MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn ngoại: Mừng hay lo?

Vốn ngoại đang quay trở lại thị trường chứng khoán. Nhưng dòng tiền này có hỗ trợ thị trường bật dậy hay không lại là chuyện khác.

Trong khi phần lớn các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước tỏ thái độ thận trọng khi tham gia thị trường thì khối nhà đầu tư nước ngoài lại liên tục mua ròng. Điều này đã tạo hy vọng về một lực cầu nâng đỡ cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Kỷ lục mua ròng

Năm 2010, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 16.145,87 tỉ đồng, so với 3.372,83 tỉ đồng của năm 2009. Đây cũng là mức mua ròng kỷ lục, chỉ sau năm 2007 (23.000 tỉ đồng).

Sức nóng của dòng vốn ngoại còn thể hiện ở sự tăng lên về khối lượng tham gia. Trong năm qua, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đã cấp 289 mã số giao dịch cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và 950 mã giao dịch cho nhà đầu tư cá nhân. Như vậy, so với năm 2009, số nhà đầu tư tổ chức được cấp mã đã tăng 25,5%, còn nhà đầu tư cá nhân tăng 7,67%.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS), cho biết, 2 quỹ đầu tư nước ngoài mới với số vốn 400 triệu USD đã mở xong tài khoản ở SBS. Tiền của họ cũng đã được chuyển vào một ngân hàng nước ngoài tại TP.HCM. Ông Andy Ho, Giám đốc Đầu tư Tập đoàn VinaCapital, cũng cho biết, nhiều khả năng VinaCapital sẽ huy động thêm 2 quỹ nữa với số vốn 200-300 triệu USD.

Trong năm qua, Công ty Cổ phần Thực phẩm Masan, Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM cũng đã thuyết phục được các tổ chức nước ngoài như Goldman Sachs (Mỹ), Orchid Fund Pte Ltd, Northbrooks Investments (Mauritius) Pte Ltd (thuộc tập đoàn Singapore Temasek Holdings) rót hàng triệu USD vào doanh nghiệp.

Tất cả những điều này đã mở ra hy vọng về một bức tranh sáng sủa hơn cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới nhờ vào lực đỡ của dòng vốn ngoại.

Khó trông đợi

Tuy nhiên, không nên quá kỳ vọng vào dòng vốn ngoại. Theo ông Lê Anh Thi, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Âu Việt, khối ngoại tăng mua tại những thời điểm thị trường đi xuống chủ yếu là vì họ muốn bình quân giá vốn. Ngoài ra, việc mua vào mạnh nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa lớn như HAG, KBC, BVH, SSI cũng không ngoài mục đích đỡ giá, giúp thị trường không rớt sâu, giảm bớt áp lực thua lỗ cho các quỹ đầu tư.

Chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ cũng làm gia tăng dòng tiền chảy vào các thị trường mới nổi. Và thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy không hấp dẫn như Thái Lan, Singapore nhưng vẫn thu hút một lượng vốn ngoại khá lớn. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến cuối tháng 11.2010, vốn ngoại đã đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 1 tỉ USD, trong đó khoảng 2/3 vào cổ phiếu.

Mức mua ròng của khối ngoại tăng mạnh, nhưng hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn tương phản. Có thể nói, năm qua là năm đầy khó khăn đối với các quỹ. Golden Bridge (Hàn Quốc) tuyên bố đóng quỹ trước thời hạn. Các quỹ có thâm niên tham gia thị trường như VinaCapital, Blackhorse và Saigon Asset Management (SAM) thì không mấy thành công trong các kế hoạch gọi vốn mới.

Điều đáng nói hơn là việc thị trường đi xuống đã kéo theo sự sụt giảm đáng kể về giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đầu tư.

Báo cáo đầu tháng 12.2010 của Tổ chức LCF Rothschild (Anh) cho thấy, các quỹ đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam đang chứng kiến thị giá thấp hơn 15,1% so với NAV (tính trung bình). Nhiều chứng chỉ quỹ thậm chí có mức chênh lệch khá lớn như DWS Vietnam Fund (47,2%), Vietnam Infrastructure Ltd (33,7%), Vietnam Holding (28,2%), Vietnam Equity Holding (25,4%)... So với Indonesia (9%), Ấn Độ (6,6%), Đài Loan (5,1%), các quỹ nước ngoài tại Việt Nam đang có mức chênh lệch giữa thị giá và NAV khá cao.

Có lẽ đó là lý do một số quỹ đã có sự thay đổi trong cách thức đầu tư. Không còn nhấn mạnh chiến lược đầu tư dài hạn, Templeton Frontier Markets Fund đã lướt sóng số lượng lớn cổ phiếu DHG, VFG, PAC, LIX. Red River Holding thì lướt sóng các mã VHC, VNS, MPC, DBC…

Hầu hết các quỹ đều tìm cách tái cơ cấu danh mục đầu tư như Dragon Capital thoái vốn hoàn toàn ở CII, bán một phần STB, VNM, REE; PXP Asset Management công bố nhiều đợt bán ra các mã SAV, VHG, TMS, SSC, KSB, GIL.

Những điều trên cho thấy dòng vốn ngoại ít nhiều ẩn chứa các yếu tố không bền vững. Đặc biệt, năm 2010, đã có sự xuất hiện khá rõ nét của loại hình quỹ đầu tư chỉ số (ETF). Sản phẩm này cho phép nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán Việt Nam mà không cần phải trực tiếp tham gia.

Đó là lý do để ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), nhận định, dòng vốn mới chảy vào thị trường tìm kiếm cơ hội ngắn hạn nhiều hơn dài hạn. Điều đó có nghĩa là dòng vốn này không ổn định, vào nhanh và ra cũng nhanh.

Trong thời gian tới, quy mô vốn ngoại cũng như mức độ giải ngân của nguồn tiền này sẽ tùy thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam. Nếu các vấn đề như lạm phát, tỉ giá và thâm hụt thương mại được giải quyết, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc SAM tin rằng, thị trường sẽ được tiếp thêm sức lực.

Tuy nhiên, việc giải quyết những bất ổn vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2011 còn tiềm ẩn nhiều rủi ro là một thách thức không nhỏ. Vì thế, ông Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài Chính, Khoa Tài chính Doanh nghiệp, Đại học Kinh tế TP.HCM, khuyến cáo nhà đầu tư không nên trông đợi quá nhiều vào lực đỡ của vốn ngoại.

Theo Ngọc Thủy
Nhịp cầu đầu tư

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên