MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương lao động cao sẽ xì hơi “bong bóng” tăng trưởng tại Trung Quốc

12-01-2011 - 09:24 AM | Tài chính quốc tế

Không nên quá tin vào câu chuyện sự đi xuống của phương Tây và sự trỗi dậy không ngừng của Trung Quốc. Yếu tố nội tại Trung Quốc cho thấy xu thế trên có thể đảo ngược.

Nước nào đã vượt qua khủng hoảng tín dụng toàn cầu một cách vững mạnh nhất? Cựu Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc hết sức nổi tiếng với việc chia sẻ quan điểm của ông về những ảnh hưởng từ cuộc Cách mạng Pháp, hiện vẫn còn quá sớm để xét đoán.

Giả thuyết rằng Trung Quốc là nước chiến thắng còn Mỹ và nhóm nền kinh tế còn lại trong G7 là kẻ thua trận tồi tệ nhất ẩn chứa đầy yếu tố đáng để hoài nghi.

Trên thực tế, Trung Quốc vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong khi đó nhiều nền kinh tế nợ nần chồng chất tại phương Tây gặp nhiều khó khăn.

Không còn nghi ngờ gì nữa, “cơn sóng thần” vốn đầu tư hướng đến phương Đông, chính trị gia châu Âu tranh giành nhau từng hợp đồng thương mại bất chấp thái độ đầy khiêu khích của Trung Quốc đối với giải Nobel hòa bình và trong nhiều vấn đề ngoại giao khác.

Thị trường tài chính, trong khi đó, lại thể hiện quan điểm khác. Thị trường chứng khoán Thượng Hải hiện chỉ bằng khoảng một nửa so với mức đỉnh cao và tăng trưởng kém hơn nhiều so với thị trường chứng khoán nhóm nước BRIC.

Đáng ngạc nhiên hơn nữa, từ khi khủng hoảng dưới chuẩn tại Mỹ bắt đầu vào tháng 8/2007, lợi nhuận thu được từ thị trường chứng khoán Thượng Hải tính theo giá trị USD thấp hơn so với từ nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500, FTSE 100 và thậm chí Topix của thị trường chứng khoán Nhật.

Thông điệp đã rõ ràng. Câu chuyện Trung Quốc mà người ta bàn đến khắp thế giới chẳng qua chỉ như phiên bản khác của cách nghĩ về kỷ nguyên mới đã từng xuất hiện trong mọi cơn sốt đầu tư trong đó bao gồm cả bong bóng dotcom, mọi chuyện có thể thay đổi.

Sau thời kỳ tăng trưởng kém, cổ phiếu trên thị trường Trung Quốc không còn đắt đỏ nữa xét trên phương diện hệ số giá/thu nhập. Thế nhưng điều này có thể đánh lừa chúng ta.

Còn theo cách tính khác, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện đắt như cổ phiếu trên thị trường Mỹ năm 1929. Nói cách khác, mức thu nhập từ cổ phiếu Trung Quốc hiện nay vẫn còn cao và không bền vững.

Hiện có đủ lý do để lo lắng về tương lai. Phần chia lợi nhuận của thu nhập quốc dân tăng mạnh trong thập kỷ qua tại Trung Quốc ngầm cho thấy thị phần lao động giảm xuống, lương lao động như vậy không theo kịp tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác của vấn đề tồn tại ở chính những con số GDP, tiêu dùng người dân giảm và sự phụ thuộc quá mức vào đầu tư không giảm đi theo thời gian. Nếu xu thế này tiếp diễn, quá trình được nhắc đến đầu bài viết sẽ đảo ngược nhanh hơn.

Cách đây 40 năm, chúng ta đã nhìn thấy kịch bản này. Thập niên 1960, kinh tế Nhật tăng trưởng 2 con số nhờ việc chính phủ đầu tư ồ ạt vào các dự án hạ tầng như đường sắt cao tốc, phát triển các ngành công nghiệp nặng. Trong suốt thời kỳ này, người lao động từ miền quê đổ xô đến các thành phố khiến mặt bằng lương giảm, chu kỳ lợi nhuận và đầu tư tăng vọt nổi lên.

Giữa thập niên 1950, lao động Nhật chiếm đến 60% tổng giá trị gia tăng. Trong những năm tăng trưởng thần kỳ, tỷ lệ này giảm xuống con số 50% và sau đó mô hình chữ V hình thành vào năm 1970 khi điều kiện trên thị trường lao động thắt chặt.

10 năm sau đó, tỷ lệ lại vọt lên mức trung bình 68%. Thập niên 1970, công đoàn Nhật, dù hiện đang hoạt động hết sức trầm lắng, khi đó phát triển cao. Lợi nhuận biên thắt chặt và xét theo giá trị thực, thị trường chứng khoán mất định hướng suốt 1 thập kỷ.

Người lao động có thể giành được phần lớn hơn của miếng bánh kinh tế trước khi quá trình đô thị hóa hoàn thành? Người lao động Nhật đã làm được điều này. Năm 1970, tỷ lệ đô thị hóa của Nhật (phần trăm dân số thành thị tính trên tổng dân số) ở mức khoảng 53%.

Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc khoảng 45%, tương đương Nhật năm 1964. Tuy nhiên, cần phải khẳng định các con số do phía Trung Quốc công bố thường không đáng tin cậy.

Số dân sống trôi nổi không đăng ký tại các thành phố Trung Quốc hiện khoảng từ 50 đến 140 triệu người. Vì thế tỷ lệ đô thị hóa thực tế tại Trung Quốc hiện nay gần tương đương Nhật năm 1970.

Nếu Trung Quốc đi theo con đường của Nhật, giai đoạn tiếp theo sẽ là hàng loạt cuộc đình công lao động và lạm phát xảy ra. Trung Quốc tốt nhất nên thắt chặt chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo hiện nay.

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ tuy nhiên cũng dẫn đến khả năng kinh tế tăng trưởng chững lại và áp lực nâng giá đồng nhân dân tệ tăng cao – cả 2 khả năng này đối với Trung Quốc đều hết sức tồi tệ.

Trong khi đó, việc Trung Quốc phụ thuộc vào đồng nhân dân tệ yếu cũng đang khiến cuộc chiến thương mại căng thẳng hơn (theo lời Bộ trưởng Tài chính Braxin).

Hiện không dễ có cách nào cứu Trung Quốc ra khỏi vị trí mà Trung Quốc đã tự đến. Thật sự cần cân bằng lại nền kinh tế. Dự án đó cần thực hiện trong dài hạn với những rủi ro nhất định với nhà hoạch định chính sách Trung Quốc và với ai đã quá tin vào câu chuyện sự đi xuống của phương Tây và sự trỗi dậy không ngừng của Trung Quốc.

Ngọc Diệp
Theo Financial Times


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên