Chứng khoán ra rìa
Dư nợ cho vay chứng khoán năm 2010 theo NHNN khoảng 10.000 tỉ đồng. Chỉ cần số tiền này không được gia hạn vay tiếp khi đáo hạn đã là một sức ép lớn cho chứng khoán.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang thể hiện sự “cứng rắn” trong việc cơ cấu lại dòng chảy tín dụng, trong đó tập trung vốn cho sản xuất và hạn chế tối đa vốn cho lĩnh vực phi sản xuất bao gồm chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng.
Trả lời một số câu hỏi của TBKTSG, Thống đốc NHNN cho biết tổng dư nợ cho vay phi sản xuất cuối năm 2010 chiếm 18,7% tổng dư nợ, tương đương 431.000 tỉ đồng (tính ra tổng dư nợ cả nền kinh tế là 2,3 triệu tỉ đồng). Hiện nay có 18 tổ chức tín dụng có số dư cho vay phi sản xuất dưới 25% tổng dư nợ, 24 tổ chức trên 25% tổng dư nợ. Các ngân hàng này phải nhanh chóng giảm cho vay phi sản xuất.
Giả sử tăng trưởng tín dụng năm 2011 là 19% (mục tiêu dưới
20% so với năm ngoái), thì dư nợ của hệ thống ngân hàng vào khoảng 2,73 triệu
tỉ đồng. Theo chỉ thị 01 được NHNN ban hành ngày 1-3-2011, đến cuối năm dư nợ
cho vay phi sản xuất bắt buộc giảm xuống 16% tổng dư nợ, tương đương số dư
437.000 tỉ đồng. So với con số cuối năm 2010, dư địa cho vay phi sản xuất của
cả hệ thống cả năm 2011 chỉ có 6.000 tỉ đồng.
“Tôi đã rất cân nhắc khi đặt bút phê duyệt con số 16%. Nhiều vụ cục tham mưu chỉ nên để 15%. 16% tính về số tuyệt đối là gần tương đương năm trước”- Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói.
Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư rõ ràng không có cửa để vay
tiền ngân hàng đầu tư chứng khoán. Mặt khác, chứng khoán còn bất lợi hơn bất
động sản ở lý do thanh khoản.
Do giá trị bất động sản cao và thị trường này đang đóng băng, việc chuyển nhượng nhà đất, căn hộ để có tiền trả nợ vay ngân hàng khó khăn hơn nhiều việc bán cổ phiếu. Chính vì thế các ngân hàng sẽ tăng cường xiết nợ chứng khoán hơn bất động sản (vì nợ bất động sản có xiết cũng không đòi được). Cổ phiếu đã rẻ còn có thể rẻ hơn nữa.
Dư nợ cho vay chứng khoán năm 2010 theo NHNN khoảng 10.000 tỉ đồng. Chỉ cần số tiền này không được gia hạn vay tiếp khi đáo hạn đã là một sức ép lớn cho chứng khoán.
Bên cạnh đó trong những ngày qua tiền đồng đang lên giá mạnh
so với đô la Mỹ. Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đã
tụt xuống 21.200 đồng/đô la Mỹ. Còn tỷ giá thị trường tự do đang tiến về ngưỡng
21.500 đồng và có thể 21.000 đồng/đô la Mỹ.
Sau khi NHNN giảm lượng vốn bơm ra
qua kênh thị trường mở, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng bắt đầu
tăng lên và đã chạm ngưỡng 14%/năm.
Trần lãi suất huy động 14% đang bị nén chặt. Tiền đồng đang bước vào thế thượng phong. Tiền đồng càng có giá bao nhiêu, người ta càng chuộng gửi tiết kiệm ngân hàng bấy nhiêu. Chứng khoán lại càng khó khăn hơn bao giờ hết!
Thanh khoản vẫn đang sụt giảm có lẽ là biểu hiện rõ nhất cho thấy dòng tiền đang rời bỏ cổ phiếu. Đáy chứng khoán có thể đã rất gần, nhưng vùng đáy đó rộng bao nhiêu và dài bao nhiêu thì khó mà phỏng đoán chính xác.
Theo Hải Lý
TBKTSG