MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SSI có sử dụng hiệu quả 2,000 tỷ đồng TPCĐ “hụt”?

SSI sẽ chịu tác động tiêu cực khác là nguồn vốn lưu động bị suy giảm.

Những nghi ngờ về việc SSI sử dụng không hiệu quả số tiền 2,000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) “hụt” là hoàn toàn có cơ sở.

Ngoài ra, SSI sẽ chịu tác động tiêu cực khác là nguồn vốn lưu động bị suy giảm. Có thể SSI buộc phải bán bớt một phần danh mục đầu tư. Với việc thị trường chứng khoán kém khởi sắc thì nhiều khả năng kết quả kinh doanh của SSI trong quý 1/2011 sẽ sụt giảm.

Diễn biến quanh thương vụ trái phiếu chuyển đổi của SSI

Ngày 26/03/2010, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HoSE: SSI) phát hành 2 triệu trái phiếu chuyển đổi SSICB2010 mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu với lãi suất 4%/năm và quyền thực hiện thuộc về trái chủ.

Đã có 12 nhà đầu tư ban đầu, trong đó phần lớn là nhà đầu tư tổ chức mua trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) của SSI, với số vốn rót vào là 2,000 tỷ đồng.

Điều kiện phát hành là giá chuyển đổi bằng 85% giá cổ phiếu SSI trên thị trường tại điểm phát hành, tương đương mức giá là 72,250 đồng/cổ phiếu.

Trước đó ngày 24/03/2010, cổ phiếu SSI chia tách với tỷ lệ 1:1 và cho đến nay chưa tiến hành chia cổ tức hay chia tách cổ phiếu lần nào khác, theo điều khoản chống pha loãng. Giá chuyển đổi tại ngày đáo hạn 26/03/2011 là 35,639 đồng/cổ phiếu – tức 35,639 đồng mệnh giá trái phiếu được đổi thành 1 cổ phiếu có mệnh giá 10,000 đồng.

Như vậy, với 2,000 tỷ đồng giá trị trái phiếu có thể được chuyển đổi thành 56,188,297 cổ phiếu.

Ngày 26/03/2011, SSI thông báo thông tin không có trái chủ nào đăng ký chuyển đổi như vậy đồng nghĩa với SSI sẽ phải hoàn trả cho trái chủ 2,080 tỷ đồng, vốn điều lệ của SSI vẫn giữ nguyên.

Ngày 28/03/2001, SSI thông báo đã hoàn tiền gốc và lãi đầy đủ (2,080 tỷ đồng) cho nhà đầu tư.

Vì sao trái chủ không chuyển đổi trái phiếu?

Thứ nhất: Giá cổ phiếu hiện tại của SSI thấp hơn 49% so với mức giá chuyển đổi. Như vậy, nếu thực hiện quyền chuyển đổi thì nhà đầu tư phải lỗ khi phải chịu cái giá để sở hữu cổ phiếu SSI cao hơn nhiều so với giá thị trường.

Nếu nhà đầu tư thực sự muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu SSI thì hoàn toàn có thể rút tiền từ trái phiếu và mua trên thị trường với mức thấp hơn đến 50% giá chuyển đổi.

Tuy nhiên, đối với những trái chủ muốn sở hữu tỷ lệ lớn cổ phiếu SSI thì có thể không đạt được mục đích vì rất khó để mua một lượng quá lớn trên thị trường chứng khoán.

Thứ hai: Với việc nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tín dụng cho thị trường chứng khoán bị co hẹp, khả năng thị trường chứng khoán tiếp tục đi xuống vẫn đang hiện diện. Do vậy, trái chủ của SSI cũng không cần vội vàng sở hữu cổ phiếu SSI với một mức giá cao hơn nhiều so với giá trị thị trường.

Thứ ba: Lãi suất ngân hàng hiện nay đã ở mức rất cao và trở thành một “kênh đầu tư” khá hấp dẫn đối với giới đầu tư. Do vậy, việc ưu tiên nắm giữ tiền mặt cũng là một quyết định không tồi đối với trái chủ.

SSI có sử dụng hiệu quả 2,000 tỷ đồng TPCĐ “hụt”?

Trái phiếu không được chuyển đổi đồng nghĩa với việc SSI phải chi trả 2,000 tỷ đồng và 80 tỷ đồng tiền lãi bằng tiền mặt cho nhà đầu tư.

Xét về lợi ích thì SSI đã được hưởng lợi từ việc sử dụng nguồn vốn 2,000 tỷ đồng với chi phí lãi vay chỉ có 4%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng.

Tuy nhiên, cần lưu ý là khoản tiền 2,000 tỷ đồng này có thực sự đem lại lợi nhuận cho SSI hay không phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả sử dụng số vốn đó.

Với bối cảnh thị trường chứng khoán trong năm 2010 rất khó khăn, nếu SSI dùng số tiền này đầu tư vào cổ phiếu thì khả năng bị thua lỗ là khá cao.

Theo báo cáo tài chính cuối năm 2010, SSI có nguồn tiền gửi ngân hàng khoảng 1,242 tỷ đồng và 1,726 tỷ đồng tương đương tiền, tức là SSI hoàn toàn có khả năng trả nợ cho trái chủ. Trên thực tế, ngày 28/03/2001, SSI thông báo đã hoàn tiền gốc và lãi đầy đủ cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, khoản đầu đầu tư ngắn hạn vào thời điểm 31/12/2010 của SSI cũng lên tới 2,547 tỷ đồng, tăng 1,225 tỷ đồng so với cuối năm 2009, trong đó khoản dự phòng đầu tư tài chính ngắn hạn là 228 tỷ đồng.

Có thể thấy những nghi ngờ về việc SSI sử dụng không hiệu quả số tiền 2,000 tỷ đồng TPCĐ “hụt” này là hoàn toàn có cơ sở.

SSI sẽ chịu tác động tiêu cực khác khi buộc phải trả tiền mặt cho trái chủ khiến nguồn vốn lưu động suy giảm.

Để bù đắp cho khoản thiếu hụt này và nhằm đảm bảo cho các hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường, có thể SSI buộc phải bán bớt một phần danh mục đầu tư. Với việc thị trường chứng khoán kém khởi sắc thì nhiều khả năng kết quả kinh doanh của SSI trong quý 1/2011 sẽ sụt giảm.

Mặt khác, trong bối cảnh lãi suất và lạm phát cao như hiện nay, SSI sẽ rất khó khăn trong việc vay hoặc huy động vốn để tài trợ cho các dự án/khoản đầu tư muốn thực hiện trong tương lai. Đó là chưa kể uy tín của SSI bị “sứt mẻ” phần nào sau thương vụ này.

Như vậy, về phía cổ đông SSI và bản thân công ty thì việc trái chủ quyết định không chuyển đổi sẽ có nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực.

Tuy nhiên, đây là một điều hoàn toàn có thể tiên liệu vì trong suốt 8 tháng qua giá thị trường của cổ phiếu SSI được giao dịch dưới giá chuyển đổi. Vào ngày chuyển đổi, giá thị trường chỉ bằng 65% so với giá chuyển đổi.

Về phía trái chủ, 12 tổ chức và cá nhân đã mua trái phiếu chuyển đổi của SSI bị thiệt hại bởi cho vay tiền với lãi suất thấp. Tuy nhiên, mức thiệt hại này vẫn còn nhỏ hơn nhiều so với mức nếu họ thực sự mua cổ phiếu SSI với giá kỳ vọng vào thời điểm mua trái phiếu.

Đối với giá cổ phiếu, thị trường có thể kỳ vọng lực đỡ cổ phiếu SSI sẽ xuất hiện trong thời gian tới khi cho rằng nhiều “trái chủ hụt” có thể tiếp tục muốn mua cổ phiếu SSI trên thị trường.

Theo Hoàng Uyên
Vietstock

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên