MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Thế giới đưa ra 9 biện pháp để ngăn khủng hoảng lương thực toàn cầu

07-01-2011 - 09:21 AM | Tài chính quốc tế

Chỉ số giá thực phẩm mới đây đã leo lên mức cao chưa từng có trong lịch sử.

Tác giả bài viết là chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB).

Ông Nicolas Sarkozy, Tổng thống Pháp, đã đúng khi coi việc giải quyết biến động giá thực phẩm như ưu tiên hàng đầu của chính phủ Pháp khi nước này làm “chủ nhà” của hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo cao cấp nhóm G20 vào năm 2011.

Số liệu công bố ngày thứ Tư từ Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) thuộc Liên hợp quốc cho thấy giá cả của nhiều loại hàng hóa cơ bản hiện nay đã vượt mức đỉnh của năm 2008.

Đối với người dân sống tại các nước nghèo, chi tiêu cho thực phẩm chiếm phần lớn ngân sách gia đình của họ, giá thực phẩm tăng đang được coi như rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và ổn định xã hội.

Khi giá các loại thực phẩm thiết yếu tăng mạnh, người nghèo chịu hậu quả nặng nề nhất. Nếu không có biện pháp nào với quy mô toàn cầu được đưa ra, người dân tại nhóm nước nghèo sẽ bị tước đi quyền được có đủ thực phẩm với dưỡng chất cần thiết, hậu quả đối với các cá nhân và sự thịnh vượng của các quốc gia không hề nhỏ.

G20 cần quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực trước bởi lương thực không thể thiếu trong cuộc sống và bởi hành động thực tế của G20 sẽ mang đến thay đổi thực sự cho hàng trăm triệu người trên thế giới.

Mục tiêu chung cần là đảm bảo những người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất và nhiều nước có thể tiếp cận được với thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. G20 hoàn toàn có thể làm được việc này miễn là G20 đồng ý thông qua các biện pháp có sự gắn kết và thực tế.

1) Giúp công chúng tiếp cận tốt với thông tin về chất lượng và số lượng ngũ cốc: Thông tin tốt hơn giúp trấn an thị trường và bình ổn tâm lý ngăn giá cả tăng quá nóng. Các tổ chức đa phương sẽ giúp đưa ra cách tăng tính minh bạch thông tin.

2) Cải thiện hoạt động dự báo thời tiết trong dài hạn, đặc biệt tại châu Phi. Tại nhóm nước phát triển, người ta đã coi việc dự báo thời tiết chính xác như điều hiển nhiên thế nhưng tại nhóm nước nghèo khi năng suất phụ thuộc nhiều vào lượng mưa, dự báo sai lầm về mùa vụ khiến bất ổn giá cả tăng cao. Dự báo thời tiết hiệu quả hơn giúp người nông dân tính trước nhu cầu cần hỗ trợ ở mức nào.

3) Tăng cường hiểu biết của các chuyên gia về mối liên hệ giữa giá hàng hóa quốc tế và giá tại nhóm nước nghèo. Yếu tố như chi phí giao thông, loại cây trồng và tỷ giá đồng nghĩa với giá thực phẩm tại địa phương có thể không liên kết chút nào với giá quốc tế.

Ví như tại Campuchia ở thời điểm giữa năm 2009 giá gạo biến động song song với giá thế giới, thế nhưng từ đó đến nay, giá đã tăng tới 25% trong khi giá gạo quốc tế hạ 15%. Cần giải quyết sớm vấn đề chênh lệch giá của những loại hàng hóa này và tập trung vào nhóm nước mà mức độ biến động lên cao nhất.

4) Thành lập dự trữ nhân đạo tại khu vực dễ chịu ảnh hưởng của thiên tai và chất lượng cơ sở hạ tầng kém. Việc xây dựng dự trữ lón sẽ tốn kém, chất lượng hàng hóa đi xuống nhanh.

Thế nhưng tại những khu vực mà khủng hoảng lương thực hay xảy ra và cơ sở hạ tầng giao thông kém, những dự trữ nhỏ được lập từ trước sẽ giúp được người đói hiệu quả. Chương trình lương thực thế giới (WFP) sẽ quản lý được hệ thống này.

5) Cùng chấp thuận đưa thực phẩm hỗ trợ nhân đạo ra khỏi diện cấm xuất khẩu. Việc hạn chế xuất khẩu khiến biến động giá thực phẩm trầm trọng hơn. Lý tưởng nhất, chính phủ các nước không nên áp dụng bất kỳ biện pháp cấm xuất khẩu này, trong năm 2011, lãnh đạo hàng đầu tại các nước cần thống nhất rằng thực phẩm phục vụ cho mục đích nhân đạo cần phải được cho phép vận chuyển tự do.

6) Đảm bảo tốt hệ thống phúc lợi xã hội. Cần phải bảo vệ tốt nhóm dân số dễ chịu tổn thương nhất như phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 2 tuổi. Cần liên kết giữa nông nghiệp và dinh dưỡng, giúp các nước thực hiện tốt các mục tiêu trên với chi phí hợp lý nhất.

7) Hỗ trợ các nước trong việc giải ngân như việc thay thế cho cấm xuất khẩu hay giải quyết vấn đề về giá. Để giúp các nước tránh được chính sách gây hại cho chính nông dân và nông dân nhóm nước xung quanh, cần phải có giải pháp đáp ứng tốt nhu cầu của địa phương.

8) Phát triển nhiều sản phẩm quản lý rủi ro. Trong một số trường hợp, công cụ hữu hiệu nhất có thể là bảo hiểm thời tiết hay lượng mua, trong trường hợp khác sẽ có thể là việc đảm bảo về giá năng lượng để giúp hạ thấp chi phí giao thông và đầu vào.

9) Giúp các nông dân bình thường đóng góp lớn hơn vào giải pháp an ninh lương thực. 86% thực phẩm tại các khu vực nghèo đến từ nguồn tại địa phương vì vậy việc hỗ trợ cho nhóm này không thể thiếu.

Lời giải cho bài toán biến động giá lương thực không phải ở chỗ đóng cửa các thị trường mà ở việc sử dụng chúng tốt hơn. Bằng việc giúp người nghèo có thêm sức mạnh, G20 có thể đảm bảo nguồn cung thức ăn giàu dinh dưỡng. Tổng thống Pháp đã thể hiện tài lãnh đạo của mình khi đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của G20, G20 trước tiên cần thực hiện tốt mục tiêu trên.

Ngọc Diệp
Theo Financial Times


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên