MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiếp nối thời “hậu kinh tế học vĩ mô Keynes”

19-03-2011 - 16:19 PM | Tài chính quốc tế

Tất cả những dự đoán và hứa hẹn của học thuyết Keynes hầu như hoàn toàn sai lầm, và học thuyết cơ sở của chúng về cơ bản không có hiệu quả.

"Trong thập kỷ vừa qua, nước Mỹ đã nếm trải cuộc suy thoái nặng nề nhất kể từ sau những năm 1930 với tỷ lệ lạm phát vượt quá con số 10%/năm.Cuộc khủng hoảng lan sang các nền kinh tế phát triển khác và trong một số trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Nguyên nhân không phải là do sự trở lại của chính sách thắt chặt tiền tệ và cân bằng ngân sách mang tính “kinh điển” lỗi thời. Ngược lại, những biến động kinh tế trên bắt nguồn từ con số thâm hụt ngân sách khổng lồ và tốc độ mở rộng cung tiền ồ ạt - các chính sách hứa hẹn đẩy nhanh tăng trưởng thực tế và hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp theo học thuyết của Keynes mặc dù được thừa nhận có nguy cơ gây lạm phát".

“Tất cả những dự đoán và hứa hẹn đó hầu như hoàn toàn sai lầm, và học thuyết cơ sở của chúng về cơ bản không có hiệu quả. Nhiệm vụ của giới nghiên cứu giờ đây là thu thập những gì còn có thể cứu vãn được từ đống đổ nát của “cuộc cách mạng Keynes” và tận dụng chúng, tất nhiên những bộ phận còn lại của học thuyết này phải bị loại bỏ.”

Đó chắc chắn là những gì cần phải nói vào thời điểm hiện nay. Nhưng chúng ta có thể vui mừng không khi những lời này được đưa ra cách đây đã 33 năm.

Hiển nhiên sự khác biệt nằm ở câu “tỷ lệ lạm phát vượt quá con số 10%/năm”. Ngày nay, người ta đang run sợ chờ đợi điều này sau các gói kích thích QE2 và 3, trong khi vào thập kỷ 70 nó đã trở thành cơn ác mộng thực sự.

Tuy nhiên đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều người băn khoăn tại sao chúng ta gọi khủng hoảng vừa qua là “cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau Đại suy thoái”, dù nước Mỹ đã từng trải qua thời kỳ đình lạm hơn 30 năm trước.

Đoạn bình luận trích ở đầu bài báo được nhà kinh tế học Robert E. Lucas (cùng cộng tác với Thomas Sargent) trình bày tại một hội nghị của Cục dự trữ liên bang năm 1978, nằm trong tham luận có nhan đề “Hậu kinh tế học vĩ mô Keynes.”

Tại thời điểm đó, Lucas là người có ảnh hưởng lớn nhất trong số các học giả lên tiếng chỉ trích chính sách tiền tệ tùy nghi.

Ông là một trong những nhà kinh tế sáng lập nên trường phái “kỳ vọng hợp lý”, lý thuyết ngăn cản Fed không thể chỉ nghĩ đến những kết quả tích cực khi quyết định in thêm tiền với hy vọng kích thích nền kinh tế.

Lucas cho rằng mọi người, chẳng hạn như các chủ doanh nghiệp, sẽ kỳ vọng một cách hợp lý như sau: nếu Fed vung tiền bừa bãi, xác suất để một vụ đầu tư đem lại thành công sẽ nhỏ hơn, và phương tiện đầu tư (ở đây là loại tiền tệ được dùng) sẽ bị giảm giá trị. Vì vậy, biện pháp “nới lỏng định lượng” (cụm từ được dùng phổ biến gần đây) sẽ không có hiệu quả. Thay vào đó, việc làm sẽ mất đi và lạm phát tăng lên.

Có phải bạn đang nghĩ kết luận này cần được công khai cho mọi người biết? Trên thực tế nó đã được công bố từ lâu.

Giáo sư Lucas giành giải Nobel năm 1995 và được công nhận là người đứng đầu lĩnh vực kinh tế học vĩ mô trong thời kỳ sung mãn nhất của ông, từ những năm 1970 cho đến khi cuộc khủng hoảng 2008 nổ ra.

Karl Marx từng nói “Lịch sử lặp lại, trước tiên là bi kịch, sau đó là hài kịch”. Đúng như vậy, cuộc suy thoái vừa qua để lại một vài câu chuyện hài hước không thể tránh khỏi.

Lại một báo cáo GDP nữa cho thấy tốc độ hồi phục không đạt tới chuẩn mực thấp của những lần phục hồi kinh tế trong quá khứ, và con số 2.8% thậm chí còn không được coi là tốt nếu nền kinh tế đã trở lại mốc trước suy thoái.

Lucas là một trong những đại biểu kinh tế học đã khiến cho Fed rốt cuộc phải để mắt tới chỉ số giá nhiều hơn là các báo cáo cập nhật tình hình việc làm.

Để làm được điều này ông đã tốn khá nhiều thời gian – trạng thái bất ổn của nền kinh tế được Lucas nhận thấy năm 1978 đã bị người ta bỏ qua trong giai đoạn 1979-1981, khi đó tỷ lệ lạm phát hàng năm lên tới hai con số trong bối cảnh giữa 2 cuộc suy thoái.

Cho đến tận năm 1982 và 20 năm sau đó, Fed mới thực sự cố gắng làm mọi thứ để giữ cho giá trị đồng đô la ổn định so với các loại hàng hóa và dịch vụ.

Điều này giúp cho chính sách tài khóa phát huy tác dụng tạo việc làm và thúc đẩy đầu tư, cũng như ít nhiều đã hoàn thành các mục tiêu cắt giảm thuế, đơn giản hóa bộ máy hành chính cùng với tự do hóa thương mại,

Trở ngại khó giải quyết nhất nằm ở khu vực công, nhưng sự phát triển thần kỳ của thị trường bất động sản trong những năm 1980, 1990 đã thu hút nhiều người rời bỏ việc làm cho chính phủ để chuyển sang lĩnh vực này.

Năm 2000, tỷ lệ chi tiêu ngân sách liên bang so với GDP đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1966. Mọi chuyện vẫn tiếp diễn tốt đẹp ... cho đến khi mọi người lo ngại về một lỗi của hệ thống máy tính (Y2K).

Thượng nghị sĩ Jim Jeffords đã thuyết phục tổng thống George W. Bush thực hiện lời hứa trong cuộc vận động tranh cử của ông: giảm tất cả các loại thuế 0,5%.

Thất vọng vì việc giảm thuế không thỏa đáng, ngay sau đó Fed đã hạ lãi suất liên ngân hàng xuống mức thấp ngang bằng năm 1961.

Tiếp đến, họ hợp tác với Fannie & Freddie để gia tăng “giá trị tài sản ròng” đang trong tình trạng trì trệ ... rồi bong bóng chi tiêu ngày càng phồng lên ... giá trị tài sản giảm ... và phần cuối của câu chuyện xảy ra như chúng ta đã biết.

Tất cả những điều này được Robert E. Lucas dự báo chính xác 33 năm trước.

Nhưng điều cần làm giờ đây không phải là trao cho những nhà kinh tế hàng đầu quyền lực lớn hơn, mà là thẳng thắn thừa nhận chính sách kinh tế nào có hiệu quả, chính sách nào vô dụng dựa vào các dữ liệu lịch sử rõ ràng.

Chủ nghĩa Keynes là một thất bại, một thứ lý thuyết lạc đề đã bị thổi phồng quá mức. Nó đã khiến cho chính phủ không đạt được vị thế kinh tế để sẵn sàng lãnh đạo quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo.

Hoàng Sơn
(Theo Forbes)

phuongmai

Trở lên trên