Các thương vụ M&A nổi bật trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2010
Năm 2010, hoạt động M&A (mua bán-sáp nhập) trên thị trường chứng khoán đã nở rộ cả về số lượng lẫn hình thức.
Sáp nhập doanh nghiệp
Vụ sáp nhập giữa 2 doanh nghiệp niêm yết đầu tiên là CTCP Mirae Fiber (KMF) sáp nhập vào CTCP Mirae (KMR) đã hoàn tất vào đầu năm 2010.
Tiếp sau đó là Xi măng Hà Tiên (HT2) sáp nhập vào HT1 và NKD sáp nhập vào KDC. Một công ty thành viên khác của Tập đoàn Kinh đô là Kem Kido’s cũng sáp nhập vào KDC.
Các vụ sáp nhập đều trên diễn ra giữa những doanh nghiệp nhiều tương đồng về hoạt động kinh doanh, ban lãnh đạo, cơ cấu sở hữu… Như NKD với KDC dùng chung thương hiệu Kinh Đô, HT1 và HT2 đều là công ty con của Tổng công ty Xi măng.
Việc sáp nhập nhằm tinh giảm bộ máy quản lý, thống nhất hoạt động kinh doanh… qua đó tiết giảm các chi phí.
Mua lại - Chào mua công khai
Trong năm 2010, chỉ có duy nhất 1 vụ chào mua công khai thành công là CTCP Hùng Vương (HVG) chào mua công khai cổ phiếu AGF của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang, qua đó tăng tỷ lệ sỡ hữu lên 51%.
Một trường hợp khác đang được tiến hành là Thành Thành Công chào mua công khai cổ phiếu NHS của Đường Ninh Hòa.
Đầu năm 2011, Bảo hiểm Prudential Việt Nam cũng hoàn tất việc chào mua chứng chỉ quỹ PRUBF1.
Điểm đáng chú ý là một số cá nhân đã lợi dụng việc chào mua công khai để làm giá cổ phiếu như trường hợp của VTV và HCT.
Các thương vụ của Thành Thành Công với cổ phiếu mía đường
- Thành Thành Công cùng một số công ty khác mua lại toàn bộ phần vốn của Tập đoàn Bourbon tại Bourbon Tây Ninh (SBT)
Tập đoàn Bourbon (Pháp) đã bán thỏa thuận 97 triệu cổ phiếu SBT (68,52% vốn) cho Thành Thành Công và một số pháp nhân khác.
Lý do chuyển nhượng toàn bộ cổ phần mà Bourbon đưa ra là tái cơ cấu, tập trung vào hoạt động cung ứng dịch vụ hàng hải dầu khí ngoài khơi theo yêu cầu của cổ đông công ty mẹ ở Paris.
Sau khi giao dịch hoàn tất, giá SBT đã tăng hơn 30%, từ mức 1.2x lên 1.6x
Về phía bên mua, Thành Thành Công và công ty thành viên là Đặng Thành đã mua hơn 70 triệu cổ phiếu. Công ty chứng khoán SBS hiện cũng nắm giữ 20 triệu cổ phiếu.
- Chào mua công khai cổ phiếu NHS để tăng tỷ lệ nắm giữ lên trên 51%
Thành Thông Công đăng ký mua thêm 2,24 triệu cổ phiếu NHS, tương đương 27,76% vốn điều lệ của Đường Ninh Hòa với giá 36.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài SBT và NHS, Thành Thành Công và một số công ty có “quan hệ gần gũi” hiện cũng sở hữu một lượng lớn các cổ phiếu cổ phiếu mía đường niêm yết khác như BHS, SEC:
+ Thành Thành Công nắm 22,2% và Sacombank nắm 10% vốn của BHS
+ Đặng Thành nắm 11% vốn của SEC
Thành Thành Công có hoạt động chính của công ty là kinh doanh đường và các phụ phẩm từ đường. Năm 2009, sản lượng đường và các phụ phẩm từ đường của công ty chiếm 7% thị phần cả nước.
Bà Huỳnh Bích Ngọc – Chủ tịch HĐQT của Thành Thành Công, là vợ ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank.
Tập đoàn Masan (MSN) mua lại quyền khai thác mỏ đa kim Núi Pháo từ các quỹ của Dragon Capital
Đây là vụ M&A được nói đến nhiều nhất trong năm và cũng là vụ lớn nhất trong năm qua.
Tập đoàn Masan - thông qua công ty thành viên của mình là Masan Resources - đã mua lại toàn bộ quyền khai thác mỏ khoáng sản Núi Pháo từ các quỹ của Dragon Capital. Masan Resources nắm toàn bộ quyền khai khác thác mỏ Núi Pháo.
Theo một số nguồn tin, giá trị của thương vụ này ước khoảng 130 triệu USD. Các quỹ của Dragon Capital sẽ đổi quyền sở hữu mỏ Núi Pháo lấy kỳ phiếu (Promissory note) của Tập đoàn Masan. Các kỳ phiếu này có thể chuyển đổi thành cổ phiếu MSN sau một thời gian nhất định.
Mới đây, Masan công bố công ty quản lý quỹ Mount Kellett (Hoa Kỳ) sẽ góp 100 triệu USD để nắm giữ 20% cổ phần của Masan Resources.
Bình Thiên An cùng các bên có liên quan “thâu tóm thù địch” đối với Descon (DCC)
Sau khi âm thầm thâu tóm quyền kiểm soát của BT6 và VFC, Công ty bất động sản Bình Thiên An (BTA) đã thực hiện việc “thâu tóm” đình đám với cổ phiếu DCC của CTCP Xây dựng Công nghiệp – Descon.
Ngày 25/10, ông Nguyễn Xuân Bảng bị miễn nhiệm khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT của DCC trong một phiên họp HĐQT bất thường.
Đến ngày 15/12, ĐHCĐ bất thường của DCC đã miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT cũ và bầu 2 thành viên mới. Nhóm cổ đông BTA nắm 3/5 vị trí trong HĐQT mới.
BTA vốn được biết đến với Dự án Đảo Kim Cương – Diamond Island tại Tp. Hồ Chí Minh.
Alphanam - Viễn thông Thăng Long (TLC)
Đây là một thương vụ diễn ra khá âm thầm. Tháng 8/2010, các thành viên chủ chốt của Alphanam đã đảm nhận các vị trí chủ chốt trong HĐQT của TLC.
Giống như trường hợp Bình Thiên An – DCC, sự thâu tóm chủ yếu là ở quyền kiểm soát hoạt động của công ty mà không có thông tin nào về sự thay đổi tỷ lệ sở hữu; tức các bên thực hiện thâu tóm đã âm thầm “gom” cổ phiếu hoặc liên minh với các cổ đông lớn với tỷ lệ đủ để kiểm soát công ty từ trước.
Sau khi nắm quyền kiểm soát đối với TLC, HĐQT mới đã tiến hành cơ cấu lại một số hoạt động của công ty như: Sử dụng thương hiệu Alphanam cho dòng sản phẩm dây và cáp điện, tăng vốn…
Dược Viễn Đông (DVD) – Dược Hà Tây (DHT)
Đây có thể coi là một thâu tóm “thù địch” bất thành.
DVD từng có ý định thâu tóm DHT và thực tế có lúc một số cá nhân thuộc DVD đã nắm đa số cổ phần tại DHT. Tuy vậy, cũng có thể các cá nhân này chỉ muốn “làm giá” cổ phiếu DHT.
Một số thương vụ khác:
- FPT & FPT Telecom dự định nắm giữ 51% vốn của EVN Telecom. Theo phương án cổ phần hóa EVN Telecom vừa được Thủ tướng phê duyệt thì EVN sẽ nắm 50,6% vốn của EVN Telecom; bán cho người lao động trong công ty là 0,4% còn lại 49% bán cho FPT và FPT Telecom.
- Sacomreal (SCR) đã chuyển nhượng 60% cổ phần tại CTCP Đầu tư BĐS Sacomreal – Tân Thắng cho Gamuda Land với giá trị chuyển nhượng 82,4 triệu USD tương đương 1.606 tỷ đồng, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu của SCR từ 90% xuống 30%.
- Tổng Công ty thép Việt Nam (VNSteel) mua lại 85% cổ phần Nhà máy thép mạ kẽm của Lilama Hà Nội. Giá trị thương vụ ước khoảng 30 triệu USD.
- Chứng khoán Gia Quyền (EPS) bán 49% cổ phần cho KIS của Hàn Quốc.
+ HSBC mua thêm 8% cổ phần của BVH, qua đó tăng tỷ lệ sở hữu lên 18%.
+ Masan phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho House Food, Orchid Fund; vay chuyển đổi với IFC, Goldman Sachs.
+ HAG chào bán 1.100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho Temasek Holding và hơn 16 triệu cổ phiếu với giá 72.000 đồng/cp cho Deutsche Bank.
+ CII phát hành 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho Goldman Sachs.
+ VinaCapital đầu tư 15 triệu USD vào Prime Group
+ NBB phát hành 2,6 triệu cổ phiếu với giá 80.000 đồng/cp cho Quỹ DWS Việt Nam (thuộc Deutsche Bank).
+ Ngân hàng bán cổ phần:
Ngân hàng phát triển Mekong (MBD) bán 15% cổ phần cho FFH – một đơn vị đầu tư thuộc Temasek.
Ngân hàng An Bình (ABB) bán 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho IFC và Maybank.
Mới đây, trong tháng 1/2011, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đã ký kết hợp đồng với Vietinbank về việc mua 10% cổ phần của ngân hàng này với giá 182 triệu USD.
Vietinbank dự định sẽ bán tiếp 15% cổ phần cho Bank of Nova Scotia của Canada.
Các trường hợp phải tiến hành chào mua công khai: Theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân và người có liên quan chưa nắm giữ hoặc đang nắm giữ dưới 25% cổ phần của công ty đại chúng, chứng chĩ quỹ đóng mà có ý định mua dẫn đến sở hữu từ 25% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành thì phải đăng ký chào mua công khai. Tổ chức, cá nhân và người có liên quan đã nắm giữ từ 25% trở lên tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một CTĐC hoặc chứng chỉ quỹ đóng mà có ý định mua tiếp số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của một CTĐC hoặc chứng chỉ quỹ đóng dẫn đến việc sở hữu đạt tới mức 51%, 65% và 75% cũng phải chào mua công khai. |
KAL