Ngân hàng nước ngoài bị “làm khó”
Quy định mới về hạn chế cấp tín dụng có thể gây ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay, quy định về hạn chế cấp tín dụng của Luật Các tổ chức tín dụng thực chất là nhằm giúp ngân hàng trong nước có thêm lực để cạnh tranh với khối ngân hàng nước ngoài khi thị trường hoàn toàn mở cửa từ năm 2011. Quy định được coi là “không phù hợp với thông lệ quốc tế” trên đang bị các ngân hàng nước ngoài phản ứng. Dù vậy, khi được hỏi, hầu hết các ngân hàng nước ngoài đều tỏ ra dè dặt với việc tăng vốn.
Ông Thomas Tobin, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam cho rằng, các ngân hàng nước ngoài sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi muốn tham gia thị trường, vì vốn đầu tư theo quy định sẽ cao hơn so với trước kia.
Còn ông Brett Krause, Tổng giám đốc Citibank tại Việt Nam nhận định, đối với các ngân hàng nước ngoài không có nền tảng vốn lớn ở Việt Nam, việc giới hạn cho vay có thể là điều cần thiết. Tuy nhiên, đối với toàn thị trường, quy định mới này có thể “làm khó” các ngân hàng nước ngoài trong việc hỗ trợ sự tăng trưởng của Việt Nam. Cụ thể, quy định giới hạn cho vay mới sẽ khiến các nhà đầu tư khó tiếp cận vốn hơn và phải tìm kiếm các nguồn vốn vay khác, dẫn đến gia tăng chi phí. Hiện Việt Nam đang cạnh tranh với nhiều thị trường khác để thu hút FDI, nhưng quy định trên có thể khiến sức hấp dẫn của Việt Nam bị giảm sút.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, quy định hạn mức tín dụng cho vay trên chỉ ảnh hưởng đến các ngân hàng nhỏ, mà ít ảnh hưởng tới các ngân hàng lớn. Bằng chứng là, thời gian gần đây, khi các ngân hàng nhỏ ào ào tăng vốn, thì các ngân hàng lớn như HSBC, Citibank, ANZ… vẫn “bình chân như vại”.
Ông Brett Krause cũng khẳng định, hầu hết các hợp đồng cho vay của Citibank thực chất là Citibank đứng ra thu xếp để huy động vốn từ các tổ chức tín dụng bên ngoài và cho vay, chứ không phải chi nhánh của CitiBank ở Việt Nam cho vay, nên không chịu sự điều chỉnh của quy định mới. “CitiBank đã hoạt động ở Việt Nam 15 năm và tăng vốn thông qua các khoản lợi nhuận giữ lại qua từng năm. Vì vậy, chúng tôi không có nhu cầu tăng vốn ngay”, ông Brett Krause nói.
Hiện nay, đa số các ngân hàng nước ngoài vẫn đánh giá cao sức cạnh tranh của các ngân hàng trong nước, nhất là lợi thế về mạng lưới hoạt động rộng khắp và hiểu biết thấu đáo về thị trường cũng như hành vi, nếp suy nghĩ của khách hàng Việt Nam. Tuy nhiên, các ngân hàng nước ngoài đang mở rộng mạng lưới hoạt động, tuyển dụng hàng loạt nhân sự là người Việt, thì những lợi thế trên đang mất dần. Trong khi đó, dù đã tăng cường hợp tác chiến lược, song nhiều ngân hàng nội vẫn chưa thể cạnh tranh được về công nghệ tiên tiến, sản phẩm toàn cầu của khối ngân hàng nước ngoài.
Tiến sĩ Nguyễn Hải Nam, thành viên Nhóm phụ trách dự án đầu tư ở thị trường ngân hàng Việt Nam của Ngân hàng Société Générale (Pháp) cho rằng, dù các hình thức hợp tác chiến lược giữa các ngân hàng trong nước và nước ngoài đang được đẩy mạnh, song với trình độ quản trị và cơ sở hạ tầng của khối ngân hàng nội hiện nay, việc tiếp cận các công nghệ ngân hàng hiện đại là không đơn giản.
Theo Hà Tâm
Đầu tư