MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 sản phẩm bị làm giả nhiều nhất ở Mỹ

18-03-2011 - 11:34 AM | Tài chính quốc tế

Thật khó để biết chính xác hàng giả đang gây thiệt hại bao nhiêu cho các ngành sản xuất thế giới, nhưng riêng tại Mỹ con số đã lên đến 225 tỷ đôla.

Người Mỹ thích mua hàng hóa giá rẻ, nhưng thói quen này cũng đem lại mặt tiêu cực đối với nền kinh tế, tạo cơ hội lớn cho hoạt động sản xuất hàng giả, đặc biệt là từ Trung Quốc. Mỗi năm, các doanh nghiệp Mỹ thiệt hại hàng trăm triệu USD doanh thu do hàng giả nhập từ nước ngoài và mức tổng thiệt hại đã lên đến 225 tỷ USD.

Vẫn chưa có thống kê đầy đủ về lượng hàng giả vì hầu hết chúng không bị bắt giữ. Theo Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ trong năm 2009, có 14.841 vụ bắt giữ liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ với giá trị lên tới 260,7 triệu USD. Hàng hóa từ Trung Quốc chiếm đến 79% trong số đó.

Dưới đây là danh sách 10 sản phẩm chịu thiệt hại nhiều nhất do hàng giả tại Mỹ do 24/7 Wall St. thống kê.

1. Giày dép

Giá trị: 99,8 triệu USD

Tỷ lệ trên tổng vụ bắt giữ: 38%

Gần 100 triệu USD giày dép giả nhập vào Mỹ đã bị bắt giữ trong năm 2009, nhiều hơn tất cả các sản phẩm khác. Tính theo giá trị thì 98% lượng sản phẩm trên có xuất xứ Trung Quốc. Đây là năm thứ tư liên tiếp giày dép giả là mặt hàng bị bắt giữ nhiều nhất.

2. Điện tử gia dụng

Giá trị: 31,8 triệu USD

Tỷ lệ trên tổng vụ bắt giữ: 12%

Hàng điện tử gia dụng như điện thoại di động, máy nghe nhạc kỹ thuật số và máy ảnh chiếm 12% tổng vu bắt giữ hàng giả tại Mỹ, trị giá gần 32 triệu USD. Trung Quốc là nước sản xuất phần lớn các sản phẩm này với giá trị gần 18,5 triệu USD. Điện tử gia dụng cũng là loại hàng hóa bị làm giả nhiều nhất từ Hong Kong, chiếm 40% lượng hàng giả bị bắt giữ có nguồn gốc từ đây.

3. Túi xách, ví, ba lô

Giá trị: 21,5 triệu USD

Tỷ lệ trên tổng vụ bắt giữ: 8%

Bất cứ ai bước chân xuống đường phố New York đều có thể mua được một túi xách giả. Nhà chức trách đã thu giữ được lượng túi xách, ví, ba lô giả trị giá 21,5 triệu USD, chiếm 8% số sản phẩm bị thu giữ. Hàng hóa từ Trung Quốc “đóng góp” 19,5 triệu USD trong số đó.

4. Quần áo

Giá trị: 21,5 triệu USD

Tỷ lệ trên tổng vụ bắt giữ: 8%

Lượng quần áo giả bị thu giữ chỉ kém lượng túi xách, ví và ba lô một chút. Số sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc cũng tương đương, khoảng 17,9 triệu USD. Quần áo giả thường được làm phỏng theo các thương hiệu thời trang như Polo Ralph Lauren.

5. Đồng hồ, linh kiện đồng hồ

Giá trị: 15,5 triệu USD

Tỷ lệ trên tổng vụ bắt giữ: 6%

Năm 2009, hơn 15,5 triệu USD đồng hồ và linh kiện đồng hồ giả bị bắt giữ tại Mỹ. Phần lớn trong số này (với giá trị hơn 7,9 triệu USD) đến từ Hong Kong. Hiện tại, thị trường Mỹ tràn ngập sản phẩm làm nhái kiểu dáng của Rolex, Panerai hay Omega.

6. Máy tính, phần cứng

Giá trị: 12,5 triệu USD

Tỷ lệ trên tổng vụ bắt giữ: 5%

Hơn 12,5 triệu USD máy tính và linh kiện bị thu giữ tại Mỹ năm 2009, gần gấp đôi con số này một năm trước đó. Hàng giả có thể khiến người tiêu dùng gặp một vài vấn đề: máy tính và linh kiện giả làm việc kém hiệu quả, làm sai lệch, thậm chí làm hỏng toàn bộ dữ liệu của người sử dụng. Theo Alliance for Gray Market and Counterfeit Abatement, có đến 10% số sản phẩm công nghệ cao được bán trên thế giới là hàng giả.

7. Thiết bị lưu trữ dữ liệu

Giá trị: 11,1 triệu USD

Tỷ lệ trên tổng vụ bắt giữ: 4%

Năm 2008, gần 6 triệu USD thiết bị lưu trữ dữ liệu như đĩa CD, DVD bị bắt giữ tại Mỹ. Đến năm 2009, con số này đã tăng lên hơn 11 triệu USD. Khoảng một nửa trong số đó đến từ Trung Quốc. Thiết bị lưu trữ dữ liệu giả thường được bày bán rộng rãi tại các chợ trời hay trên mạng.

8. Thuốc

Giá trị: 11,1 triệu USD

Tỷ lệ trên tổng vụ bắt giữ: 4%

Hơn 11 triệu USD thuốc giả đã bị thu hồi năm 2009 tại Mỹ, đa phần có xuất xứ Trung Quốc. Thuốc cũng chiếm phần lớn lượng hàng giả từ Ấn Độ, tới 86%. Theo Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, thuốc là mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ về độ an toàn hàng đầu, chiếm 34% trong danh mục các sản phẩm này.

9. Trang sức

Giá trị: 10,5 triệu USD

Tỷ lệ trên tổng vụ bắt giữ: 4%

Trang sức giả là một thị trường lớn ở Mỹ. Năm 2009, khoảng 10,5 triệu USD trang sức giả đã bị thu giữ. Một con đường khiến trang sức giả tràn lan là qua các trang web đấu giá. Tháng 9 năm ngoái, Tiffany & Co. đã kiện eBay do trang web này bán trang sức giả Tiffany nhưng bị thua kiện..

10. Đồ chơi, trò chơi điện tử

Giá trị: 5,5 triệu USD

Tỷ lệ trên tổng vụ bắt giữ: 2%

Tại Mỹ, 5,5 triệu USD đồ chơi và trò chơi điện tử đã bị thu giữ trong năm 2009, gần 4,9 triệu USD số sản phẩm đó là từ Trung Quốc. Đồ chơi giả tiềm ẩn những nguy cơ hết sức nghiêm trọng. Một số mặt hàng được chế tạo từ những vật liệu độc hại như chì, số khác có thể hỏng và gây tổn thương cho trẻ nhỏ như đồ chơi chạy điện có thể quá nóng và thậm chí là nổ.

Theo An Lâm

VnExpress


ngocdiep

Trở lên trên