Đề xuất lấy vàng làm công cụ hoán đổi ngoại tệ
TS Vũ Đình Ánh đề xuất: Bộ Tài chính huy động vàng của dân thông qua trái phiếu vàng, sau đó NHNN đưa số vàng này ra nước ngoài để hoán đổi lấy ngoại tệ...
“Hiến kế” cho thị trường Vàng Việt Nam
Theo Nghị quyết số 11 của Thủ tướng Chính phủ, trong quý II/2011 NHNN sẽ phải trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Ngay sau khi Nghị quyết này được ban hành đã đón nhận nhiều thông tin trái chiều.
Nhằm có một cái nhìn tổng quan về thị trường vàng Việt Nam cũng như tìm ra cách đi đúng hướng cho thị trường này ở tương lai, sáng nay (ngày 15/3/2011) Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã tổ chức hội thảo khoa học “Thị trường vàng Việt Nam: Những vấn đề đặt ra”.
Theo bà Dương Thu Hương – Tổng thư ký VNBA, ở Việt Nam vàng được xem là một phương tiện tiền tệ và là công cụ dự trữ ngoại hối của quốc gia nên vấn đề quản lý thị trường này hoạt động đúng nguyên tắc, không gây những tác động xấu đến nền kinh tế được đặt ra là vô cùng quan trọng.
Quản lý xuất nhập khẩu vàng
Hiện nay, cả nước có 8 đơn vị có đăng ký sản xuất kinh doanh thương hiệu vàng miếng riêng. Và nếu như theo tinh thần của Nghị quyết 11 thì việc dự kiến tập trung đầu mối nhập khẩu vàng tại các đơn vị có nhà máy sản xuất vàng miếng sẽ không làm phân tán hạn ngạch nhập khẩu.
NHNN sẽ dễ dàng kiểm soát nguyên liệu đầu vào và thành phẩm đầu ra của 8 đơn vị sản xuất vàng miếng, loại trừ nguyên liệu trôi nổi không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ông Trần Trọng Quốc Khanh – TGĐ CTCP Sài Gòn Kim hoàn ACB – SJC, để tránh sự mất cân đối cung – cầu vàng, dẫn đến sự chênh lệch giá vô lý giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước hoặc tâm lý đầu cơ, cần xây dựng cơ chế cấp quota xuất nhập khẩu vàng linh hoạt, tạo các luồng lưu thông xuất nhập khẩu vàng thật nhịp nhàng theo quy luật thị trường.
Duy trì thuế nhập khẩu vàng ở mức 0% như hiện nay, có thể nâng nhẹ lên 0,5% khi cần thiết.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia còn cho rằng, Bộ Tài chính nên xem xét việc giảm thuế xuất khẩu vàng xuống (hiện nay đang áp mức thuế xuất khẩu 10% - pv). Bởi lẽ, mức thuế cao như thế sẽ không khuyến khích việc xuất khẩu để đưa ngoại tệ về cho đất nước mà trái lại còn tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu vàng lậu qua biên giới.
Lấy vàng làm công cụ để hoán đổi ngoại tệ
Theo TS Vũ Đình Ánh – Viện Kinh tế – Tài chính (Học viện Tài chính), vẫn biết rằng việc chuyển hóa vốn huy động vàng thành tiền Việt Nam là không đúng nhưng cũng không nên hạn chế hay cấm huy động, cho vay vàng bởi sẽ làm lãng phí một nguồn lực lớn của xã hội.
Mà cần tìm được phương án khả thi cho nguồn vốn vàng, chẳng hạn như chuyển vàng thành ngoại tệ. Bộ Tài chính huy động vàng của dân thông qua trái phiếu vàng, sau đó NHNN đưa số vàng này ra nước ngoài để hoán đổi lấy ngoại tệ, dạng như cầm cố để lấy vốn cho đầu tư.
Phát hành trái phiếu bằng vàng để huy động vốn vàng trong dân vừa tăng thanh khoản vàng, vừa giúp ngân sách nhà nước có thêm vốn để triển khai các dự án, tăng dự trữ ngoại hối, giảm lượng ngoại tệ để nhập vàng. Khi đó, thay vì phải cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng thì có thể mua trực tiếp từ chính phủ.
Đồng tình với ý kiến trên, TS Nguyễn Hoài Bắc – Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank cho rằng: Thông tin đã từng được Thống đốc NHNN công bố là hiện nay số vàng trong dân đang nắm giữ khoảng 1 000 tấn thì đồng nghĩa với việc đã có một số tài sản rất lớn được bỏ ra để mua vàng và biến thành tài sản dự trữ cất đi và không hoạt động trong nền kinh tế. Đó còn gọi là đồng tiền chết.
Do đó, trước mắt các ngân hàng nên chuyển hình thức huy động vàng bằng sổ tiết kiệm sang chứng chỉ tiền gửi bằng vàng, tuy nhiên lãi suất thì không đổi. Người dân sẽ mạnh dạn gửi tiết kiệm vàng vì vừa an toàn vừa được hưởng lãi – ông Bắc nói.
Thành lập trung tâm giao dịch vàng
Bà Phạm Thị Hồng Phương – Giám đốc công ty Kinh doanh vàng Vietinbank bày tỏ quan điểm, năm 2009 Chính phủ đã cấm “tổ chức thực hiện kinh doanh sàn vàng trên tài khoản dưới mọi hình thức” do chưa có cơ quan quản lý sàn vàng, chưa có các quy định, chế tài cụ thể và thiếu cơ sở pháp lý và cơ sở kinh tế kỹ thuật, hoạt động đầu tư trên sàn thiếu chuyên nghiệp.
Như vậy có thể thấy rằng, việc đóng cửa sàn vàng này chỉ có tính chất tạm thời bởi lẽ việc xuất hiện các sàn giao dịch vàng và hàng hóa là bước phát triển tất yếu của nền kinh tế, thúc đẩy sự lưu thông vàng trên thị trường.
Song nhiều chuyên gia cho rằng, nếu lặp lại hình thức kinh doanh vàng ký quỹ qua tài khoản thì không thể giải quyết được vấn đề hiện nay của thị trường vàng.
Ông Trần Trọng Quốc Khanh – TGĐ CTCP Sài Gòn Kim hoàn ACB – SJC kiến nghị, sàn vàng nên là một bộ phận trực thuộc Sở giao dịch hàng hóa (giống như Comex thuộc Nymex), tức xem vàng là một loại hàng hóa. Nhà nước đóng vai trò quản lý tập trung, các ngân hàng/doanh nghiệp là thành viên của sàn vàng.
Điều tiết hoạt động Sàn vàng bằng các giải pháp kỹ thuật như: Đối tượng tham gia, tỷ lệ ký quỹ, quy mô trạng thái mở qua đêm được phép duy trì, dư nợ ín dụng tại Sàn vàng và quan trọng là các chế tài xử lý.
Theo ông Khanh, NHNN xem xét tổ chức thi và cấp chứng chỉ kinh doanh vàng cho những cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành vàng, tương tự như chứng chỉ kinh doanh chứng khoán...
Theo các chuyên gia tranh luận tại Hội thảo, cũng phải nhìn nhận rằng, người dân đi mua vàng và găm giữ là có tâm lý bất ổn. Nếu kinh tế phát triển, ổn định, doanh nghiệp ăn nên làm ra, quản lý của các cơ quan chức năng về thị trường tốt thì người dân sẽ chọn kênh đầu tư khác chứ không phải là vàng.
Thị trường vàng được dự báo là sẽ tiếp tục còn nhiều biến động và rất cần những giải pháp đột phá để thị trường vàng không những không gây ra bất ổn vĩ mô mà còn đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Khánh Linh – Cao Sơn