MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy tắc đạo đức cho giới kinh tế

16-01-2011 - 09:03 AM | Tài chính quốc tế

Nhận lương từ một công ty, chi phí nghiên cứu cũng từ công ty, có thật ý kiến của nhiều nhà kinh tế đang có vấn đề?

Cuộc họp thường niên của Hiệp hội Kinh tế Mỹ (AEA) khai mạc tại Denver, Colorado vào ngày 06/01.Thường thì suốt chương trình sẽ là những bữa tiệc chiêu đãi, các sự kiện để mọi người có cơ hội kết giao và trên 500 hội thảo về các nghiên cứu kinh tế mới nhất.

Nhưng các nhà kinh tế sẽ tới dự cuộc gặp mặt năm nay với nhiều vẻ trầm ngâm. Một ủy ban sẽ thảo luận về việc kinh tế học đã không dự báo trước được cuộc khủng hoảng tài chính. Một ủy ban khác sẽ cân nhắc việc kinh tế học nên thay đổi ra sao.

Điều bất ngờ nhất là chương trình của ngày đầu tiên còn có một buổi tranh luận về vai trò của đạo đức trong môn khoa học kinh tế.

Cần một bộ quy tắc ứng xử

Một số người không muốn chỉ dừng ở tranh luận. Các nhà kinh tế, không giống như cá nhà xã hội học, nhân chủng học, thống kê và khoa học chính trị, không chính thức tán thành một bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp nào.

Gần 300 nhà kinh tế đã ký tên vào bức thư thúc giục AEA thi hành một bộ quy tắc như thế.

Những chữ ký bao gồm cả các ngôi sao sáng như Giải Nobel 2001 George Akerlof và cực Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế, nay là GS ĐH California, Berkeley, bà Christina Romer.

Những người hoài nghi chế giễu rằng những bộ quy tắc như thế thường bị lờ đi. Và nhiều nhà kinh tế đã đúng khi nghi ngờ việc đưa ra các tiêu chuẩn như thế nào thì được là nhà kinh tế hay nhà kinh tế nên ứng dụng công trình của mình vào việc gì.

Vì thế bức thư trên đã khéo léo tập trung vào những mâu thuẫn có thẻ nảy sinh khi giới kinh tế phát biểu về những vấn đề có ảnh hưởng tới một ngành hay một công ty có mối liên hệ tài chính với họ.

Đương nhiên sự mâu thuẫn lợi ích ấy tồn tại ở nhiều môn khoa học. Nhưng với kinh tế học thì lại đặc biệt phổ biến.

Những người quan trọng

Các nhà kinh tế phân tích các vấn đề tác động tới các ngành cụ thể, khiến các công ty muốn mời họ ngồi vào ban quản trị hoặc thuê họ làm tư vấn hơn còn chính phủ muốn tham vấn họ về mảng chính sách công.

Không nên ngăn họ làm những việc như thế vì chúng làm tăng hiểu biết của giới kinh tế về ngành mà họ nghiên cứu. Nhưng yêu cầu công khai các mối liên kết có lẽ là hoàn toàn hợp lý.

Những người chỉ trích kinh tế học cho rằng không phải tự nhiên mà đa phần các nhà kinh tế học tài chính cực kỳ phản đối điều tiết khu vực tài chính (mà nhiều người trong số họ đang làm tư vấn cho các công ty trên Phố Wall).

Hoàn toàn có thể vì nghiên cứu trước đó của các nhà kinh tế này thuyết phục họ rằng tự do hóa ngành tài chính sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn nên họ mới lên tiếng bảo vệ Phố Wall.

Nhưng khó mà nói được rằng nhận tiền của ai đó sẽ không làm ảnh hưởng chút gì tới hướng tiếp cận hay vấn đề chọn nghiên cứu. Rút cục thì lý thuyết kinh tế hiện đại dựa trên việc “các khuyến khích” quyết định cách ứng xử của con người.

Ai đó có thể cho rằng các nhà kinh tế đã công khai mối liên hệ của mình rồi.

Nhưng khi các nhà kinh tế viết bài cho báo hay tạp chí, xuất hiện trên TV để bình luận về chính sách kinh tế hay điều trần trước các ủy ban tại quốc hội, thính giả thường không biết các mối liên hệ “phi học thuật” của họ.

Liệu có ảnh hưởng tới kết quả nghiên cứu?

Một nghiên cứu của Gerald Epstein và Jessica Carrick-Hagenbath từ ĐH Massachusetts, Amherst, tìm hiểu xem 19 nhà kinh tế tài chính tiêu biểu là thành viên của các nhóm vận động cho một số gói cải cách tài chính cụ thể ở Mỹ nói thế nào về mình khi họ viết bài cho báo.

Phần lớn trong số họ từng làm tư vấn, tham gia hội đồng quản trị, ban giám đốc hay làm cố vấn cho các công ty tài chính tư nhân.

Nhưng trong các bài báo viết trong giai đoạn 2005 – 2009, nhiều người không hề đề cập tới các mối liên hệ của họ, và đa phần thỉnh thoảng mới làm vậy một cách “có chọn lọc”. Độc giả có lẽ đã cho rằng họ không “gần gũi” với ngành tài chính đến thế.

Dù vậy cũng cần chỉ ra rằng ít có bằng chứng rõ ràng cho thấy quyết định chuyên môn của các nhà kinh tế bị phủ bóng đen bởi các mối quan hệ của họ.

Trong nghiên cứu của mình, Epstein và Carrick-Hagenbarth không phát hiện thấy sự khác biệt có ý nghĩa giữa mức độ điều tiết ngành tài chính mà các nhà kinh tế trong mẫu của họ tán thành với những người nằm ngoài mẫu.

Với một mẫu nhỏ như vậy thì khó có thể đi đến kết luận, nhưng nên cẩn trọng với việc đi ngay tới kết luận rằng các nhà kinh tế có thiên kiến đơn giản là vì mối quan hệ của họ với doanh nghiệp.

Về mặt học thuật, hiện có một số yêu cầu về công bố thông tin.

Cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER), nơi xuất bản nhiều nghiên cứu nhất nước Mỹ, yêu cầu nhân viên phải công bố mọi mối quan hệ tài chính nào có thể gây xung đột lợi ích khi họ nộp nghiên cứu của mình.

Nhiều tạp chí từng yêu cầu công khai cả quỹ dành cho nghiên cứu.

Các diễn đàn như hội thảo của AEA, nơi các nhà kinh tế buộc phải bảo vệ cho nghiên cứu của mình trước sự phản biện từ phía đồng nghiệp, là một cách quan trọng khác để đảm bảo nghiên cứu kinh tế ngay thẳng, có giá trị và đáng tin cậy.

Quá ngạo mạn?

Một số người cho rằng giới kinh tế có vấn đề về mặt “đạo lý” còn nhiều hơn cả mâu thuẫn lợi ích về tài chính.

Một cuốn sách sắp xuất bản của George DeMartino từ ĐH Denver cho rằng giới kinh tế rất hay thúc đẩy các chính sách thị trường tự do một cách quá mạnh mẽ, bất kể là liệu pháp sốc cho các nền kinh tế chuyển đổi tại Đông Âu hay việc tự do hóa tài chính không đi kèm với giám sát.

Nguyên do là hiểu biết của họ có hạn hoặc tệ hơn là họ lờ đi việc thế giới thực khác xa so với cái “lý tưởng” trong lý thuyết kinh tế tân cổ điển.

DeMartino cho rằng do ý kiến và phân tích của họ có tác động rất lớn tới cuộc sống người dân nên các nhà kinh tế nên khiêm nhường hơn với cái sự “hạn chế về mặt nhận thức” của họ.

Sự ngạo mạn mới là nguyên nhân gây nên những thảm họa đạo đức lớn nhất của kinh tế học. Và một bộ quy tắc ứng xử theo hướng công khai hóa lại chẳng mấy tác dụng với căn bệnh này.

Thùy Linh
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên