Hai đề xuất quản trị rủi ro thanh khoản của các NHTM
Thứ nhất không cho rút trước hạn các khoản tiền gửi có kỳ hạn; thứ hai xác định mức lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu phải cao so với mức lãi suất TPCP cùng thời điểm.
Vấn đề cấp thiết hiện nay đặt ra đối với toàn ngành ngân hàng là cần tiếp tục giảm tiếp lãi suất cho vay hiện đang còn ở mức cao khi so sánh với tỷ suất sinh lời của các doanh nghiệp.
Nâng cao trình độ quản trị thanh khoản ở từng NHTM và có những cơ chế, chính sách cần thiết để đảm bảo và hỗ trợ thanh khoản của các NHTM sẽ là một yếu tố cần thiết để xác lập mức lãi suất hợp lý.
Khả năng thanh khoản của các NHTM tốt hoặc chưa tốt có vai trò quan trọng của cơ chế, chính sách, tác giả đề xuất hai vấn đề:
Thứ nhất, đề xuất tiền không được rút trước hạn khoản tiền gửi có kỳ hạn, trừ trường hợp đặc biệt khi khách hàng có thoả thuận trước với ngân hàng. Lãi suất áp dụng khi rút trước hạn không được vượt quá lãi suất không kỳ hạn/ mức lãi suất trần đã được quy định chung. Điều này nhằm hạn chế việc tạo thói quen, tạo động lực kinh tế cho khách hàng trong việc phá bỏ hợp đồng tiền gửi hoặc thói quen rút tiền gửi trước hạn.
Kỷ luật trên thị trường hiện nay còn lỏng lẻo, còn cho phép những sản phẩm trái với thông lệ quốc tế về hoạt động ngân hàng dễ tạo ra sự không ổn định của nguồn vốn tiền gửi, thậm chí là những “đột biến” rút tiền gửi mỗi khi thị trường có biến động/hoặc khi tâm lý người gửi tiền bị tác động bởi các thông tin sai lệch.
Đó là các dạng sản phẩm: tiền gửi có kỳ hạn “được rút gốc linh hoạt” và khi rút gốc trước hạn “được hưởng lãi suất theo thời gian thực gửi”; “tiết kiệm lãi suất thả nổi” với đặc tính “cho phép khách hàng được rút trước hạn mà vẫn được hưởng lãi suất thực nhận rất hấp dẫn”.
Nguồn vốn huy động của một NHTM hay của cả hệ thống cần phải có tính ổn định mới nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn, tránh tình trạng dòng vốn chạy lòng vòng giữa các ngân hàng, tránh tình trạng do nguồn vốn không ổn định khiến NHTM phải dự trữ thanh khoản cao nên giá vốn bị đội lên quá cao so với mức lãi suất huy động, đồng thời tránh được những cuộc đua lãi suất để huy động vốn giữa các ngân hàng.
Thứ hai, xây dựng cơ chế tái cấp vốn, tái chiết khấu hợp lý hơn để hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM, trong đó chú trọng đồng thời các vấn đề sau:
Mức lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu phải cao (có biên độ, ví dụ ± 1%/ năm tùy theo từng giai đoạn khác nhau của CSTT là thắt chặt hay nới lỏng) so với mức lãi suất trái phiếu Chính phủ cùng thời điểm/ mặt bằng huy động lãi suất thị trường chung của ngành.
(i) Khi NHNN ấn định mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái cấp vốn ở mức nhất định và có thể cung ứng vốn đâỳ đủ cho nhu cầu vốn của các NHTM ở mức lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu đó thì NHNN sẽ chủ động xác lập được mặt bằng chung về mức lãi suất của các NHTM trên thị trường. Như vậy, sử dụng đồng bộ nhiều công cụ khác nhau nhưng cần sử dụng công cụ lãi suất là công cụ chủ đạo trong việc điều hành CSTT.
(ii) Khối lượng vốn tái cấp vốn/ tái chiết khấu: Đảm bảo “bơm tiền” đáp ứng nhanh và đủ nhu cầu hợp lý của các NHTM.
(iii) Giám sát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tổng tài sản của từng NHTM. Tránh tính trạng dòng vốn được tái cấp vốn/ tái chiết khấu không đi vào sản xuất kinh doanh/ tăng trưởng tín dụng nóng/ chạy vào đầu cơ bất động sản, chứng khoán.
Quản trị rủi ro thanh khoản của mỗi NHTM Để đảm bảo khả năng chi trả mọi thời điểm, NHTM phải giám sát hàng ngày ngân quỹ/ dự trữ thanh khoản của mình. Dự trữ thanh khoản bao gồm cả dự trữ bằng tiền (tiền mặt tại quỹ, tiền gửi NHNN, tiền gửi các tổ chức tín dụng khác) và dự trữ thứ cấp (giấy tờ có giá có đủ điều kiện để tái cấp vốn/ tái chiết khấu; hạn mức tín dụng được cấp bởi tổ chức tài chính khác…). Ở khía cạnh này, một số ít NHTM đã không chú trọng/ không nắm giữ đủ một khối lượng những giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN... do vậy TCTD rất bị động khi có biến động hơi bất thường về cung/ về cầu thanh khoản trong hoạt động; khi không thể vay nhanh chóng nguồn tín dụng tái cấp vốn, tái chiết khấu từ NHNN. Mức độ dự trữ ngân quỹ/ dự trữ thanh toán cần thiết của mỗi NHTM là rất khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố như uy tín của NHTM trên thị trường, bao gồm cả thị trường liên ngân hàng và thị trường với tổ chức kinh tế, dân cư; chính sách tái chiết khấu, tái cấp vốn của NHNN; chất lượng tín dụng…v..v.. Trong thực tiễn, một số NHTM không lượng định tốt hoặc không thể định lượng được mức độ dự trữ ngân quỹ/ dự trữ thanh toán cần thiết của mình; cơ cấu dư nợ tín dụng trên tổng tài sản có hoặc trên tổng nguồn vốn huy động tiền gửi ở ngưỡng cao. Tình huống sau có thể xảy ra: Những chỉ số tài chính giám
sát thanh khoản của một NHTM riêng lẻ chỉ ở ngưỡng bình quân chung của ngành
hoặc hơi thấp hơn, nhưng cũng đã là rất cao so với bản thân NHTM đó vì (i)
nguồn tiền gửi của NHTM không ổn định; Thời
gian qua, một số NHTM phải tăng vốn điều lệ theo lộ trình, Ban lãnh đạo NHTM
chạy theo mục tiêu lợi nhuận/hoặc để đảm bảo mức chi trả cổ tức cho cổ đông,
trong khi nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào thu lãi cho vay..v..v thường rơi vào
tình huống nêu trên. Thông thường, với mục tiêu phát triển bền vững, khi hạ
tầng cơ sở kinh doanh và khả năng cung ứng dịch vụ chưa tốt khi tăng vốn điều
lệ thì Ban lãnh đạo cũng như cổ đông của NHTM phải biết chấp nhận mức tỷ suất
sinh lợi/ mức chi trả cổ tức khiêm tốn, nếu không cái giá phải trả sẽ là rất
đắt, thậm chí là khả năng phá sản. Tiền lãi trả do phải vay nóng trên thị trường và rủi ro tín dụng sẽ triệt tiêu hết thu lãi cho vay, các khoản thu nhập khác có được. |
SBV