MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phía sau việc “trảm tướng” ngân hàng

25-01-2011 - 16:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Cơ cấu cổ đông lớn của TiênPhongBank đều là những tên tuổi hoạt động có hiệu quả và đặt ra yêu cầu rất cao về lợi nhuận như FPT, MobiFone, Vinare…

Sau khi có sự thay đổi trong HĐQT, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TiênPhongBank) đã quyết định thông qua việc từ nhiệm của 3 vị trí chủ chốt trong bộ máy điều hành. Động thái này của Ngân hàng không nằm ngoài mục đích cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng lợi nhuận, nhằm đáp ứng được yêu cầu của các cổ đông đã bỏ vốn ra đầu tư.

Theo công bố của TiênPhongBank, HĐQT Ngân hàng đã thông qua đơn từ nhiệm của ông Lê Đình Long, Phó chủ tịch HĐQT và ông Đào Trọng Khanh, ủy viên HĐQT để trình ĐHCĐ kỳ họp tiếp theo phê duyệt.

Đồng thời, HĐQT thông qua việc từ nhiệm của 3 cán bộ quản lý cao cấp là ông Đào Trọng Khanh, Tổng giám đốc; ông Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn và ông Hoàng Hữu Chiến, Giám đốc tài chính. Đây là 3 chức danh quan trọng bậc nhất trong bộ máy điều hành của một ngân hàng. Các thay đổi trên có hiệu lực từ ngày 13/1/2011.

Một cổ đông lớn của TiênPhongBank cho biết, thay đổi bộ máy điều hành ngân hàng đồng nghĩa với việc các cổ đông kỳ vọng ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, đem lại lợi nhuận cao hơn. Năm 2010, TiênPhongBank không về đích kế hoạch kinh doanh.

Từ giữa năm 2010, TiênPhongBank đã tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng và tăng tiếp lên 3.000 tỷ đồng trước mốc 31/12/2010 theo như quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đây không phải là trường hợp hiếm hoi chưa hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm, song trong cơ cấu cổ đông lớn của TiênPhongBank đều là những tên tuổi hoạt động có hiệu quả và đặt ra yêu cầu rất cao về lợi nhuận như FPT, MobiFone, Vinare…

Trong báo cáo tổng kết năm của FPT, ông Vũ Tú, quyền Tổng giám đốc TiênPhongBank cho hay, năm 2011, TiênPhongBank đặt mục tiêu tăng cường năng lực tài chính, tăng cường năng lực quản trị, tăng cường hiệu quả, tăng giá trị cổ đông và tiến tới ngân hàng "Top ten" tại Việt Nam.

TiênPhongBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế và trước dự phòng năm 2011 là 610 tỷ đồng, tổng tài sản gấp 9 lần vốn điều lệ, lên đến 27.100 tỷ đồng.

Không ít cổ đông lớn của các ngân hàng đang tính chuyện chia tay, bởi lợi nhuận kỳ vọng và các lợi ích đi kèm không trở thành hiện thực. Ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn CMC cho biết, CMC đã thông báo thoái 20% vốn tại Bảo Việt Bank.

CMC là một trong các cổ đông sáng lập của Ngân hàng, thời gian phong tỏa cổ phiếu chưa hết, nhưng DN nhận ra khoản đầu tư không hiệu quả. Ông Chính chia sẻ, quyết định bỏ vốn vào Bảo Việt Bank của CMC một phần chạy theo phong trào "nhà nhà làm ngân hàng" trước đây, một phần mong muốn Ngân hàng sẽ là nơi hỗ trợ tài chính cho Tập đoàn.

Tuy nhiên, theo các quy định hiện nay, là cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, CMC không được hưởng bất cứ điều kiện ưu đãi nào của Bảo Việt Bank.

Trong khi đó, Tập đoàn có quy mô lớn, được các ngân hàng khác chào mời, săn đón với nhiều ưu đãi. Còn hệ thống công nghệ thông tin của Bảo Việt Bank, muốn đầu tư cũng phải được lựa chọn qua đấu thầu, không có ngoại lệ cho CMC.

Muốn sử dụng dịch vụ của Ngân hàng để làm lợi cho chính mình không được, trong khi cổ tức mỗi năm không bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng, thực tế này khiến CMC quyết định "dứt áo ra đi", tìm đối tác bán lại toàn bộ cổ phần tại Bảo Việt Bank.

Áp lực lợi nhuận với lãnh đạo các ngân hàng cổ phần khi vốn tăng quá nhanh, quá lớn có thể buộc nhiều giám đốc điều hành (CEO) ngân hàng coi nhẹ yếu tố an toàn, chấp nhận rủi ro cao để đạt mục tiêu đề ra.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng cho biết, năm 2011, HĐQT ngân hàng yêu cầu tính hiệu quả, chứ không phải là tính an toàn được đặt ưu tiên số 1.

Tại không ít cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các ngân hàng cổ phần, nhiều lãnh đạo ngân hàng cổ phần còn đề nghị NHNN có ý kiến với HĐQT ngân hàng cổ phần để giải tỏa bớt áp lực lợi nhuận, khi ấy họ mới có điều kiện thực hiện theo các yêu cầu về lãi suất, thanh khoản… của NHNN.

Tại các cuộc làm việc của giới CEO ngân hàng nước ngoài với NHNN, yêu cầu tất cả các ngân hàng tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010 (Chính phủ đã cho hoãn tới cuối năm 2011), tới đây là 5.000 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng vào giai đoạn 2012 và 2015 bị chỉ trích gay gắt với hai lý do.

Thứ nhất, thị trường Việt Nam không đủ lớn để triển khai một cách thận trọng và làm đòn bẩy cho dòng chảy vốn vào ngân hàng.

Thứ hai, kết quả của việc tăng vốn là áp lực cạnh tranh gay gắt, khẩu vị rủi ro cao và mức hoàn vốn thấp. Điều này sẽ dẫn tới nhiều ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động ngân hàng.

"Chúng tôi mong muốn ngành ngân hàng khuyến khích cạnh tranh, quản lý rủi ro, sử dụng vốn lành mạnh và an toàn, đồng thời vẫn cho phép các ngân hàng có quy mô vốn khác nhau cùng hoạt động", ông Brett Krause, Tổng giám đốc CitiBank Việt Nam phát biểu.

Theo Anh Việt

Đầu tư chứng khoán

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên