MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

''Kỹ thuật đánh thuế chứng khoán chưa ổn''

Về kỹ thuật đánh thuế, cơ quan thuế thường áp dụng nguyên tắc lấy doanh số trừ đi chi phí sẽ ra khoản thu nhập chịu thuế.

“Nguyên tắc đánh thuế của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là hợp lý, nhưng kỹ thuật đánh thuế đối với đầu tư chứng khoán còn một số điểm chưa ổn”, Tiến sỹ Quách Đức Pháp, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận xét khi trao đổi với ĐTCK.

Thưa ông, điểm chưa ổn đầu tiên của Luật TNCN áp dụng đối với đầu tư chứng khoán là gì?

Để đưa ra đánh giá khoa học, xác đáng về những bất hợp lý của Luật TNCN áp dụng đối với đầu tư chứng khoán một cách toàn diện, cơ quan quản lý cần tiến hành tổng kết, phân tích khách quan những bất hợp lý phát sinh từ thực tiễn áp dụng luật.

Tuy nhiên, một thực tế khiến NĐT đang “kêu” rất nhiều là khi họ chọn hình thức nộp thuế 20% trên lãi thu được từ đầu tư chứng khoán trong năm, thì với quy định “cứng” của luật hiện hành, NĐT rất khó, nếu không muốn nói là không thể xuất trình các loại hoá đơn, chứng từ để chứng minh thu nhập với cơ quan thuế khi làm thủ tục quyết toán thuế.

Đây là phản ánh đáng để cơ quan quản lý xem xét, bởi với quy định hiện hành, NĐT sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi làm thủ tục hoàn thuế nếu chọn hình thức nộp theo thuế suất 20%.

Điều này giải thích tại sao gần như toàn bộ NĐT nhỏ lẻ bị “cưỡng bức” phải chọn cách nộp 0,1% trên giá trị giao dịch bán, dẫn đến khi đầu tư thua lỗ họ vẫn bị nộp thuế.

Kinh doanh lỗ nhưng NĐT vẫn phải đóng thuế là biểu hiện của kỹ thuật đánh thuế chưa ổn, thưa ông?

Về kỹ thuật đánh thuế, cơ quan thuế thường áp dụng hình thức người chịu thuế có đủ các loại chứng từ, hoá đơn, thì áp dụng nguyên tắc lấy doanh số trừ đi chi phí sẽ ra khoản thu nhập chịu thuế.

Trường hợp đối tượng chịu thuế không thực hiện chế độ sổ sách kế toán như NĐT chứng khoán nhỏ lẻ, thì không thể xác định được thu nhập chịu thuế, khi đó cơ quan thuế thường áp dụng kỹ thuật thuế khoán.

Cụ thể, đối với đầu tư chứng khoán, áp dụng thuế suất 20% trên mức lãi thu được cuối năm đối với trường hợp xác định được thu nhập chịu thuế, nhưng không xác định được thì khoán thu 0,1% trên giá trị giao dịch bán. Điểm quan trọng ở đây là đưa ra tỷ lệ thu như thế nào để không có sự quá chênh nhau về nghĩa vụ thuế mà NĐT phải nộp giữa hai cách nộp thuế.

Qua thực tế áp dụng luật, NĐT đang “kêu” về chuyện đánh thuế trên thu nhập thì hợp lý, nhưng thủ tục không khả thi, trong khi thu trên giá trị giao dịch bán thì bộc lộ nhiều bất hợp lý, mà điển hình là đầu tư thua lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế. Bởi vậy, cần tính toán lại kỹ thuật đánh thuế, để khắc phục những bất hợp lý này.

Ông bình luận thế nào về bức xúc của nhiều NĐT về tình trạng “thuế chồng thuế”?

Ở một khía cạnh nào đó có thể hiểu cách thu 20% trên thu nhập và đồng thời thu thuế cổ tức là có biểu hiện của tình trạng “thuế chồng thuế”. Nhưng trên thực tế, để làm rõ khái niệm này và đạt được sự thống nhất của cả cơ quan quản lý, các chuyên gia, cũng như đối tượng chịu thuế là không đơn giản.

Bởi vậy, nên nhìn vấn đề này ở khía cạnh tổng các hình thức đánh thuế hiện tại đối với đầu tư chứng khoán là hơi nặng, trong khi TTCK vẫn đang ở trong giai đoạn cần khuyến khích phát triển để trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, minh bạch cho nền kinh tế, nên cơ quan quản lý cần xem xét điều chỉnh mức thuế sao cho hợp lý hơn.

Nghĩa là, với lĩnh vực đầu tư chứng khoán, lúc này nên “dưỡng” nguồn thu hơn là tìm cách tăng thu. Mục tiêu tăng nguồn thu cho ngân sách chỉ nên đặt ra khi TTCK phát triển đến một quy mô lớn hơn, bởi đó là thời điểm thích hợp để xem xét tăng thuế.

Nhiều NĐT giao dịch qua Internet, điện thoại, tin nhắn… nên chọn nộp theo thuế suất 20% trên thu nhập thì không thể xuất trình được chứng từ khi làm thủ tục quyết toán thuế. Để khắc phục tình trạng này, theo ông trong lần sửa đổi tới, Luật Thuế TNCN có cần quy định chi tiết việc công nhận các dữ liệu điện tử này tương tự như hoá đơn điện tử để làm thủ tục quyết toán thuế?

Đây là một gợi ý đáng để xem xét nhằm góp phần đơn giản hoá thủ tục quyết toán thuế và quan trọng nhất là đảm bảo tính khả thi của luật.

Bất kỳ một quy định pháp lý nào cũng vậy, chứ không riêng gì Luật Thuế TNCN, dù xây dựng tốt đến mấy, nhưng khi áp dụng phát sinh bất hợp lý là khó tránh khỏi.

Bởi vậy, điều quan trọng là cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu để đánh giá sự bất ổn nằm ở đâu, qua đó lấy ý kiến các bên liên quan nhằm đưa ra phương án sửa dễ áp dụng nhất, khả thi nhất.

Theo Hữu Hòe
ĐTCK

thanhhuong

Trở lên trên