MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người giàu nhất Hàn Quốc năm 2011: “Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ và con bạn”

17-03-2011 - 17:51 PM |

Chính tính cách quyết liệt và tầm nhìn xa trông rộng của Lee Kun-hee đã mang đến cho Hàn Quốc tên tuổi Samsung hàng đầu thế giới.

Ông Lee Kun-hee (sinh ngày 09/01/1942) hiện đang giữ chức chủ tịch tập đoàn Samsung. Ông đã từ chức vào ngày 21/04/2008 sau bị buộc tội trốn thuế và bội tín nhưng đã trở lại giữ chức chủ tịch tập đoàn vào ngày 24/03/2010.

Ông học ngành kinh tế tại đại học Waseda ở Tokyo – Nhật và sau đó theo học bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) tại đại học George Washington University ở Mỹ vào năm 1966 tuy nhiên chưa bao giờ lấy bằng. Ông nói được tiếng Hàn Quốc, Anh và Nhật. Ông là con trai thứ 3 của người sáng lập tập đoàn Samsung – ông Lee Byung-chull.

Ông là người giàu nhất Hàn Quốc theo tính toán của Forbes trong suốt các năm 2009, 2010 và 2011. Năm 2009, tài sản của ông được tính toán ở mức 3,9 tỷ USD. Đến năm 2011, tài sản của ông đã lên tới 8,6 tỷ USD.

Trong khủng hoảng tài chính lịch sử vừa qua, ông và một tỷ phú khác là 2 người duy nhất giàu lên trong khủng hoảng. Ông giàu lên thực ra bởi các thanh tra viên phát hiện được một khối lượng lớn tài sản ngầm ông không khai báo.

“Nếu phản đối, hãy bước qua xác tôi”

Sự kiện chưa từng có trong lịch sử tập đoàn Samsung diễn ra tại nhà máy Gumi năm 1995. 2.000 công nhân đã phải tập trung vào sân nhà máy và tự tay cầm búa đập đi sản phẩm do họ làm ra bởi trước đó, một số sản phẩm điện thoại di động mà ông Lee mang tặng cho khách đã trục trặc.

Năm 1999, khi quyết định thuê giám đốc tiếp thị người Mỹ gốc Hàn chịu sự phản đối của toàn bộ tập đoàn Samsung với lý do: “Không ai hiểu người Hàn bằng người Hàn” ông nói: “Ai muốn phản đối hãy bước qua xác tôi”.

Trong một bài phỏng vấn, ông Lee thể hiện rõ sự tự hào rằng Samsung đã hút được trí tuệ tốt nhất tại Hàn Quốc thế nhưng tuyên bố mục tiêu của tập đoàn là thu hút nhân tài trên toàn thế giới để đảm bảo Samsung luôn đứng đầu.

Tuy nhiên, thay cho tuyển nhân sự ngoại, ông Lee đưa các con của ông vào nắm vị trí chủ chốt tại Samsung.

Năm 2010, anh Lee Jae-yong, con trai của ông, lên giữ chức chủ tịch công ty điện tử Samsung Electronics.

Cô Lee Boo-jin, con gái ông Lee, lên làm chủ tịch kiêm CEO của khách sạn Shilla, chuỗi khách sạn xa xỉ. Ngoài ra cô còn làm chủ tịch công viên giải trí phức hợp Samsung Everland.

Một con gái khác của ông, cô Lee Yoon-hyung đã tự tử vào năm 2005 khi ông ngăn cản cô không được kết hôn với bạn trai người Hàn Quốc. Ông không đến dự đám tang của cô.

Các an hem của ông và một số con của họ hiện đang làm giám đốc điều hành của một số tập đoàn kinh doanh tại Hàn Quốc.

Một trong những chị gái của ông Lee đã kết hôn với Koo Ja-hak, anh trai của cựu sáng lập tập đoàn LG và chính ông này cũng từng làm chủ tịch công ty sản xuất sản phẩm bán dẫn của LG. Ông Koo Ja-hak đang điều hành một trong những công ty dịch vụ thực phẩm lớn nhất Hàn Quốc.

Một chị gái khác của ông Lee, bà Lee Myung Hee, hiện đang làm chủ tịch tập đoàn bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc Shinsegae Group.

Tuyên bố nổi tiếng của chủ tịch tập đoàn Samsung

Người ta nhớ đến Lee Kun-hee với tuyên bố nổi tiếng nhất: “Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ và con bạn.” Tuy nhiên còn rất nhiều câu nói đáng nhớ khác của ông mà cho đến nay nhiều người Hàn Quốc vẫn luôn ghi nhớ.

“Một thiên tài có thể giúp hàng triệu người có ăn. Trong kỷ nguyên sắp tới khi sự sáng tạo sẽ mang lại động lực quan trọng nhất của thành công trong kinh doanh, chúng ta cần phải tuyển dụng người giỏi nhất. Giá trị kinh tế của một thiên tài lớn hơn 1 tỷ USD.”

“Thế giới kinh doanh đã thay đổi chóng mặt. Ngày càng khó để dự đoán điều gì sẽ đến trong tương lai, ngành nào thịnh, ngành nào suy hay cơ hội nào sẽ đến. Thế nhưng nếu bạn tuyển được người giỏi nhất, bạn sẽ giải quyết được bất kỳ vấn đề nào trong tương lai.”

“Thật khó để hiểu được đa khía cạnh của một vấn đề hay tình huống khi quá nhiều thứ cùng xảy ra. Vì thế tôi yêu cầu nhân viên của mình phải suy nghĩ đa chiều. Cách nghĩ này giúp người ta nhìn thấy mọi mặt của một vấn đề và phản ứng khôn ngoan hơn.”

“Việc sa thải một CEO bởi anh ta không kiếm được nhiều tiền cho công ty đơn giản là quyết định sai lầm. Tôi đã chứng kiến một số trường hợp mà CEO từng kém trong lĩnh vực này nhưng lại giỏi trong lĩnh vực khác. Tập đoàn Nhật vì vậy cạnh tranh thành công với các tập đoàn Mỹ.”

Bảng xếp hạng 10 người giàu nhất Hàn Quốc năm 2011 (Thứ tự trên thế giới/tên/tổng tài sản/tuổi/ngành kinh doanh/quốc tịch) Nguồn:Forbes

73 năm hình thành và phát triển của Samsung – tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới

Năm 1938, công ty Samsung được thành lập. Ban đầu công ty chuyên kinh doanh trái cây và cá khô. Năm 1960, công ty điện tử Samsung ra đời, kinh doanh chủ yếu hàng điện tử, hóa dầu và đóng tàu. Năm 1983, Samsung sản xuất chip, tuy nhiên chưa tạo được tên tuổi trong lĩnh vực này.

Năm 1994, Samsung bắt đầu bước vào cuộc cách mạng về thiết kế với khoản tiền đầu tư ban đầu khoảng 126 triệu USD. Các sản phẩm Samsung sản xuất được yêu cầu phải mang đậm dấu ấn văn hóa Hàn Quốc.

Đến năm 1995, Samsung thành lập phòng thí nghiệm giúp các chuyên gia thỏa sức nghiên cứu và học hỏi ý tưởng của trường cao đẳng nghệ thuật Padadena – Mỹ. Số lượng các chuyên gia thiết kế được tăng gấp đôi.

Nhân viên thiết kế tại Samsung còn được đi thăm quan nhiều công trình vĩ đại tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Pháp…Mỗi năm, Samsung tăng thêm từ 20 đến 30% tiền cho hoạt động thiết kế.

Ông tuyên bố muốn kiến tạo tương lai chứ không phải đối phó khi mọi chuyện đã xảy ra.

Từ đầu thập kỷ 1990, ông cảnh báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế vào cuối thập niên. Trong lúc này công việc kinh doanh của Samsung vẫn tăng trưởng tốt.

Khi khủng hoảng tài chính kinh tế xảy ra vào năm 1997, Samsung đã “đi trước đón đầu”. Samsung đã sa thải 24.000 lao động và chuyển sản xuất sang nhóm nước có chi phí lao động thấp như Malaysia, Mehicô, Trung Quốc…

Cuộc cách mạng lần 2 trong sản xuất và kinh doanh của Samsung bắt đầu vào năm 1998. Năm 1999, cả tập đoàn Samsung đã phản đối ông khi ông thuê chuyên gia tiếp thị người Mỹ gốc Hàn Quốc Eric Kim để tiếp thị hình ảnh của Samsung ra toàn thế giới.

Samsung đồng thời cũng đầu tư mạnh để sản xuất chip điện tử, màn hình tinh thể lỏng và nhiều sản phẩm kỹ thuật số khác.

Bê bối tại Samsung năm 2008

Năm 2008, ông bị tình nghi dính líu đến vụ các quan chức Samsung lập quỹ đen, và lập giao kèo cho con cháu ông Lee cổ phần lớn hơn trong Samsung. Ông được xóa tội bội tín, nhưng bị kết án trốn thuế, và lĩnh án tù treo ba năm và phải đóng khoản phạt 109 triệu USD.

Cuối tháng 12/2009, Tổng thống Hàn Quốc miễn xá cho ông Lee Kun-Hee và chỉ định ông vào Ủy ban Olympic quốc tế để giúp Hàn Quốc trong chiến dịch trở thành nước chủ nhà Thế vận hội mùa đông 2018.

Cụ thể, ngày 14/01/2008, nhà và văn phòng của ông Lee đã bị cảnh sát Hàn Quốc khám xét bởi lý do nghi ngờ tập đoàn Samsung dùng tiền hối lộ một số công tố viên, luật sư và chính trị gia cấp cao tại Hàn Quốc.

Sau lần thẩm vấn thứ 2 bởi các công tố viên Hàn Quốc vào ngày 11/04/2008, các phóng viên đưa tin ông Lee nói: “Tôi chịu trách nhiệm cho tất cả mọi việc. Tôi sẽ chịu mọi trách nhiệm đạo đức và pháp lý.” Điều này không giống với tuyên bố trước đó của ông khi ông phủ nhận sự liên quan của mình đến những lời cáo buộc. Khi đó người ta tin ông chuẩn bị từ chức.

21/04/2008, ông chính thức từ chức và tuyên bố: “Chúng tôi, kể cả tôi, đã gây ra nhiều rắc rối cho đất nước Hàn Quốc. Tôi hoàn toàn xin lỗi về điều đó và tôi sẽ chịu trách nhiệm cho mọi việc, kể cả phương diện pháp lý và đạo đức.”

Ngày 16/07/2008, New York Times đưa tin Tòa án tối cao Hàn Quốc xử ông có tội gian lận tài chính. Ông bị xử án tù 7 năm và nộp phạt 347 triệu USD, sau đó, án tù cho ông giảm còn 3 năm và ông nộp phạt 109 triệu USD.

Nhờ vụ gian lận bị phanh phui, những khoản tài sản ngầm trong Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Samsung và Samsung Electronics được công bố, đưa ông lên vị trí giàu nhất Hàn Quốc năm 2009.

Đầu thập niên 1990, tin rằng tập đoàn Samsung đã quá tập trung vào sản xuất quá nhiều hàng giá rẻ và không cạnh tranh tốt về chất lượng, ông nói: “Hãy thay đổi mọi thứ, trừ vợ và con bạn.”

Ông đã mang đến thành công cho Samsung. Tập đoàn điện tử Samsung Electronics hiện trong nhóm tập đoàn hàng đầu thế giới chuyên sản xuất sản phẩm bán dẫn và các sản phẩm điện tử.

Ngọc Diệp

ngocdiep

Trở lên trên