MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Bắt mạch” giá vàng

23-02-2011 - 08:47 AM | Tài chính - ngân hàng

“Chỉ cần có một DN mạnh, có trong tay tối đa 5 tấn vàng được trao quyền chủ động trong xuất - nhập vàng, có thể điều tiết được. Không cần quỹ bình ổn lên tới 50 - 100 tấn.”

Cầu tăng "đẩy" giá

Sau tết, giá USD tăng mạnh từ mức 21.000 đồng/USD lên 22.300 đồng/USD, giá vàng bị đẩy lên 38 triệu đồng/lượng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá vàng bị đẩy lên cao, dẫn đến tâm lý găm giữ vàng để chờ giá tăng hơn nữa... Những yếu tố này tác động qua lại khiến giá vàng tăng bất thường.

Về việc giá vàng trong nước tăng bất thường, theo bà Nguyễn Thị Cúc - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần (CP) vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), phương thức kinh doanh của các công ty kinh doanh vàng là mua- bán phải cân đối lại nguồn vàng ngay sau đó. Đơn cử như bán ra 500 lượng thì sẽ mua vào 500 lượng. Tuy nhiên, do thị trường vàng trong nước quá mỏng nên lực cầu tăng mạnh vào một thời điểm sẽ đẩy giá vàng tăng cao.

Trả lời câu hỏi xung quanh việc giá vàng có bị làm giá trong những ngày gần đây hay không, ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, nếu nói vàng bị làm giá thì cả thị trường cùng làm bởi khi giá cả các loại hàng hóa tăng, người dân chuyển sang nắm giữ ngoại tệ và vàng.

Hàng hóa đặc biệt

Vàng là một loại hàng hóa đặc biệt. Trong điều kiện tiền đồng Việt Nam hiện nay chưa thông dụng trên thị trường quốc tế cần coi vàng như ngoại tệ để có thể chuyển đổi. Để làm được điều này, hoạt động huy động và cho vay vàng của các NH thương mại cần được bình thường trở lại. Các NH có thể bán vàng hoặc thế chấp ở nước ngoài mang ngoại tệ về. Việc dùng các biện pháp hành chính để kiểm soát giá vàng chỉ làm mất đi nguồn lực quốc gia mà hãy để thị trường vàng trong nước liên thông với thế giới.

Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc VGB

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty vàng Agribank, cho rằng những phản ứng khá chậm chạp, chưa theo sát diễn biến của thị trường trong ngày cuối tuần trước của cơ quan quản lý, khiến giá vàng bị giới đầu cơ “thổi” lên cao.

“Tỷ giá chợ đen tăng lên hơn 22.000 đồng, giá vàng thế giới cũng trên đà tăng nhưng giá vàng trong nước lên tới hơn 38 triệu đồng/lượng là hết sức vô lý. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ cần phát đi tín hiệu cho mỗi DN nhập khoảng 500 kg, chắc chắn giá vàng sẽ hạ nhiệt và bám sát giá thế giới" - ông Trúc nói.

Làm gì để bình ổn giá vàng?

Bà Nguyễn Thị Cúc kiến nghị nên hình thành một cơ chế xuất - nhập khẩu vàng chủ động cho các DN kinh doanh vàng. Cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho DN được xuất - nhập một cách bình thường. Đồng thời hình thành một quỹ bình ổn giá vàng, do một công ty trực thuộc Nhà nước quản lý. Khi giá lên quá cao thì bán vàng ra, khi giá xuống thấp thì nhập vàng vào để bình ổn giá.

Ngày 22.2, giá vàng thế giới tăng 3 - 8 USD/ounce so với ngày 21.2, lên 1.400 - 1.405 USD/ounce nhưng giá vàng trong nước giảm 30.000 đồng/lượng, giá mua 37,72 triệu đồng, giá bán 37,82 triệu đồng/lượng. Nếu tính theo giá USD tự do còn khoảng 22.000 đồng/USD (giảm khoảng 200 đồng/USD so với ngày 21.2), giá vàng trong nước hiện vẫn đang cao hơn giá thế giới 600.000 đồng/lượng.

Ông Nguyễn Thanh Trúc chia sẻ, trước kia Công ty vàng bạc đá quý Việt Nam (nay chuyển thành Công ty vàng Agribank), Nhà nước nắm hoàn toàn quyền chi phối, được nhập vàng thoải mái nên khi cần có thể can thiệp.

Thực tế, năm 2003 khi phát hành tiền polymer, giá vàng chỉ có 650.000 đồng/chỉ, giới đầu cơ tung tin đồn thất thiệt đẩy giá vàng tăng hơn 20%. Tuy nhiên, được phép của NHNN, Công ty vàng bạc đá quý Việt Nam bán vàng can thiệp, chỉ trong một ngày giá trong nước và thế giới chỉ chênh lệch 10.000 đồng/chỉ. Năm 2006, công ty cũng đã một lần nữa can thiệp bằng cách trên rất hiệu quả.

“Tuy nhiên, sau khi các NHCP “nhảy vào” sân chơi này, vốn mạnh lên tới hàng nghìn tỉ đồng đã chi phối thị trường. Ngoài ra, hiện tại CP nhà nước tại Agribank chỉ còn hơn 61%, vướng nhiều cổ đông nên việc đưa ra quyết định can thiệp không dễ dàng, kịp thời được”, ông Trúc nói.

Vị lãnh đạo của Công ty vàng Agirbank cho rằng, nên duy trì một công ty vàng trực thuộc NHNN, được phép chủ động nhập vàng, hoặc có thể vay vàng từ nguồn dự trữ của NHNN trong thời gian ngắn từ 5 - 10 ngày. Khi thị trường biến động có thể trực tiếp bán vàng ra can thiệp. “Chỉ cần có một DN mạnh, có trong tay 1-2 tấn, thậm chí tối đa 5 tấn vàng được trao quyền chủ động trong xuất - nhập vàng, có thể điều tiết được. Không cần quỹ bình ổn lên tới 50 - 100 tấn”, ông Trúc nói.

Theo Thanh Xuân - Anh Vũ
Thanh Niên

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên