MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trần Xuân Giá: Không nên bỏ qua bài học của quá khứ

16-03-2011 - 09:25 AM | Tài chính - ngân hàng

Có thể bắt, tống giam ai đó trong số những người kinh doanh, đầu cơ vàng, nhưng không thể làm như vậy đối với hàng triệu người dân.

Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24 tháng 2 năm 2011 của Chính phủ đã được đông đảo dư luận đánh giá là cần thiết nhằm sớm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều bài viết phản ánh các quan điểm trái chiều về một số chủ trương cụ thể (nếu có) liên quan đến việc xóa bỏ kinh doanh vàng miếng và kiểm tra mua - bán ngoại tệ trên thị trường tự do. Người viết bài này muốn thông qua việc nhắc lại một vài bài học của thời kỳ chống lạm phát phi mã để cùng suy ngẫm trong quá trình hoàn thiện các chính sách cụ thể đó.

Giải pháp cơ bản là phải làm cho VND mạnh lên

Mọi người vẫn còn nhớ, trong những năm 1986 - 1989, kinh tế vĩ mô của nước ta rối loạn nghiêm trọng, kinh tế tăng trưởng rất thấp và lạm phát rất cao. Năm 1986, GDP chỉ tăng 2,8%, mà lạm phát đến 874% so với năm trước đó. Người dân không ai muốn giữ tiền trong tay, khi có tiền thì mua ngay bất kể cái gì có thể mua được để tránh sự mất giá của đồng tiền (có thời gian mỗi ngày mất 1%), làm cho hàng hóa trên trị trường vốn đã khan hiếm, càng khan hiếm hơn… 

Việc người dân mua - bán những thứ hàng lâu bền một chút, kể cả hàng mới cũng như hàng đã qua sử dụng như quạt máy, bàn là, TV, máy thu thanh, tủ lạnh… diễn ra “một cách phổ biến”.

Có tình hình trên, theo đánh giá lúc bấy giờ, là do nhiều nguyên nhân, nhưng trực tiếp và rất quan trọng là việc Nhà nước phát hành tiền nhiều quá mức (kể cả việc phát hành tiền vì lý do bất khả kháng), gây lạm phát phi mã, lòng tin vào đồng tiền của người dân xuống đến tận đáy. Xuất phát từ nhận định này, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp mạnh để làm cho “VND quý lên”, như:

- Thu hút mạnh tiền thừa trong lưu thông về bằng việc áp dụng lãi suất tiết kiệm đến 12%/tháng và sau đó giảm dần. Đồng thời, quy định lãi suất cho vay tối đa bằng lãi suất huy động cộng thêm 3%. Một giải pháp khác hút tiền về rất hữu hiệu là Nhà nước vay vàng về bán cho dân. Trong trường hợp này, vàng chỉ làm chức năng như một hàng hóa…

- Bằng nhiều biện pháp cụ thể hạn chế tối đa việc bơm thêm tiền vào lưu thông thông qua những khẩu hiệu đơn giản, nhưng có sức thuyết phục rất cao như “ngân hàng vay lấy mà cho vay”; “ngân sách thu lấy mà chi”, tức không phát hành tiền để bù đắp bội chi ngân sách, mà trước hết là ngừng việc cấp phát vốn cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Muốn tồn tại, DNNN phải tự vay vốn mà hoạt động; không phát hành tiền để ngân hàng làm vốn cho vay...

Đương nhiên, hệ lụy của các giải pháp này là phức tạp. Chẳng hạn, với lãi suất tới 15%/tháng, rất nhiều DNNN sẽ không thể chịu đựng được. Vì vậy, bằng cơ chế tín dụng đặc biệt, Nhà nước bù lãi suất có mục tiêu, có thời hạn để các DNNN thuộc các ngành, nghề, địa bàn trọng yếu tiếp tục tồn tại. Đồng thời, khẩn trương tiến hành sắp xếp lại hệ thống DNNN.

Nhờ đó, cùng với các biện pháp khác về phối hợp chặt chẽ trong chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong điều kiện hết sức khó khăn, sản xuất chưa đẩy lên nhanh ngay được, trong khi viện trợ từ Liên Xô (cũ) và các nước XHCN bị cắt giảm đột ngột, Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện chính sách bao vây, cấm vận đối với Việt Nam..., chúng ta đã chống lạm phát phi mã thành công và tình hình ổn định này kéo dài nhiều năm (Kế hoạch 5 năm 1996 - 2000, kinh tế tăng trưởng bình quân 7%/năm, lạm phát chỉ 3,3%/năm. Còn Kế hoạch 5 năm 2001 - 2006, kinh tế tăng trưởng 7,5%/năm, lạm phát cũng chỉ 5,1%/năm). 

VND “quý lên” trông thấy và giữ ổn định trong thời gian dài, lòng tin của người dân vào VND cũng theo đó tăng dần lên. Việc dùng vàng, USD trong thanh toán giảm đáng kể.

Bổ sung giải pháp

Ngày nay, trước tình hình lạm phát bình quân trong 5 năm 2006 - 2010 đã lên hai con số (11,4%/năm), việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là rất cần thiết và cấp bách. Những giải pháp nêu trong Nghị quyết này tương đối đồng bộ, đúng đắn, đã chạm được tới 3 cái chốt rất quan trọng gây ra lạm phát trước mắt, đó là giảm tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, giảm tốc độ tăng tín dụng; giảm bội chi ngân sách và cắt giảm đầu tư công…

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, ngay trong các giải pháp ngắn hạn này cũng mới tập trung chủ yếu vào việc giảm tốc độ bơm thêm tiền vào lưu thông. Vì vậy, nên chăng, cần bổ sung thêm các giải pháp rút bớt tiền trong lưu thông về, song song với các giải pháp giảm tốc độ bơm thêm tiền vào lưu thông như đã từng làm trong những năm chống lạm phát phi mã. 

Bởi lẽ, theo tính toán của nhiều chuyên gia, hiện có một lượng tiền thừa trong lưu thông do phát hành tiền quá mức cần thiết trong những năm trước đây và theo tính toán của Tổng cục Thống kê, trong lạm phát năm 2010, yếu tố tiền tệ chiếm khoảng 40% (4,65% so với 11,75%).

Bài học về quản lý kinh doanh vàng

Trước tháng 5 năm 1989, vàng là hàng quốc cấm - cấm một cách triệt để, nhưng người dân mua - bán những thứ hàng lâu bền một chút, chưa nói đến bất động sản… đều bằng vàng. Như vậy, Nhà nước cứ cấm kinh doanh vàng “một cách triệt để”, còn người dân thì cứ dùng vàng để cất trữ phòng thân, để thanh toán khi mua hàng “một cách phổ biến”. Có thể bắt, tống giam ai đó trong số những người kinh doanh, đầu cơ vàng, nhưng không thể làm như vậy đối với hàng triệu người dân.

Từ đánh giá tình hình như vậy, ngày 24 tháng 5 năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 139 về kinh doanh vàng, bạc, đá quý, mà thực chất là cho mọi thành phần kinh tế tự do kinh doanh vàng trang sức (về sau cho phép kinh doanh cả vàng miếng), với những điều kiện rất đơn giản, như phải ký quỹ; phải có cửa hàng, cửa hiệu; mua - bán phải có hóa đơn… 

Quyết định này thực sự làm đảo lộn tư duy của nhiều người, bởi lẽ trước đó, ai cũng nghĩ, trong điều kiện XHCN, chỉ có Nhà nước mới độc quyền kinh doanh vàng, bạc. Hơn thế nữa, Quyết định 139 đã góp phần chống lạm phát phi mã thành công, VND mạnh lên, thay thế vàng làm chức năng thanh toán trong tuyệt đại bộ phận giao dịch của người dân mà trước đó vàng tự phát đảm nhận và tình hình ổn định này kéo dài cũng hàng chục năm.

Từ kinh nghiệm trên, nên chăng cần xem xét kỹ lưỡng hơn chủ trương “xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do”, bởi lẽ nếu chỉ xuất phát từ chỗ xóa bỏ kinh doanh vàng miếng để giảm bớt việc dùng vàng trong thanh toán thì điều đó, qua kinh nghiệm thực tế, sẽ không có nhiều ý nghĩa. Việc “cấm” hay “xóa bỏ” kinh doanh vàng là cần thiết chỉ trong những trường hợp thật cần thiết, không nên lạm dụng một cách phổ biến.

Việc “xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do” có thể là cần thiết, nhưng phải cân nhắc cả mặt tích cực lẫn tiêu cực, phải có phương án dự phòng để đối phó khi các tác động tiêu cực xuất hiện... Và chỉ thực hiện việc “cấm”, “xóa” khi đã có ai đó thay thế để đáp ứng nhu cầu đã trở thành thói quen của người dân.

Cũng tương tự như vậy đối với ngoại tệ. Việc chống tình trạng đô la hoá là cần thiết, nhưng một khi cấm mua - bán ngoại tệ trên thị trường tự do, thì phải làm cho hàng vạn người dân đang cần có ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu du học, chữa bệnh, đi công tác… biết rõ: họ có thể dễ dàng mua ngoại tệ ở đâu, theo giá nào. Tránh tối đa việc “cấm” chỉ để “cấm”, gây tâm lý dao động không đáng có, bởi kinh nghiệm cho thấy, làm như vậy rất khó thu được kết quả như mong muốn. 

Theo Ông Trần Xuân Giá - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Báo Đầu tư

phuongmai

Trở lên trên