MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán lỗ: Lỗi tại …cơ hội!

Trường hợp KLS, tại sao cứ bắt họ tuyên bố phá sản, giải thể, công khai sự thất bại của mình rồi mới được lập một công ty kinh doanh mới?

Cổ phiếu của Công ty chứng khoán Sao Việt (SVS – HNX) thuộc loại rẻ nhất trên sàn hiện nay, khoảng 6.000 đồng/cổ phiếu, nhưng cũng chẳng có mấy nhà đầu để ý vì SVS đã lỗ 21,3 tỉ đồng năm ngoái. Tình trạng thua lỗ của các công ty chứng khoán trở nên phổ biến, đến nỗi đôi khi người ta ngạc nhiên nếu có một công ty nào đó thông báo họ có lợi nhuận vài chục tỉ đồng. Trong tốp 10 công ty thâm niên, chiếm phân nửa doanh thu môi giới toàn thị trường, còn có công ty lỗ nữa là…

Cái “chết” từ từ

Thua lỗ và lỗ kéo dài là dấu hiệu đầu tiên của cái “chết” đang đến gần với một số công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán miền Nam vốn điều lệ 40 tỉ đồng, lỗ từ năm 2008 đến nay tổng cộng gần 22 tỉ đồng, tính ra vốn còn 18 tỉ đồng. Nếu năm nay lỗ tiếp, có thể công ty hết cả vốn. Tương tự Công ty chứng khoán Nam An, Công ty chứng khoán Thành Công cũng đã lỗ 3 năm liền. Bây giờ nếu được “bơm” thêm vốn, các đơn vị này cũng khó tìm ra cách tồn tại, chưa nói đến phát triển.

Lối thoát duy nhất và khả thi của họ là thị trường chứng khoán “ấm” lên, bộ phận tự doanh của họ có thể hoạt động, môi giới, tư vấn có thể có khách hàng. Còn hiện tại họ vẫn phải tiêu tốn cho chi phí thuê mướn trụ sở, nhân viên, máy móc và không có doanh thu.

Một số công ty tự rao chuyển nhượng. Người bán có, người mua có, thế mà chẳng có mấy vụ chuyển nhượng thành công. Người bán nói “tôi đã phải chi những khoản không thể hạch toán để có giấy phép thành lập và hoạt động. Tính ra giá cổ phiếu cao hơn mệnh giá nhiều. Nay bán bằng mệnh giá đã thiệt hại”.

Người mua đối đáp: “Anh mất gần hết vốn, tài sản hữu hình không có, tài sản vô hình hao hụt, làm sao tôi dám trả giá bằng mệnh giá?”. Ông không chịu thò chân giò, bà không chịu thò chai rượu, những cuộc ngã giá không đi đến đâu.

Đi cũng dở, ở không xong

Trào lưu thành lập công ty chứng khoán bắt đầu từ 5 năm trước trước thềm Việt Nam gia nhập WTO. Những người bỏ vốn vào lĩnh vực này tính toán sự mở cửa hội nhập sẽ kéo theo làn sóng đầu tư gián tiếp nước ngoài và từ đó có thể bán công ty chứng khoán cho nước ngoài, lãi một cục tiền.

Một số nhà đầu tư nước ngoài cùng chung lối nghĩ thế với kỳ vọng dịch vụ chứng khoán Việt Nam thăng hoa. Trong một thị trường tài chính sơ khai, dịch vụ tài chính chắc chắn là một lĩnh vực có tiềm năng. Bởi thế thị trường nghe thấy một vài tên tuổi quốc tế góp vốn vào một số công ty chứng khoán nội địa.

Tuy nhiên, cuộc chơi đã tàn lụi nhanh như khi nó đến. Lỗi tại …cơ hội. Cơ hội chứng khoán tưởng nhiều quá và người ta đã choáng ngợp vì nó. Thực tế không dành chỗ cho chữ “tưởng” bởi thực tế trần trụi hơn.

Bốn năm qua VN-Index dao động trong biên độ hẹp dưới 600 điểm. Số nhà đầu tư chứng khoán tăng chậm, hàng hóa chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chiếc bánh dịch vụ chứng khoán vẫn nhỏ như ngày khởi đầu…thử hỏi làm sao công ty chứng khoán “sống”? Bây giờ đi cũng dở, ở không xong.

Sự kiện Công ty chứng khoán Kim Long (KLS-Hnx) dự kiến chuyển đổi chức năng kinh doanh, rồi lại thông báo trở lại “lốt cũ”, là tiếng chuông cảnh báo thứ hai đối với các công ty chứng khoán. Đã trót mang nghiệp chứng khoán, họ chỉ còn nước tuyên bố giải thể, phá sản, sáp nhập… thì mới có thể thoát khỏi “vòng kim cô” chứng khoán bởi không có qui định nào cho phép họ chuyển đổi chức năng. Vả lại còn đó miệng lưỡi thế gian, kiểu “chứng khoán là ngành nghề thời thượng, giờ cũng rút ra sao?”.

Dù muốn hay không, sự rút lui bằng cách chuyển đổi chức năng kinh doanh như Kim Long sẽ ảnh hưởng tới uy tín của ngành chứng khoán. Điều này cơ quan quản lý không muốn chút nào.

Vậy giải quyết cách nào đây cho sự tồn tại của hơn trăm công ty chứng khoán? Với qui mô nhỏ và thanh khoản giao dịch không bằng số lẻ của thị trường các nước xung quanh, Việt Nam chỉ cần 20 – 30 công ty chứng khoán là đủ cung cấp dịch vụ cho cả triệu tài khoản đã mở. Ngay cả con số triệu tài khoản đó cũng đáng nghi ngại vì hiện tại chỉ có 30-50% hoạt động. 70-80 công ty chứng khoán còn lại với số tiền đầu tư hàng ngàn tỉ đồng không lẽ cứ ngồi chờ “chết”? Đó là sự lãng phí vốn liếng mà xã hội và nền kinh tế không thể chấp nhận.

Vì sao Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và cao hơn là Bộ Tài chính không thể đưa ra một lối thoát cho các công ty chứng khoán có nhu cầu chuyển đổi chức năng như Kim Long? Thay bằng kinh doanh chứng khoán, họ có thể chuyển sang ngành nghề sản xuất, thương mại nào đó nếu có nhu cầu. Vì sao cứ phải bắt buộc họ tuyên bố phá sản, giải thể, công khai sự thất bại của chính mình, rồi còn đồng nào mới gom góp lập một công ty kinh doanh mới? Chính sách bắt nguồn từ cuộc sống và gắn bó với cuộc sống, song có lẽ không có lĩnh vực nào việc soạn thảo và ban hành chính sách có độ chậm trễ dai dẳng như chứng khoán.

Có một thông tin đáng suy ngẫm mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc. Công ty chứng khoán lớn nhất và có uy tín là SSI có khả năng thua lỗ lần đầu tiên trong lịch sử của mình vào quí 1-2011 – ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch hội đồng quản trị SSI trao đổi với TBKTSG gần đây.

Ông nói SSI vẫn dẫn đầu về doanh thu môi giới, nhưng công ty phải trích lập dự phòng giảm giá cổ phiếu cho những khoản đầu tư. Thực ra vào năm 2000, SSI cũng có một quí không có lợi nhuận, nhưng đấy là thời điểm công ty mới ra đời, sàn Hose chưa khai trương và SSI phải chi phí cho việc mở văn phòng, tuyển dụng đào tạo nhân viên, trang bị máy móc ngày đầu đi vào hoạt động. Suốt 11 năm qua, ngay cả những ngày “đen tối” nhất của chứng khoán như năm 2003 hoặc 2008, đầu 2009, SSI vẫn có lời. Vậy mà nay SSI lỗ! Đó chẳng phải là dấu hiệu báo động, đòi hỏi phải có những cải cách trong chính sách, điều hành và quản lý ngành chứng khoán hay sao?

Theo Hải Lý

TBKTSG

phuongmai

Trở lên trên