MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc doanh nghiệp kiểm toán không phải góp vốn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị bỏ quy định GĐ hoặc Tổng GĐ doanh nghiệp kiểm toán của công ty TNHH phải góp tối thiểu 10% vốn điều lệ như dự thảo trước.

Tại dự thảo luật Kiểm toán độc lập mới nhất được thảo luận tại phiên họp sáng nay (17/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị bỏ quy định giám đốc hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp hành nghề kiểm toán của công ty TNHH phải góp tối thiểu 10% vốn điều lệ như dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp trước.

Đây là chỉnh sửa được tiếp thu qua nhiều ý kiến đại biểu cho rằng theo Luật Doanh nghiệp, chủ tịch hội đồng thành viên của doanh nghiệp TNHH 2 thành viên trở lên có thể thuê tuyển chức danh giám đốc hoặc tổng giám đốc để quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Như vậy, yêu cầu giám đốc, tổng giám đốc doanh nghiệp TNHH phải góp tối thiểu 10% vốn điều lệ là không phù hợp.

Về lo ngại sẽ có tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi nếu luật cho phép các doanh nghiệp hành nghề kiểm toán được phép cung cấp các dịch vụ tư vấn kinh tế, tài chính, thuế, dịch vụ kế toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại có quan điểm khác.

Theo đó, Ủy ban tán thành với dự thảo luật vì cho rằng các kiểm toán viên là những người có chuyên môn cao trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính nói chung nên việc cho phép các doanh nghiệp hành nghề kiểm toán cung cấp các dịch vụ khác là hợp lý và có lợi cho xã hội.

Hơn nữa, quy định của pháp luật hiện hành cũng cho phép các doanh nghiệp hành nghề kiểm toán cung cấp các dịch vụ khác ngoài dịch vụ kiểm toán như dự thảo luật.

Để bảo đảm tính độc lập của dịch vụ kiểm toán do doanh nghiệp hành nghề kiểm toán cung cấp, dự thảo luật đã quy định các trường hợp doanh nghiệp hành nghề kiểm toán không được thực hiện kiểm toán và các dịch vụ có ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp hành nghề kiểm toán.

Như đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề công việc ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính hoặc thực hiện kiểm toán nội bộ cho đơn vị được kiểm toán; đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề các dịch vụ có ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp hành nghề kiểm toán theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán...

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển vẫn cho rằng, kinh doanh kiểm toán là kinh doanh có điều kiện, vì thế quan điểm “trước sau như một” là đã kiểm toán thì không tư vấn tài chính và các dịch vụ khác có liên quan.

Song, theo giải thích của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thì thực tế hiện nay các doanh nghiệp kiểm toán độc lập vẫn đang làm những dịch vụ như vậy và không có vướng mắc gì.

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm toán mang tính mùa vụ, nếu không được thực hiện các dịch vụ khác sẽ lãng phí nguồn lực.

“Dự luật lần này đã đưa ra quy định các điểm không được ngoại trừ khi xem xét trách nhiệm báo cáo tài chính của doanh nghiệp đối với kiểm toán”, ông Ninh nói.

Bên cạnh những nội dung trên, dự luật mới nhất cũng đã có chỉnh sửa một số nội dung theo hướng mở hơn. Trong đó đã cho phép tổ chức góp vốn thành lập doanh nghiệp kiểm toán…

Luật Kiểm toán độc lập sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng ba tới.

Theo Nguyễn Lê
VnEconomy

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên