MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm ...sữa cho chứng khoán

Đó không chỉ là sữa thật, tức gia tăng cung hàng hóa niêm yết có chất lượng, mà cả “sữa kỹ thuật” tức các giải pháp kỹ thuật giúp nâng cao thanh khoản cho thị trường.

Sau khi được cơ quan quản lý thị trường chấp thuận, mới đây một quỹ của Dragon Capital đã chuyển nhượng một triệu cổ phiếu Vinamilk (HOSE: VNM) cho một tổ chức nước ngoài với giá cao hơn 25% so với giá giao dịch của cổ phiếu “sữa” trên sàn.

Đối với hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài, VNM là một trong những chứng khoán phải có trong danh mục, nhưng hiện tại “room” cho nước ngoài ở đây đã hết. Nhà nước đang nắm giữ 47,6% và nước ngoài sở hữu 46% cổ phần Vinamilk, chỉ còn 6,4% nằm trong tay các thành viên hội đồng quản trị, người lao động và nhà đầu tư bên ngoài. Số lượng 6,4% này cũng ít được giao dịch, nên hiện tại thanh khoản của Vinamilk cạn kiệt dần, chỉ khớp vài chục ngàn có phiếu/phiên.

Tăng nguồn… sữa thật

Với lợi nhuận sau thuế năm nay dự kiến đạt hơn 100% so với vốn điều lệ, EPS trên 10.000 đồng/cổ phiếu; giá dao động quanh 85.000 đồng/cổ phiếu, VNM hiện là một trong những blue-chips hấp dẫn nhất trên sàn. Xét về tương lai, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam này khá cao, chưa kể Vinamilk có mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước, và sữa vẫn là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của mọi tầng lớp dân cư.

Tuy nhiên với thanh khoản quá eo hẹp, Vinamilk không thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư nội. Còn khối ngoại, với mức giá hiện hành họ không bán ra. “Chúng tôi chỉ bán ra một khi giá VNM ở mức hợp lý” - một quỹ nước ngoài cho biết – “Giá hợp lý là bao nhiêu? ít nhất là cao hơn 30% so với giá bây giờ”.

Không lẽ mỗi lần có người chào mua nội khối (nước ngoài mua bán với nhau theo phương thức thỏa thuận) với giá cao hơn giá trên sàn, nước ngoài lại phải xin phép cơ quan quản lý. Chính vì thế Công ty Quản lý quỹ PXP đã kiến nghị nên để “room” đầy đủ cho nước ngoài ở Vinamilk là 49% thay vì 46%.

Vinamilk đã dành 3% tý lệ sở hữu cho nước ngoài (“room”) nhằm thực hiện kế hoạch phát hành thêm và niêm yết ở Singapore (nếu không còn “room” thì nhà đầu tư Singapore mua vào đâu). Song, cơ quan quản lý lại cho rằng “của để dành 3%” là quyền tự chủ của chính Vinamilk, tức của doanh nghiệp theo quyết định của đại hội đồng cổ đông và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không thể can thiệp được.

Kiến nghị lập một bảng giao dịch riêng đối với những cổ phiếu đã đầy “room” cho nước ngoài trong đó có Vinamilk để các nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch nội khối xem ra cũng không khả thi vì như vậy chắc chắn sẽ tạo ra cơ chế hai giá giao dịch đối với cùng một loại cổ phiếu. Và ai dám đảm bảo rằng bên cạnh đầu tư dài hạn khối ngoại không đầu cơ?

Các quỹ đầu tư chỉ số VN-Index và quỹ ETF hiện đang chi phối VN-Index khi họ chỉ tập trung giao dịch chừng 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn như BVH, MSN, VIC, DPM, FPT, HAG...

Thực ra việc niêm yết của Vinamilk ở Singapore có cần thiết không đến nay vẫn là dấu hỏi. Với nhu cầu cổ phiếu VNM rất cao từ phía nước ngoài, Vinamilk có thể phát hành tăng vốn ngay tại trong nước thông qua đấu giá công khai.

Trước đây những đợt Vinamilk phát hành cổ phiếu tại Việt Nam đều được nước ngoài tranh mua và bỏ thầu giá cao. Trong trường hợp của Vinamilk, tăng vốn để mở rộng đầu tư sản xuất, đồng thời pha loãng giá cổ phiếu, tạo thêm nguồn cung cho thị trường ở mức giá thấp hơn giá hiện tại có thể là một giải pháp để cải thiện thanh khoản.

Bức bách nhu cầu “sữa kỹ thuật”

Thị trường chứng khoán Việt Nam là đứa trẻ lên mười, cần nhiều sữa để phát triển. Đó không chỉ là sữa thật, tức gia tăng cung hàng hóa niêm yết có chất lượng, mà cả “sữa kỹ thuật” tức các giải pháp kỹ thuật giúp nâng cao thanh khoản cho thị trường.

Cả năm 2010, những hứa hẹn của cơ quan quản lý về giao dịch T+2, giao dịch ký quỹ, nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản, được mua bán cùng một loại cổ phiếu trong ngày... vẫn nằm trên giấy.

Muốn thu hút dòng vốn ngoại, trước hết chứng khoán phải có nền tảng vốn nội tốt. Nhưng vốn nội làm sao có thể chảy vào chứng khoán một khi cổ phiếu mua vào phải bốn ngày sau nhà đầu tư mới có thế bán ra? Đây là một trong những nút thắt cơ bản kéo chứng khoán thụt lùi. Thị trường biến động từng giờ, thậm chí từng phút theo thông tin mà cổ phiếu phải nằm “chết” tới 96 giờ, thì bao nhiêu cơ hội đã vuột qua tay nhà đầu tư?

Ở một thị trường cận biên như Việt Nam, nơi hoạt động đầu cơ đang thống lĩnh, thì chống đầu cơ tốt nhất chính là bằng đầu cơ. Xóa bỏ cơ chế T+4, tạo điều kiện và cơ hội cho nhà đầu tư giao dịch, họ sẽ không còn mải miết đuổi theo đầu cơ nữa. Đơn giản là khi cuộc đua ở tầm cao hơn , đòi hỏi vốn và kinh nghiệm cũng như sức mạnh tri thức mạnh hơn, người ta sẽ nghĩ đến đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ổn định và dài hạn hơn là tham gia cuộc đua mà họ tự nhận thấy không theo kịp.

Bên cạnh đó, rào cản cho vốn ngoại còn là những thủ tục cấp mã số giao dịch cho nước ngoài tiếp tục phức tạp, gây nản lòng cho không ít tổ chức, cá nhân. Một người nước ngoài sống và làm việc ở TPHCM từ bảy tháng nay vẫn không thể có mã số giao dịch chứng khoán chỉ vì ông ta đã sống và làm việc ở tám nước khác nhau trước khi đến Việt Nam. Bây giờ để có chứng nhận lý lịch tư pháp không vi phạm hình sự để bổ sung hồ sơ xin cấp mã số giao dịch, ông phải trở về xin xác nhận của cả tám nước đó, vậy đất nước nơi ông mang quốc tịch họ có cấp cho ông không?”. ông trả lời: “Tôi không biết vì nhiều năm nay tôi không sống ở đó”. Không có mã số giao dịch, ông sẽ chẳng bao giờ đầu tư chứng khoán ở Việt Nam được.

Điều khó hiểu là các giải pháp kỹ thuật nói trên đã chín muồi từ lâu và cả thị trường đều chờ đợi nhưng chúng vẫn không thể thành hiện thực, ách tắc ở đâu? Hay vì cơ quan quản lý chưa theo kịp biến động và đòi hỏi của thị trường nên cứ từ từ để chúng ở trạng thái “án binh bất động” trên giấy!

Theo Hải Lý
TBKTSG

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên