MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thức ăn chăn nuôi tăng giá 12-15%

16-03-2011 - 18:03 PM | Thị trường

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 12-15%, người chăn nuôi thêm nhiều gánh nặng.

Tại cuộc họp bàn cách kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN), hôm qua, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 12-15%, người chăn nuôi thêm nhiều gánh nặng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Cụ thể, trong quý I-2011, giá ngô 7.300 đồng/kg, tăng 35,5% so với năm 2010; sắn lát giá 5.800 đồng/kg, tăng trên 36%; đặc biệt, giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt tăng 24,6%, giá thức ăn cho lợn thịt tăng gần 28,7%.

Ông Dương phân tích, nếu tính trung bình trong quý I này, mức giá thịt gà công nghiệp khoảng 33.300 đồng/kg, tăng trên 26%, so với mức tăng của TĂCN, người chăn nuôi chỉ hòa vốn. Còn với giá thịt lợn hơi (phía Bắc) tính trung bình gần 46.000 đồng/kg, tăng trên 40%, người chăn nuôi vẫn có lãi.

Trong khi, với người chăn nuôi phía Nam, nếu giá chỉ khoảng 40.000 đồng/kg hơi, mức tăng chưa đến 13%, gần như lỗ. “Tuy nhiên, hiện giá thịt lợn cả hai miền đang ở mức cao, miền Bắc có thể 54.000-55.000 đồng/kg, miền Nam 44.000 - 45.000 đồng/kg, sẽ hỗ trợ thêm cho người chăn nuôi”- ông Dương nói.

Ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Cty Thái Dương, một doanh nghiệp vừa sản xuất TĂCN, vừa có nhiều trại chăn nuôi lớn cho rằng, người chăn nuôi đang chịu gánh nặng lớn khi giá đầu vào tăng mỗi ngày. “Không ít nông dân thua lỗ phải cắm sổ để mua TĂCN cho lợn. Thực chất các khoản thuế nhập khẩu nguyên liệu, nông dân phải nộp chứ ai”- ông Dương nói.

Cục chăn nuôi đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giảm thuế nhập khẩu ngô và hạt lúa mỳ từ 5% xuống còn 0%, tăng thuế sắn lát từ 5% hiện nay lên 10%; cùng đó, cần ưu tiên ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu TĂCN.

Theo Hiệp hội TĂCN VN, hằng năm Việt Nam nhập khẩu 55-60% tổng sản lượng nguyên liệu đầu vào. Năm 2010 nhập gần 7,8 triệu tấn, giá trị xấp xỉ 2,7 tỷ USD. Dự kiến năm 2011, Việt Nam phải nhập khẩu 8,5-9 triệu tấn nguyên liệu, mất 3,2-3,4 tỷ USD, cho 241 nhà máy thức ăn chăn nuôi.

Theo Phạm Anh

Tiền Phong online


hangnt

Trở lên trên