Hạn hán, lũ lụt và lương thực
Ngày hôm nay, thế giới không đủ lương thực để nuôi sống 7 tỷ người. Làm thế nào để thế giới có thể cung cấp đủ lương thực cho 9 tỷ người vào năm 2050?
Lần thứ hai trong vòng ba năm, chúng ta lại đối mặt một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Lúa mỳ, ngô, đường và dầu ăn liên tục leo thang đã đẩy giá lương thực thế giới lên mức kỷ lục trong tháng một vừa qua. Sự tăng giá các mặt hàng này không gây ảnh hưởng nhiều đến lạm phát của Mỹ vốn đang ở mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, đối với tầng lớp dân nghèo trên thế giới thì đó là một cú sốc thực sự, bởi phần lớn chi tiêu của họ được dành để mua cái ăn.
Khủng hoảng lương thực gây ra những hậu quả vượt xa các vấn đề kinh tế. Dấu hỏi lớn xoay quanh làn sóng biểu tình chống đối chính quyền độc đoán và thối nát ở Trung Đông không phải là nguyên nhân phát sinh, mà là tại sao nó bùng nổ vào đúng thời điểm này. Một nghi vấn nho nhỏ: phải chăng giá thực phẩm tăng chóng mặt đóng vai trò là mồi lửa quan trọng dẫn đến cơn thịnh nộ của dân chúng.
Hãy xem đâu là nguyên nhân khiến mặt hàng này trở nên đắt đỏ. Những người thuộc cánh hữu ở Mỹ (và cả Trung Quốc) đổ lỗi cho chính sách tiền tệ dễ dãi của Fed, ít nhất có một nhà bình luận đã công khai gọi đó là “bàn tay máu của Bernanke”. Trong khi đó, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng các nhà đầu cơ là thủ phạm, ông khép họ vào tội “tống tiền và cướp đoạt”. Nhưng nguyên nhân thực tế là một câu chuyện rất khác, tệ hại hơn nhiều.
Có không ít nhân tố đóng góp vào sự gia tăng của giá lương thực, tuy nhiên nổi bật trong đó phải kể đến ảnh hưởng của thiên tai. Đúng như tiên đoán của con người, hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phổ biến do các chất khí gây hiệu ứng nhà kính được xả ra ngày một nhiều hơn làm thay đổi khí hậu Trái đất – điều này có nghĩa là cuộc khủng hoảng lương thực mới chỉ bắt đầu.
Ở một mức độ nào đó, việc giá lương thực tăng hiện nay có thể xem như một phần trong sự bùng nổ giá hàng hóa cơ bản: rất nhiều loại nguyên liệu, từ nhôm cho đến kẽm, đều tăng giá chóng mặt kể từ đầu năm 2009, chủ yếu do tốc độ phát triển công nghiệp mau lẹ của các nền kinh tế mới nổi.
Nhưng mối liên hệ giữa phát triển công nghiệp và nhu cầu các loại hàng hóa như nhôm, đồng rõ ràng hơn nhiều so với cầu về lương thực. Nếu bỏ qua các nước nghèo thì thu nhập tăng hầu như không ảnh hưởng đến việc dân chúng ăn nhiều hay ít đi.
Sự tăng trưởng của các nước đang phát triển như Trung Quốc khiến nhu cầu tiêu thụ thịt lớn hơn, gián tiếp thúc đẩy cầu về thức ăn cho gia súc. Mặt khác, việc trồng ngày càng phổ biến các loại cây nguyên liệu, đặc biệt là bông, làm cho tài nguyên đất trở nên eo hẹp; thêm vào đó nhiều hoa lợi nông nghiệp lại được sử dụng như một nguồn thay thế khoáng sản – ví dụ chính sách trợ cấp sản xuất ethanol đã ngốn một phần lớn sản lượng ngô. Vì vậy, có thể nói tăng trưởng kinh tế cùng với chính sách năng lượng tồi đều đóng góp vào nguyên nhân đẩy giá lương thực tăng mạnh.
Song cho đến trước mùa hè năm ngoái, mặt hàng này vẫn không thể vượt qua các loại hàng hóa cơ bản khác về tốc độ tăng giá. Nhưng sau đó, thời tiết xấu liên tục diễn ra đã làm thay đổi mọi chuyện.
Xem xét trường hợp của lúa mỳ, loại lương thực tăng giá gần gấp đôi kể từ hè năm ngoái. Thật dễ thấy nguyên nhân trực tiếp khiến lúa mỳ trở nên đắt đỏ chính là sự sụt giảm mạnh của nguồn cung trên phạm vi toàn cầu. Theo số liệu từ Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng lúa mỳ thế giới giảm do ảnh hưởng từ việc các nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ bị mất mùa. Và chúng ta đều biết lý do của hiện tượng này: một đợt nóng bức kỷ lục kèm theo hạn hán khiến nhiệt độ ở thủ đô Moscow lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 độ F.
Đợt nóng bất thường ở Nga chỉ là một trong các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra trên khắp thế giới từ hạn hán tại Brazil cho đến cơn hồng thủy quét ngang Australia, tất cả đều gây hậu quả nặng nề cho ngành sản xuất lương thực toàn cầu.
Một câu hỏi đương nhiên sẽ được đặt ra: nguyên nhân của những đợt thiên tai này là do đâu?
Ở một góc độ nào đó, có thể xem đây là kết quả của một hiện tượng tự nhiên có tính chu kỳ mang tên La Niña. Nó xảy ra khi nước biển Thái Bình Dương thuộc khu vực xích đạo lạnh hơn bình thường. Trong lịch sử, La Niña được cho là có ảnh hưởng đến nhiều cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, bao gồm cả cuộc khủng hoảng 2007-2008.
Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. 2010 là năm nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục trong lịch sử, ngang bằng năm 2005, mặc dù Trái Đất đang ở giai đoạn ít hấp thu ánh sáng mặt trời nhất cùng với hiện tượng La Niña – nhân tố “làm nguội” – xảy ra vào nửa cuối năm. Kỷ lục về nhiệt độ không chỉ được thiết lập tại Nga mà còn ở hơn 19 quốc gia khác, chiếm 1/5 diện tích mặt đất toàn thế giới. Những hệ quả tự nhiên tất yếu xảy ra khi Trái Đất ấm lên: nhiệt độ cao gây ra hạn hán, nước biển bốc hơi nhiều hơn tạo nên lũ lụt.
Tất nhiên, không thể quy kết khí thải nhà kính là nguyên nhân gây ra một hiện tượng thời tiết cụ thể nào đó. Nhưng việc thiên tai xảy ra ngày càng phổ biến hơn không gì khác chính là hậu quả của biến đổi khí hậu.
Vẫn có nhiều người không tin vào mối liên hệ giữa hiện tượng Trái Đất ấm lên và khủng hoảng lương thực. Nếu họ khăng khăng cho rằng Ben Bernanke là tội đồ với “bàn tay máu” thì nó cũng ít nhiều giống như những kẻ xem sự nhất trí của giới khoa học về biến đổi khí hậu là một âm mưu khổng lồ của phe cánh tả.
Thế nhưng, thực tế khẳng định rằng những gì đang diễn ra chỉ là hậu quả ban đầu của sự đổ vỡ, cả về mặt chính trị lẫn kinh tế, mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong một thế giới đang nóng lên từng ngày. Và mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn rất rất nhiều nếu các quốc gia thất bại trong việc cắt giảm khí thải nhà kính.
Theo Economist