MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội đầu cơ không còn nhiều và khá rủi ro

Ông Lê Văn Thanh Long – Trưởng phòng phát triển kinh doanh – CTCK SMEs cho rằng thị trường vẫn còn ở trong kênh giảm giá.

Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, lãnh đạo các CTCK cho rằng, về ngắn và trung hạn, cơ hội đầu cơ không còn nhiều và khá rủi ro.

Ông Lê Văn Thanh Long – Trưởng phòng phát triển kinh doanh – CTCK SMEs: Thị trường vẫn còn trong kênh giảm giá

Tâm lý các NĐT hiện tại là rất tiêu cực trong ngắn hạn vì diễn tiến kinh tế vĩ mô hiện tại đang xấu đi.. Áp lực lạm phát cao nên lãi suất ngân hàng khó giảm trong ngắn hạn, trong khi Chính Phủ đã tỏ rõ quyết tâm thắt chặt tín dụng, đặc biệt là tín dụng dành cho BĐS và CK. Do vậy, về ngắn và trung hạn, dòng tiền vào TTCK sẽ rất hạn chế, nên các cơ hội đầu cơ không còn nhiều và khá rủi ro.

Trong tình hình hiện nay, các hoạt động đầu cơ ngắn hạn sẽ rất rủi ro vì thị trường vẫn còn ở trong kênh giảm giá.

Hơn nữa, việc biến động tỷ giá, lạm phát và lãi suất ngân hàng theo chiều hướng tăng sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho các doanh nghiệp niêm yết, nên sự tăng trưởng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ giảm trong năm nay.

Tỷ giá tăng, lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng nhiều tới khối BĐS - Xây lắp. Ảnh hưởng này sẽ thể hiện ở sự giảm doanh thu, tăng chi phí đầu vào và chi phí vốn cao do BĐS và xây lắp có nợ rất lớn, lạm phát cao đẩy lãi suất cao.

Ông Ngô Thanh Phát – Trưởng phòng phân tích CTCP Chứng khoán Quốc Tế (VIS): Thị trường khó có bứt phá lớn cho đến hết quý I/2011

Trong bối cảnh Chính Phủ đang nỗ lực để kìm chế lạm phát cùng với nhiều tin không mấy tích cực đên từ sự bất ổn ở một số quốc gia trên thế giới đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý của nhiều NĐT trên sàn chứng khoán đồng thời làm co hẹp lại dòng tiền ngoại trên thị trường.

Phần lớn những NĐT cá nhân đang tham gia trên thị trường hiện tại đều mang tâm lý bi quan mặc dù mặt bằng giá của nhiều cổ phiếu đã trở về mức rất thấp. Nếu như loại trừ ảnh hưởng của một vài cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn trền sàn TP.HCM, thì chỉ số Vn- index hiện đang nằm trong khoảng từ 420-425 điểm.

Muốn thị trường tăng điểm bền vững thì điều kiện quan trọng đầu tiên là cần phải có lưu lượng tiền mạnh trên TTCK.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, Chính Phủ đang sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm ngăn chặn lạm phát, giá vàng lại liên tục biến động thì sự kỳ vọng vào dòng tiền mạnh vào thị trường trong thời điểm hiện nay là rất khó xảy ra. Chính vì vậy, theo cá nhân tôi, rất nhiều khả năng thị trường sẽ khó có sự bứt phá lớn ít ra cho đến hết quý I/2011.

Việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng xuống mức thấp và giảm đầu tư công không những ảnh hưởng đến dòng tiền vào TTCK mà còn ảnh hưởng nhiều đến dòng tiền đầu tư vào các kênh khác như Bất động sản, các doanh nghiệp sản xuất, xây lắp…

Đối với các doanh nghiệp Bất động sản, do đặc thù là sử dụng nguồn vốn từ vay nợ khá lớn, khi việc giảm tăng trưởng tín dụng xuống thấp đồng nghĩa với lãi suất cho vay sẽ ở mức cao. Vì vậy ngoài việc khó tiếp cận nguồn vốn vay các doanh nghiệp này còn gánh chịu khoản chi phí trả lãi vay khá lớn.

Bên cạnh đó, việc huy động vốn vay từ ngân hàng khó khăn, việc huy động vốn qua kênh chứng khoán không thuận lợi sẽ dẫn đến các doanh nghiệp này thiếu vốn để phát triển kinh doanh và làm cho các dự án sẽ không được triển khai như tiến độ, thực tế trên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này trong năm 2011.

Đối với các doanh nghiệp xây lắp, đặc biệt là xây lắp các dự án công, do việc cắt giảm chi tiêu công của Chính Phủ sẽ khiến cho hoạt động đầu ra của các doanh nghiệp này sẽ bị co hẹp lại và như thế dẫn đến hoạt động kinh doanh của nhóm các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn hơn.

Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam năm 2011 sẽ phải đối mặt với nhiều mặt khó khăn như : khó tiếp cận với nguồn USD theo giá niêm yết của Ngân hàng, khó huy động vốn vay từ ngân hàng do việc cắt giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và lãi suất cho vay cao, hoạt động đầu ra bị co hẹp do việc cắt giảm chi tiêu công của Chính Phủ, hoạt động sản xuất sẽ gánh chi phí cao do giá cả đầu vào (xăng, điện…) và chi phí lãi vay cao.

Ông Nguyễn Văn Quý – Chuyên viên phân tích – Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT: Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn

Với chủ trương kiềm chế lạm phát dựa trên chính sách tiền tệ thắt chặt thì chắc chắn thị trường chứng khoán sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định do dòng tiền đầu tư bị hạn chế.

Ngoài ra yếu tố rủi ro do lạm phát khiến các kênh đầu tư mang tính đầu cơ như vàng , ngoại tệ sẽ có khả năng hút vốn trong ngắn hạn của kênh đầu tư chứng khoán.

Tuy nhiên, mặt bằng giá cũng như biến động gần đây của TTCK đã tạo nên sự hấp dẫn nhờ mặt bằng giá thấp và dòng vốn ngoại vẫn đang tích cực mua vào. Do đó về trung và dài hạn khi các biến động như lạm phát, tỷ giá trở lại trạng thái bình ổn thì kênh chứng khoán vẫn là kênh đầu tư đem lại lợi nhuận hấp dẫn và là kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế.

Bất động sản và nhóm Xây dựng chỉ là một trong những nhóm chịu ảnh hưởng lớn chủ yếu do chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng điều chỉnh giảm xuống còn dưới 20%. Tuy nhiên, bản chất của nhóm ngành này là sử dụng nguồn vốn vay rất lớn để huy động vốn tài trợ cho dự án.

Như vậy các dự án xây dựng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án sẽ phải điều chỉnh lại tiến độ thi công và có thể chậm thời gian hoàn thành bàn giao, dẫn đến hoạt động kinh doanh của DN trong ngành sẽ có thể bị ảnh hưởng lớn. Trong khi đó, nhóm kinh doanh bất động sản cũng chịu tác động do thị trường thiếu vốn, giảm sút sức cầu từ phía giới đầu tư.

Tại thời điểm hiện nay, lãi suất vay tại Ngân hàng đã lên gần 20% thì khó có thể thấy được sự sôi động từ thị trường này. Như vậy, tín hiệu kiểm soát lạm phát và điều chỉnh hiệu quả từ thị trường tiền tệ chính là dấu hiệu chỉ báo tốt nhất cho hoạt động kinh doanh của các DN trong ngành Bất động sản.

TSam

phuongmai

Trở lên trên