MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần thay đổi cách tính chỉ số

Những mã cổ phiếu có vốn hóa lớn đang bị “đánh lên” khiến VN-Index tăng liên tục, trong khi giá của hàng loạt cổ phiếu khác vẫn đứng yên.

Thời gian gần đây, VN-Index liên tục tăng điểm và mốc kháng cự 500 điểm của chỉ số này cũng đã vượt qua một cách nhẹ nhàng. Mặc dù tăng nhiều như vậy nhưng các nhà đầu tư trong nước dường như chỉ đứng nhìn, bởi VN-Index đang được điều khiển bởi một dòng vốn đầu cơ ngắn hạn, đánh vào một vài mã cổ phiếu vốn hóa lớn, đẩy chỉ số VN-Index lên để kiếm lợi từ một “cuộc chơi” khác.

Khối ngoại “độc diễn”

Đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index nằm ở mức 519,87 điểm (tăng 7,52 điểm so với phiên trước đó) và là phiên tăng điểm thứ 8 liên tiếp của thị trường với tổng số điểm tăng hơn 40 điểm (gần 8%). Đây là điều hiếm có từ đầu năm 2010 đến nay. Tuy nhiên, có điều nghịch lý là dù VN-Index tăng mạnh nhưng HNX-Index của sàn Hà Nội lại giảm so với tuần trước, đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 107,87 điểm.

Tại sàn TPHCM, tuần qua, bình quân mỗi phiên có trên 43,1 triệu cổ phiếu được giao dịch, giá trị tương ứng 1.131 tỉ đồng. So với tuần trước, tăng 19,2% về khối lượng và 22,9% về giá trị. Đáng chú ý trong tuần giao dịch này là khối nhà đầu tư nước ngoài giao dịch khá sôi động. Tính chung cả tuần, tại sàn TPHCM, khối ngoại đã mua ròng trên 477 tỉ đồng, tăng 72,2% so với tuần trước đó. Thế nhưng so với chu kỳ tăng điểm của tháng 12-2010, khối lượng giao dịch đã giảm khoảng 40%. Nguyên nhân là do nhà đầu tư trong nước vẫn còn thận trọng, chưa vội mua vào, trong khi khối ngoại đang “độc diễn” với việc đẩy mạnh mua các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn, chi phối thị trường như BVH, MSN,...

Đánh chỉ số

Nhiều nhà đầu tư lo ngại về hiện tượng “đánh lên” cổ phiếu vốn hóa lớn của khối ngoại do gần đây đã nghe nói nhiều về dòng vốn đầu tư chỉ số ETF (exchange-traded fund). Ông Lương Biện Nhân Quyền, Trưởng bộ phận phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Mê Kông, cho biết nhiều khả năng các quỹ dạng này đã rót vốn vào thị trường VN nhằm đầu tư chỉ số kiếm lợi nhuận từ một option nào đó ở nước ngoài.

Chính vì vậy, muốn làm cho VN-Index tăng điểm, họ đã sẵn sàng “bỏ con tép để bắt con tôm”, nghĩa là họ có thể dùng một số tiền nhỏ hơn so với lợi ích mà họ thu về để đánh vào những cổ phiếu có thể làm cho VN-Index tăng mạnh như BVH, MSN,... Bởi hiện tại, mức vốn hóa của hai cổ phiếu này chiếm tới 11% và 7,4% toàn thị trường trong khi khối lượng giao dịch của các mã này thường không lớn nên việc bỏ tiền để đẩy giá là không khó. Ông Quyền cũng cho rằng do họ đầu tư theo chỉ số nên khi tăng đến mức kỳ vọng họ sẽ “nhả” hàng, lúc đó VN-Index có thể rơi tự do. Đương nhiên, ai “ôm” cổ phiếu mà họ đã từng nắm giữ sẽ lãnh đủ.

VN-Index đang ở mức nào?

Không phải ngẫu nhiên mà Công ty Chứng khoán Mê Kông gần đây đã áp dụng hai cách tính chỉ số. Một cách tính theo quy định hiện hành và cách 2 là loại bỏ một số mã chứng khoán. Theo đó, nếu loại bỏ 4 mã chứng khoán có số lượng cổ phiếu niêm yết lớn là BVH, MSN, VIC và VPL thì thời điểm hiện nay, theo tính toán của Công ty Chứng khoán Mê Kông, VN-Index chỉ nằm ở mốc 460 điểm và thị trường đang dao động đi ngang quanh mốc này.

Theo ông Lương Biện Nhân Quyền, việc chia ra hai cách tính này nhằm giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về thị trường cũng như về chỉ số thực của VN-Index chứ không phải chỉ nhìn VN-Index.

“Trong giai đoạn vừa qua, chúng tôi chưa khuyến nghị nhà đầu tư của mình mua vào nếu muốn đầu cơ, lướt sóng. Còn đối với những nhà đầu tư dài hạn, chúng tôi vẫn dựa vào những cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt, lợi nhuận khả quan để khuyến nghị đầu tư. Đặc biệt, hạn chế tối đa việc chạy đua với khối ngoại để mua vào những mã cổ phiếu mà họ đang “đánh lên” bởi rủi ro rất cao. Vì thực tế không ai biết được khi nào khối ngoại “bỏ chạy” - ông Lê Văn Thanh Long, Trưởng bộ phận môi giới khách hàng VIP Công ty Chứng khoán SME, khẳng định.

Thạc sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính Trường ĐH Kinh tế TPHCM:

Cần thay đổi cách tính chỉ số

Hiện tại, VN-Index được tính dựa trên vốn hóa (tổng lượng cổ phiếu niêm yết) trong khi nhiều nước trên thế giới, kể cả Trung Quốc, đã đổi cách tính chỉ số dựa trên khối lượng cổ phiếu có khả năng chuyển nhượng trên thị trường. Nếu tính như vậy, tại VN, hai mã MSN và BVH chỉ chiếm tỉ trọng chưa đến 1% nên khó có thể làm giá chỉ số. Ngoài ra, VN cũng nên có quy định về quản lý phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần. Bài học từ Trung Quốc cho thấy để giải quyết tình trạng khan hiếm cổ phiếu của công ty niêm yết, nước này cho phép người đại diện phần vốn Nhà nước được quyền tự quyết định mua bán không quá 5% vốn của công ty đó và không được thay đổi quyền kiểm soát trong công ty. Nếu VN áp dụng quy định này, người đại diện phần vốn của Nhà nước trong BVH có thể bán ra tối đa 34 triệu cổ phiếu, điều này sẽ giúp bình ổn thị trường và phản ánh đúng quan hệ cung-cầu.

Theo Sơn Nhung

Người Lao động

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên