MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuối tuần này họp bàn về tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ

16-03-2011 - 17:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều ý kiến cho rằng đây là giải pháp mềm dẻo nhằm hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, góp phần chống đôla hoá trong nền kinh tế.

Cuối tuần này, hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia sẽ họp bàn về việc nên hay không nên quy định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng.

Cuộc họp chưa diễn ra nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều ý kiến tỏ ra đồng thuận với chủ trương này vì cho rằng đây là giải pháp mềm dẻo nhằm hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, góp phần chống đôla hoá trong nền kinh tế.

Theo quy định hiện hành (áp dụng từ tháng 2.2010), tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức tín dụng là 4% (với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng) và 2% (với kỳ hạn 12 tháng trở lên).

Phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu tăng mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc – có thể lên mức 10% trên tổng số dư tiền gửi – sẽ buộc các ngân hàng phải tính toán lại hoạt động kinh doanh ngoại tệ, từng bước hạn chế cho vay, tiến tới chấm dứt cho vay và chấm dứt huy động ngoại tệ. Khi đó, những người nắm giữ ngoại tệ sẽ phải cân nhắc khả năng bán ra bởi nếu không, chỉ có thể “để dưới gối”.

Ông Phạm Thế Anh, kinh tế trưởng công ty chứng khoán Thăng Long, tính toán: với mặt bằng lãi suất huy động đôla Mỹ hiện nay (dao động quanh mức 5 – 6%/năm), trong trường hợp tỷ lệ dự trữ bắt buộc nâng lên mức 10%, các ngân hàng sẽ phải cho vay ra với mức lãi suất 15% mới có lợi nhuận.

Trong khi đó, lãi suất vay vốn USD ở mức 10%/năm trở lên là chẳng ai dám vay bởi quá đắt đỏ. Do vậy, các ngân hàng sẽ buộc phải hạ mặt bằng lãi suất huy động đôla, xuống mức 2 – 3%/năm hoặc thấp hơn.

So với mặt bằng lãi suất huy động VND hiện khoảng 14%/năm, lãi suất huy động USD dưới 5%/năm sẽ kém hấp dẫn với người gửi tiền.

Ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho biết ông cũng ủng hộ biện pháp tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi ngoại tệ và lưu ý một số công việc khác phải được hoàn chỉnh để thực hiện đồng bộ, chẳng hạn như hệ thống chính sách chống đôla hoá đã có nhưng chưa đầy đủ; việc tổ chức thực hiện các quy định thiếu triệt để và công tác xử lý thiếu nghiêm minh…

Ông Kiêm cũng cho rằng nên quản lý chặt chẽ việc kinh doanh vàng miếng như cách thức quản lý ngoại tệ hiện nay và khi đó, người dân có thể cất giữ, mang theo người, nhưng nếu giao dịch phải được sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền thay vì tự do mua – bán.

Trước một số ý kiến xem xét khả năng tăng dự trữ bắt buộc với tiền gửi VND, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần lo lắng: thông tư 13 của ngân hàng Nhà nước quy định ngân hàng không được cho vay vượt 80% vốn huy động cũng tương tự như một quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Nếu ngân hàng Nhà nước lại tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ là làm tăng gánh nặng chi phí vốn của ngân hàng, khiến lãi suất càng khó giảm, ngay cả khi lạm phát đã “hạ nhiệt”.

Ông này cho rằng kinh tế vĩ mô cần có thời gian để “ngấm” các chính sách, do vậy, không thể kỳ vọng lạm phát giảm ngay được.

Mặt khác, nếu để điều tiết cung tiền, ngân hàng Nhà nước có thể điều tiết qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO), bằng cách bán trái phiếu chính phủ và các giấy tờ có giá thay vì bằng công cụ dự trữ bắt buộc.

Theo Thảo Nguyễn
SGTT

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên