Lạm phát tại Trung Quốc cao, người Mỹ tốn tiền
Nguyên nhân chính là bởi Mỹ nhập rất nhiều hàng hóa từ Trung Quốc.
Khi các công ty dệt may từ New York đến hội chợ thương mại hàng năm của Trung Quốc vào mùa thu năm tới, họ sẽ rất choáng váng.
Ông Bennett Model, giám đốc điều hành của công ty thiết kế quần áo Cassin, nói: “Họ sẽ về nhà với số sản phẩm ít hơn 35% so với cùng số tiền bỏ ra vào năm 2010. Người tiêu dùng sẽ sửng sốt với đà tăng của giá cả.”
Lạm phát đang trở thành một vấn đề không nhỏ tại Trung Quốc. Bởi nền kinh tế tăng trưởng nóng của Trung Quốc cho phép thêm nhiều công dân nước này mua hàng hóa sản xuất nội địa, người tiêu dùng Trung Quốc trực tiếp cảm thấy tác động của lạm phát. Và chính phủ Trung Quốc ngày một lo lắng về ảnh hưởng của bất ổn xã hội.
Tại Trung Quốc tháng 11/2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng số liệu chính thức thực tế không nói đúng về tình hình lạm phát tại nước này, lạm phát thực tế có thể cao gấp đôi như vậy.
Ông Huo Jianguom, chủ tịch Viện hàn lâm Trung Quốc phụ trách về vấn đề thương mại và hợp tác kinh tế quốc tế, chỉ ra: “Lạm phát 4% - Trung Quốc vẫn chịu đựng được thế nhưng trên 5%, người ta hẳn sẽ phàn nàn không ít.”
Giá hàng hóa toàn cầu tăng cao cùng với áp lực lương tại Trung Quốc khiến chi phí hàng hóa tại Trung Quốc lên cao. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng chính dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc đứng đằng sau tình hình lạm phát hiện nay.
Trong thập kỷ qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bơm rất nhiều tiền từ dự trữ này để hạn chế đồng nhân dân tệ tăng giá so với đồng USD.
Chiến lược trên giúp đảm bảo lợi thế cạnh tranh của các công ty xuất khẩu Trung Quốc thông qua giữ hàng hóa Trung Quốc ở mức thấp trên thị trường quốc tế, ngoài ra còn để giữ việc làm cho hàng chục triệu người dân Trung Quốc đang làm việc trong các nhà máy xuất khẩu.
Hiện nay, chiến lược đồng nội tệ giá rẻ cũng đạt đến giới hạn nhất định. Đồng nhân dân tệ đang khiến lạm phát tăng cao. Lợi thế cạnh tranh về giá của các công ty xuất khẩu đang biến mất, chỉ đồng nhân dân tệ mạnh mới giúp giải quyết được vấn đề.
Số liệu về nguồn cung tiền do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố ngày thứ Ba cho thấy tiền gửi tiền mặt và ngân hàng tăng trưởng với tốc độ gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Thêm đồng nhân dân tệ để mua hàng hóa và dịch vụ.
Ông Victor Fung, chủ tịch công ty Li & Fung với 35 nghìn nhân viên tại Hồng Kông, chuyên cung cấp hàng châu Á cho các hãng bán lẻ thế giới, cho biết đối với các hợp đồng ký cuối năm 2010, giá hàng hóa sẽ tăng từ 10% đến 20% khi cập cảng Mỹ vào quý 2/2011.
Ông Fung nói: “Đến giữa năm nay, thương mại với Trung Quốc sẽ thay đổi, thâm hụt thương mại Mỹ - Trung giảm.”
Tuy nhiên, cũng không có nhiều lựa chọn thay thế ngoài Trung Quốc trong vai trò nguồn cung hàng hóa giá rẻ. Bởi các công ty bán lẻ Mỹ đang cố gắng chuyển đơn hàng sang những nước như Bangladesh và Philippin, họ nhận thấy lạm phát đang trở thành vấn đề không nhỏ trên khắp châu Á.
Hơn thế nữa, giám đốc điều hành và chuyên gia kinh tế nhấn mạnh nhóm nhà máy nhỏ tại các nước châu Á không có đủ khả năng để giải quyết các đơn hàng lớn như nhà máy tại Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ số giá tiêu dùng theo công bố không nói lên mức độ lạm phát thực tế.
Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tính đến giá thuê nhà nhưng không nói đến chi phí nhóm nhà đã qua sở hữu tăng chóng mặt. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng được tính trên giá của nhiều loại hàng hóa tiêu dùng hiện đã quá lỗi thời. Hàng dệt may chỉ được tính vào giá tiêu dùng nếu nó được bán ít nhất 6 tháng, như vậy đến khi được tính, hàng đã hết thịnh hành.
Ông Hu Xingdou, chuyên gia kinh tế tại Viện công nghệ Bắc Kinh, cho rằng chỉ số lạm phát chính xác hơn sẽ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tăng 10%/năm. Cơ quan thống kê Trung ương Trung Quốc đang tìm những cách tốt hơn để cải thiện cách tính chỉ số giá tiêu dùng.
Lạm phát tại Trung Quốc không phải chỉ đơn giản là kết quả của hoạt động can thiệp vào thị trường tiền tệ của chính phủ Trung Quốc dù chuyên gia Hu và nhiều nhà kinh tế khác coi đó như nguyên nhân chính.
Tín dụng tăng trưởng quá nóng bất chấp nỗ lực hạn chế tăng trưởng tín dụng của chính phủ Trung Quốc đóng góp quan trọng tạo ra tình trạng này.
Giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc cao bắt nguồn từ việc lương lao động Trung Quốc tăng mạnh, lương lao động Trung Quốc tăng khoảng 15%/năm. Nhóm lao động này ngày càng có nhiều quyền lực hơn trước đây bởi nguồn cung lao động từ khu vực nông thôn cho các nhà máy, từng được coi như vô tận, nay đang cạn kiệt, kết quả của chính sách một con do chính phủ Trung Quốc áp dụng suốt 3 thập kỷ qua, ngoài ra còn bởi hoạt động tuyển sinh vào các trường đại học mở rộng.
Giám đốc bán hàng của công ty sản xuất đồ chơi Zhenjiang Weishun Toys cho biết chi phí nhựa đối với sản phẩm của công ty đã tăng gần gấp đôi trong năm qua, trong khi đó lương lao động tăng từ 10 đến 15%.
Thế nhưng trên toàn cầu, nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc và nhóm thị trường mới nổi đang đẩy không chỉ giá xăng mà còn giá bông, đồng và nhiều loại hàng hóa khác.
Hiện chưa thể rõ ảnh hưởng của giá hàng hóa cao tại Trung Quốc lên tình hình lạm phát tại Mỹ.
Giá nhập khẩu chỉ chiếm từ ¼ đến 2/5 giá bán hàng hóa cuối cùng bởi giá này còn tính đến chi phí vận tải bên trong nước Mỹ và lương, chi phí thuê nhà, chi phí khác mà công ty bán lẻ phải bỏ ra đế bán sản phẩm.
Ngày thứ Ba, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng 199 tỷ USD trong quý 4/2010. Mức tăng trên cao hơn dự báo của giới chuyên gia và các chuyên gia còn tính toán rằng Trung Quốc đã tăng gấp đôi số tiền dành cho các biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại hối lên mức khoảng 2 tỷ USD/ngày.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, ở mức khoảng 2,85 nghìn tỷ USD, cao hơn nhiều so với dự trữ 1,04 nghìn tỷ USD của Nhật. Mỹ, trong khi đó chỉ nắm dự trữ ngoại tệ 46,4 tỷ USD bởi nước này in ra đồng USD, đồng tiền dự trữ chính của thế giới.
Một chuyên gia tại Cassin cho rằng thế giới đã thay đổi và rằng các công ty sản xuất Trung Quốc đang quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa chứ không phải cung cấp hàng giá siêu rẻ cho nhóm công ty Mỹ quy mô lớn.
Ngọc Diệp
Theo Nytimes