Lãi suất thực đang ở mức quá thấp
Trong vòng 5 năm tới, lãi suất sẽ tăng do nhu cầu đầu tư hồi phục, đáng tiếc đây lại là tin xấu cho cổ phiếu.
Tin tức trên báo chí chỉ viết về biến động hàng ngày của thị trường chứng khoán hay việc lợi suất trái phiếu chính phủ ở Châu Âu tăng hay giảm.
Có một số liệu kinh tế cực kỳ quan trọng nhưng lại rất hiếm khi được đả động tới: đó là lãi suất thực đang ở mức cực thấp. Tháng 10 năm ngoái Hoa Kỳ thậm chí còn phát hành được trái phiếu với lãi suất phụ thuộc vào lạm phát có lợi suất thực âm.
Lãi suất thực thấp là lực đẩy cho các thị trường tài sản năm nay khi giới đầu tư buộc phải tìm đến các tài sản nhiều rủi ro hơn như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và thậm chí cả hàng hóa để có được mức lợi nhuận khả dĩ.
Nhưng một báo cáo mới đây của Viện McKinsey Global cho rằng lãi suất thực chắc chắn sẽ tăng trong những năm sắp tới. Nguyên nhân là do tại các nước đang phát triển sẽ diễn ra cơn sốt đầu tư giúp giảm bớt tổng tiết kiệm toàn cầu.
Về mặt kinh tế mà nói thì tiết kiệm bằng đầu tư là điều hiển nhiên. Tuy vậy, mong muốn tiết kiệm có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn so với mong muốn đầu tư và hai giá trị này chỉ có thể cân bằng với nhau thông qua biến động lãi suất.
Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke từng giải thích lãi suất thực ở mức thấp trong suốt thập kỷ qua là do “sự tràn ngập tiết kiệm” (savings glut) từ Châu Á.
Ngân hàng trung ương (NHTW) các nước này tái đầu tư dự trữ ngoại hối vào thị trường trái phiếu chính phủ.
Nhưng McKinsey cho rằng nguyên nhân chính lại là do đầu tư có xu hướng đi xuống, từ mức 26,1% tổng GDP toàn cầu vào giữa những năm 1970 xuống chỉ còn 20,8% vào năm 2002.
Nếu xu hướng của những năm 70 vẫn tiếp diễn thì từ năm 1980 đến năm 2008, mỗi năm tổng đầu tư toàn cầu hụt đi 700 tỷ đôla.
Theo nghiên cứu của McKinsey, đầu tư đi xuống là do quá trình tái thiết thời hậu chiến ở Châu Âu và Nhật Bản chấm dứt cũng như tỷ lệ tăng trưởng giảm khiến nhu cầu sử dụng vốn giảm xuống.
Nhưng tổng đầu tư toàn cầu bắt đầu đi lên từ năm 2003 khi các quốc gia Châu Á rót nhiều vốn hơn cho cơ sở hạ tầng. Quá trình đảo chiều này có dừng lại do cuộc suy thoái gần đây nhưng có lẽ chỉ là tạm thời.
Trung bình, các nước đang phát triển đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhiều gấp đôi so với các nước phát triển (tính trên tỷ lệ % GDP).
Khi tỷ trọng trong tổng sản lượng toàn cầu của các thị trường mới nổi tăng lên, báo cáo của McKinsey dự báo đầu tư sẽ chạm mức 25% GDP vào năm 2030.
Tính theo giá cố định, tổng đầu tư sẽ tăng từ 11 nghìn tỷ đôla hiện nay lên mức 24 nghìn tỷ đôla vào năm 2030.
Trong khi đó, mức tiết kiệm mong muốn được cho là sẽ giảm xuống khi Trung Quốc nỗ lực chuyển sang mô hình kinh tế dựa vào tiêu dùng. (Nếu Trung Quốc duy trì được tỷ lệ tiết kiệm quốc gia ở mức 53% GDP như gần đây thì đó sẽ là điều quá lạ thường).
Ở các nước phát triển, các khoản chi do dân số già đi như chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác sẽ làm giảm tỷ lệ tiết kiệm khi thế hệ bùng nổ dân số thời hậu chiến bước vào tuổi về hưu.
Sự mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư sẽ khiến lãi suất thực tăng lên.
Trong vòng 140 năm qua, lãi suất thực hưởng của trái phiếu chính phủ Mỹ (chênh lệch giữa lợi suất và tỷ lệ lạm phát trong thời kỳ hưởng lãi sau đó) là 2.3%. Kể từ khi hệ thống tỷ giá hối đoái cố định Bretton Woods sụp đổ năm 1971, tỷ lệ này là 3,3%.
Năm 2009, lãi suất thực bình quân chỉ là 1,7%. Theo McKinsey, trở lại mức trung bình vào trước năm 1971 cũng khiến lãi suất thực tăng thêm 150 điểm cơ bản (1,5%).
Sự thay đổi này có thể sẽ diễn ra trong vòng 5 năm tới khi nhà đầu tư dự báo nhu cầu tiêu dùng vốn tăng cao ở Châu Á. Nếu giá các tài sản biến động khả quan là nhờ lãi suất thấp thì lãi suất tăng sẽ là tin xấu cho thị trường cổ phiếu.
McKinsey cho rằng các chính phủ nên đối phó với tình hình này bằng cách cắt giảm thuế để khuyến khích tiết kiệm.
Điều này về lý thuyết thì tốt nhưng với sức cầu yếu tại các nước phát triển hiện nay, chính phủ vẫn tập trung khuyến khích tiêu dùng hơn.
Các quỹ lương hưu nay bị xem như lũ bò sữa. Gần đây chính phủ Hungary có những động thái cho thấy thực tế các quỹ lương hưu tư nhân sẽ bị quốc hữu hóa.
Phân tích trong báo cáo trên chính xác đến đâu? Nên nhớ rằng bất kỳ sự thiếu hụt nào giữa mức tiết kiệm mong muốn so với mức đầu tư mong muốn cũng là chênh lệch giữa sự dự tính của hai con số cực lớn.
Nhưng khi lãi suất đang ở dưới mức trung bình thì dự đoán nó sẽ phải tăng cũng là điều hợp lý.
Lãi suất thực sẽ chỉ giữ ở mức hiện nay nếu viễn cảnh kinh tế toàn cầu trong tương lai gần vẫn u ám. Đây không phải là một bức tranh tươi sáng gì.
Nhưng nếu lãi suất thực tăng, và nếu người đi vay, bất kể thuộc khu vực công hay tư, vẫn chưa “giải nợ” thì ắt sẽ chẳng dễ chịu gì.
Hoặc đình lạm hoặc lại thêm một cuộc khủng hoảng nợ nữa, đúng là một lựa chọn khó khăn.
Theo Economist