Tỷ lệ an toàn tài chính mới: “Khuyến khích” CTCK lướt sóng
Jhi Thông tư 226 có hiệu lực, CTCK khó có thể tập trung quá nhiều vào hoạt động đầu tư CK, đặc biệt là cổ phiếu chưa niêm yết, công ty không phải đại chúng.
Thông tư số 226/2010/TT-BTC quy định chỉ tiêu
an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán
không đáp ứng chỉ tiêu ATTC sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2011.
Tuy nhiên, cách tính mới về tỷ lệ an toàn tài chính dự kiến sẽ gây ra khá nhiều khó khăn cho những CTCK dành nhiều vốn cho đầu tư cổ phiếu OTC và góp vốn thành lập công ty liên doanh - liên kết.
Theo quy định mới tại Thông tư 226, một CTCK có tình hình
tài chính được coi là "khỏe mạnh" phải đáp ứng yêu cầu tỷ lệ vốn khả
dụng trên tổng giá trị rủi ro không thấp hơn 1,8.
Trong đó, khái niệm vốn khả dụng được hiểu mới là vốn chủ sở hữu có thể chuyển đổi thành tiền trong vòng chín mươi (90) ngày. Cách tính vốn khả dụng cụ thể theo Phụ lục được ban hành, CTCK được tính trên toàn tài sản (theo giá thị trường), trừ đi các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào công ty con, công ty liên doanh liên kết, tài sản cố định, phải thu dài hạn, phải thu nội bộ, chứng khoán phát hành bởi tổ chức có liên quan, chứng khoán có thời gian bị hạn chế chuyển nhượng trên 90 ngày...
Theo đánh giá của nhiều CTCK, cách tính toán vốn khả dụng trong trường hợp này là chuẩn xác, không có gì phải tranh cãi. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh lại nằm ở quy định về cách tính tổng giá trị rủi ro.
Theo quy định, tổng giá trị rủi ro được hiểu là tổng giá trị của 3 loại rủi ro bao gồm: giá trị rủi ro thị trường, giá trị rủi ro thanh toán và giá trị rủi ro hoạt động.
Rủi ro hoạt động được tính toán bằng 25% chi phí hoạt động
trong 12 tháng liên tiếp (không bao gồm khấu hao tài sản cố định và trích lập
dự phòng) hoặc 20% vốn pháp định, tùy thuộc giá trị nào lớn hơn.
Điều này có
nghĩa, nếu một CTCK dù chi phí hoạt động ít (như ít nhân viên, phí thuê địa
điểm thấp...), nhưng có vốn pháp định cao, thì rủi ro hoạt động cũng ở mức đáng
kể.
Lấy ví dụ trường hợp CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), 25% chi phí hoạt động trong năm 2010 theo cách tính trên ở mức xấp xỉ 16 tỷ đồng, nhưng 20% vốn pháp định (BVSC có vốn điều lệ hơn 722 tỷ đồng, yêu cầu vốn pháp định là 300 tỷ đồng cho tất cả các nghiệp vụ), lại lên tới 60 tỷ đồng.
Giá trị rủi ro thứ hai được tính toán là giá trị rủi ro thị
trường. Điều đáng nói là, hệ số rủi ro tính cho cổ phiếu, trái phiếu chưa niêm
yết ở mức rất cao.
Theo quy định, hệ số rủi ro cho trái phiếu doanh nghiệp chưa
niêm yết có thời gian đáo hạn từ 1 - 5 năm là 30%, trên 5 năm là 40%, bao gồm
cả trái phiếu chuyển đổi.
Cổ phiếu niêm yết trên HOSE có hệ số rủi ro là 10%, trên HNX là 15%, UPCoM là 20%, đã đăng ký lưu ký nhưng chưa niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, cổ phiếu đang trong đợt phát hành lần đầu là 30%; của các công ty đại chúng khác là 50%; cổ phần, phần vốn góp và các loại chứng khoán khác là 80%.
Không hiểu cơ quan quản lý đánh giá gì về thị trường cổ phiếu chưa niêm yết, nhưng quy định như trên rõ ràng sẽ là… nỗi ám ảnh với những CTCK thích đi "săn hàng" bên ngoài thị trường tập trung.
Lấy ví dụ, một CTCK có thể đặt niềm tin vào cổ phiếu của một công ty chưa phải là công ty đại chúng nhưng có tiềm năng phát triển và công ty dành phần nhiều vốn của mình để đầu tư vào cổ phiếu này. Khi đó, CTCK có thể không thoả mãn được quy định về tỷ lệ an toàn tài chính tại Thông tư 226.
Trên thực tế, rất khó để có thể kiếm được một CTCK không sử
dụng vốn vay vào hoạt động đầu tư…
Điều này đồng nghĩa với việc, khi Thông tư 226 có hiệu lực, CTCK khó có thể tập trung quá nhiều vào hoạt động đầu tư chứng khoán, đặc biệt là cổ phiếu chưa niêm yết, công ty không phải đại chúng.
Thứ ba là giá trị rủi ro thanh toán, được tính toán trên cơ sở các mối quan hệ tài chính vay - cho vay với các đối tác bên ngoài, với hệ số rủi ro tối đa lên tới 8% đối với rủi ro trước thời hạn thanh toán, rủi ro quá thời hạn thanh toán có thể dao động từ 16% đến 100% nếu quá hạn trên 60 ngày.
Lãnh đạo một CTCK tại Hà Nội, đơn vị vốn chỉ tập trung cho
mảng đầu tư cổ phiếu, nhận xét rằng, công ty thời gian này chủ yếu đứng ngoài
thị trường nên khá yên tâm khi Thông tư 226 chuẩn bị có hiệu lực.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, sau khi lấy BCTC quý III/2010 của nhiều CTCK công bố ra tính toán thử, thì thấy, hầu hết các CTCK đầu tư chứng khoán nhiều, phát triển mạnh hoạt động tự doanh (có cho khách hàng dùng đòn bẩy tài chính) sẽ rất khó khăn trong việc đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định.
Với quy định chặt chẽ này, CTCK sẽ lựa chọn cách nào để đảm bảo yêu cầu: thu hẹp hoạt động đầu tư? chuyển hướng chỉ mua chứng khoán đã niêm yết hay một cách nào khác?
Theo Bùi Sưởng
ĐTCK