra mối quan hệ thương mại nội bộ, khi hợp nhất BCTC, các giao dịch đó cần được loại trừ khỏi doanh thu và giá vốn tương ứng.

Chuẩn mực kế toán số 11 quy định về hợp nhất kinh doanh đã có những hướng dẫn chi tiết trong vấn đề lập BCTC hợp nhất. Tuy nhiên, để “đánh bóng” kết quả kinh doanh, có thể một số công ty mẹ lách việc hợp nhất bằng nhiều lý do.

Ông Chí nêu ví dụ: Tập đoàn ABC đang sở hữu 90% Công ty XYZ kinh doanh cùng ngành. Ngày 15/12/2010, ABC bán cho XYZ một lô hàng trị giá trên hợp đồng là 200 tỷ đồng (giả sử giá vốn chiếm 80% giá trị hợp đồng).

Đến thời điểm 31/12/2010, lô hàng đó vẫn nằm trong kho của XYZ. Giả định thuế suất thuế TNDN là 25%, kết quả kinh doanh của ABC và XYZ sẽ diễn ra như sau (xem bảng, đơn vị: tỷ đồng).

Như vậy theo ông Chí, nếu không báo cáo hợp nhất thì Công ty ABC có lợi nhuận sau thuế là 270 tỷ đồng. Nhưng trong báo cáo hợp nhất thì lợi nhuận của Công ty là 242,25 tỷ đồng.

Đồng thời, báo cáo còn loại ra lợi nhuận của cổ đông thiểu số trong công ty con XYZ là 0,225 tỷ đồng, nên lợi nhuận chính thức của các cổ đông trong Tập đoàn giảm còn 242 tỷ đồng, chứ không phải là 270 tỷ đồng.

Việc hợp nhất hay không hợp nhất kết quả kinh doanh của các công ty con dẫn đến các con số lợi nhuận khác biệt mang tính trọng yếu, có thể ảnh hưởng lớn đến quyết định của NĐT.

Thực tế, TTCK Việt Nam đã chứng kiến khá nhiều sự cố về BCTC như trường hợp của BBT, Vinaconex...

Một số xuất phát từ sự chủ ý, một số xuất phát từ nguyên nhân khách quan như sự chưa hoàn thiện của hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, hoặc do trình độ nhận thức của công ty dẫn đến sự thiếu thống nhất trong cách áp dụng các chuẩn mực kế toán.

Việc nhận diện các góc khuất về BCTC chưa hợp nhất sẽ giúp NĐT có cái nhìn thận trọng hơn về con số lợi nhuận của DN. Giang Thanh

Theo Giang Thanh

ĐTCK

phuongmai

Trở lên trên