MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỗi ngày một Case study: AbitibiBowater phá sản như thế nào?

30-03-2011 - 12:45 PM |

Công ty đã liên tiếp mua lại đối thủ cạnh tranh nhưng không để ý tới môi trường kinh doanh đã hoàn toàn thay đổi.

Bắt đầu từ ngày hôm nay, CafeF giới thiệu với bạn đọc loạt bài Mỗi ngày một Case Study lấy chủ đề là những câu chuyện thành công và thất bại của doanh nghiệp vốn được sử dụng cho mục đích đào tạo tại các Trường Kinh doanh hàng đầu trên thế giới.

Hai người viết Case Study này là cựu học viên của Trường Quản lý Rotman (Darren Karn) và Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử kinh doanh Canada của trường Rotman (Joseph Martin).

Tình huống:

AbitibiBowater là nhà sản xuất giấy in báo lớn nhất thế giới. Công ty được thành lập năm 2007 sau khi Abitibi sáp nhập với Bowater.

Frank Harris Anson thành lập Abitibi năm 1912. Ông và những người kế nghiệp mình đã xây dựng công ty dựa trên một chuỗi các vụ mua lại và sáp nhập (M&A).

Câu hỏi đặt ra là liệu mô hình tăng trưởng dựa trên M&A đó có thể tiếp tục thành công được như thế hay không.

Thách thức:

Công ty chịu ngày càng nhiều sức ép của các đối thủ cạnh tranh quốc tế, đặc biệt là các nhà xuất khẩu giấy in báo giá rẻ từ Châu Á và Châu Mỹ Latin.

Trước đây, khi lợi nhuận và thị phần suy giảm, giải pháp của Abitibi là mua lại đối thủ cạnh tranh lớn nhất.

Năm 1979, khi đối mặt với việc các nhà máy của mình đang cũ dần mà chi phí xây mới lại cao, Abitibi mua lại Price, công ty có các nhà máy hiện đại hơn.

Năm 1997, Abitibi lại gặp phải vấn đề tương tự nhưng hiện giờ giá giấy in báo đang giảm trung bình 1,1% mỗi năm. Abitibi lại một lần nữa mua lại đối thủ của mình, Stone Consolidated, với hy vọng hợp lý hóa sản xuất sẽ giúp cả hai công ty lại làm ăn có lãi.

Abitibi tiếp tục sử dụng chiến lược ấy vào năm 2000 khi họ mua Donohue, một nhà sản xuất giấy in báo rất hiệu quả và đang làm ăn có lãi.

Đối thủ mới: 

Sau mỗi thương vụ trên, Abitibi lại duy trì được vị thế dẫn đầu của mình.

Không may cho Abitibi là cạnh tranh nay xảy ra trên tầm quốc tế nên nếu chỉ quan tâm tới thị trường Bắc Mỹ, mục tiêu của các vụ thôn tính trước, là chưa đủ để đảm bảo làm ăn có lời.

Bất chấp điều đó, công ty không muốn mở rộng và dành lấy vị thế thống trị ở các thị trường mới nổi trong lĩnh vực sản xuất bột giấy và giấy ăn.

Thay vào đó, năm 2007, họ lại muốn sáp nhập với một công ty nội địa, lần này là Bowater. Sự liên minh trên cho ra đời nhà sản xuất giấy in báo lớn nhất thế giới, kiểm soát khoảng 50% sản lượng giấy in ở Bắc Mỹ.

Các nhà phân tích dự báo rằng khi năng lực sản xuất tập trung quá nhiều vào trong tay một nhà sản xuất lớn, AbitibiBowater sẽ có thể kéo lợi thế khi mặc cả giá từ nhà xuất bản về nhà sản xuất giấy, đẩy giá lên cho toàn ngành và lại làm ăn có lãi.

Điều gì đã xảy ra: 

Chi phí sản xuất và đòn bẩy nợ tiếp tục ở mức cao, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu đã thay đổi cơ bản diện mạo thị trường.

Những áp lực liên tiếp ấy buộc AbitibiBowater nộp đơn phá sản năm 2009. May nhờ sự bảo vệ của các chủ nợ, họ mới gượng dậy nổi.

Bài học: 

Bất chấp việc cắt giảm công suất giấy in và giấy thương mại xuống một phần ba và giảm mạnh chi phí cố định thường niên, vẫn còn đó một thách thức đáng gờm.

Nỗ lực thắt chặt nguồn cung giấy in không thành vì sản phẩm có thể được nhập khẩu từ nơi khác (đặc biệt là Trung Quốc) cũng như nhu cầu giấy in báo ở Bắc Mỹ tiếp tục giảm sút do các sản phẩm in truyền thống nay được đưa lên mạng.

Vấn đề là khi điều kiện thị trường thay đổi, AbitibiBowater không điều chỉnh lại mô hình kinh doanh của mình.

Sách vở viết về chiến lược doanh nghiệp đầy rẫy những lời cảnh báo về việc chỉ phát triển công ty thông qua M&A. Không mấy bất ngờ khi những cuộc thôn tính của Abitibi không mang lại giá trị bền vững cho cổ đông.

Các thông tin gần đây về AbitibiBowater cho thấy họ đang dần chuyển từ sản xuất giấy in sang các loại giấy cao cấp hơn, mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm phụ thuộc vào bất kỳ một loại sản phẩm nào.

Khi đã gượng dậy được dưới sự bảo hộ của các chủ nợ, công ty nay lưu ý rằng chiến lược của mình nay phụ thuộc vào việc thích ứng và nhanh chóng điều chỉnh theo thay đổi thị trường.

Điều này cho thấy ban quản trị đã hiểu được những sai lầm trước đây của mình và rằng tăng trưởng thông qua thôn tính đối thủ không còn là chiến lược mặc định của họ nữa.
 
Minh Tuấn
Theo Economist

duchai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên