MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đội lái sợ "sóng thần"

Sau những gì mà các market makers đã "làm xiếc" trong nhiều tháng qua, không ai trong số các NĐT nhỏ lẻ có thể đoán được thị trường sẽ được "đánh lên" hay "đánh xuống".

Các nhóm đầu cơ, đội lái cũng vì thế mà phải chịu thúc thủ vì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ "sóng thần".

Nếu ai đó phải nêu lên nhận định rằng trong thị trường chứng khoán hiện nay, hoạt động phân tích kỹ thuật đã bị vô hiệu hóa, thì nhận định này quả là chua xót đối với những nhà phân tích đã quen dùng phân tích kỹ thuật như một cơ sở luận cho mình trong nhiều năm qua.

Thứ nữa, cũng chẳng vui gì cho những nhà đầu tư thường lấy trường phái phân tích kỹ thuật như một kim chỉ nam trong bối cảnh thị trường không biết "đi đâu, về đâu".

Tháng 9/2010 có lẽ là một thời điểm đáng nhớ đối với hoạt động phân tích kỹ thuật. Một số cổ phiếu có mức vốn hóa lớn (large-cap) "bỗng nhiên" có sự thay đổi đáng kể trong hành vi vận động của chúng.

BVH, MSN, VIC là 3 large-cap như thế, vốn trước đó không được chú tâm nhiều, nhưng trong giai đoạn này lại được nâng đỡ một cách có chủ ý. Kết quả là, mặc dù thanh khoản thấp nhưng những cổ phiếu này lại tác động đến chỉ số VN-Index khá lớn.

Đây là giai đoạn diễn ra hai sự lệch pha cơ bản: lệch pha giữa đồ thị vận động gần như đi ngang của sàn HOSE với đồ thị chúc xuống của sàn HASTC; và lệch pha giữa độ dao động khá ổn định của một số bluchip với tình trạng lao dốc của đa số cổ phiếu còn lại trên cả hai sàn. Sau một chu kỳ vận động đúng 3 tháng (từ tháng 8-11/2010), chỉ số sàn HOSE hầu như không giảm nhiều (vẫn giữ được mốc 425 điểm), nhưng HASTC thì lao dốc đến gần 30%.

Một cách tương tự, mặt bằng giá cổ phiếu, đặc biệt là các mid-cap (vốn hóa trung bình), small-cap (vốn hóa nhỏ) và micro-cap (vốn hóa siêu nhỏ) giảm thê thảm.

Đây cũng là giai đoạn mà cụm từ "xanh vỏ đỏ lòng" bắt đầu xuất hiện; chính hiện tượng này đã bắt đầu làm nhiễu đáng kể các phân tích kỹ thuật.

Nhưng phải từ đầu tháng 1/2011, hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" mới dồn dập và trở thành một chiến thuật chính mà những người tạo lập thị trường sử dụng để nâng thị trường lên hoặc dìm thị trường xuống.

Không chỉ BVH, MSN, VIC mà cả DPM, VCB, PVF cũng được huy động vào cuộc. Những cổ phiếu này thay nhau "hành xác" nhà đầu tư, tạo nên những phiên tăng điểm ngoạn mục về chỉ số nhưng đa số cổ phiếu trên hai sàn lại chỉ tăng nhẹ, đi ngang hoặc giảm.

Được ưu ái đặc biệt, chỉ số sàn HOSE tăng vùn vụt, bất chấp các ngưỡng kháng cự mà phân tích kỹ thuật đưa ra trước đó. Trong khi đó, cũng như số phận của đại đa số cổ phiếu, sàn HASTC chỉ tăng nhẹ rồi đi ngang mà không có một tín hiệu nào lạc quan. Rồi sau một đợt "tăng mạnh", chỉ số sàn HOSE lại mau chóng chìm xuống, kéo theo tình trạng bán tháo tại sàn HASTC. Trong quá trình lao xuống, HOSE cũng bất chấp các ngưỡng hỗ trợ mà phân tích kỹ thuật đã dựa vào để động viên nhà đầu tư...

Cho tới nay, sau một quá trình khá lâu diễn ra hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng", thật khó ai có thể biết là HOSE đang chính xác là bao nhiêu điểm. Chỉ có điều, đa số chuyên gia chứng khoán và nhiều nhà đầu tư đều cùng suy nghĩ rằng cho dù chỉ số sàn HOSE có nằm trong vùng 450-500 điểm thì thực chất mặt bằng giá cổ phiếu của sàn này chỉ ở khoảng 340-350 điểm, nếu không muốn nói là còn có thể thấp hơn.

Giờ đây, tất cả các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự từ vùng 425-500 điểm, hoặc các chỉ số MACD, RSI, Money Flow Index, hình thể dải Bollinger dường như đều không còn mấy ý nghĩa trước một thực trạng phũ phàng về độ chênh biệt quá lớn giữa chỉ số và mặt bằng giá cổ phiếu.

Trên các diễn đàn cũng nổi lên quá nhiều ý kiến của các nhà đầu tư, mà qua đó có thể nhận thấy yếu tố phân tích kỹ thuật ngày càng ít được bàn đến, và vô hình trung nhận định hay những lời cảnh báo của các công ty chứng khoán lại chỉ có ý nghĩa khi được làm... ngược lại.

Cũng sau quá trình các large-cap được sử dụng để tung hoành, làm biến dạng thị trường và méo mó hoàn toàn chỉ số, câu hỏi cần được đặt ra là: ai đã thực hiện chiến thuật "xanh vỏ đỏ lòng" và nhằm ý đồ gì? Chỉ có thể nhìn thấy một hệ quả đã khá rõ: hoạt động phân tích kỹ thuật trên sàn HOSE đã gần như bị "vô hiệu hóa". Hoạt động này nếu còn có đôi chút ý nghĩa thì chỉ được thể hiện trên sàn HASTC mà thôi.

Như vậy, một trong những mục tiêu của quá trình "xanh vỏ đỏ lòng" là làm cho hệ thống phân tích kỹ thuật trở nên từ ít tác dụng đến vô dụng, từ đó làm cho nhà đầu tư, đặc biệt là khối nhà đầu tư nhỏ lẻ, hầu như không quan tâm đến phân tích kỹ thuật nữa.

Mà một khi phân tích kỹ thuật đã không còn được quan tâm thì tâm lý nhà đầu tư về ngưỡng hỗ trợ này, ngưỡng kháng cự kia sẽ không còn tồn tại một cách rõ rệt, từ đó việc một "bàn tay vô hình" nào đó có thể điều khiển thị trường lên hay xuống sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Với tình trạng mất cân xứng lớn giữa chỉ số và mặt bằng giá cổ phiếu như hiện nay, có lẽ còn phải rất lâu nữa thị tường mới tái lập trở lại độ đồng pha (hoặc cũng có thể là chẳng bao giờ).

Giờ đây, đa số nhà đầu tư chỉ còn biết nhìn vào sàn HASTC mà "canh", chẳng hạn theo lẽ thông thường và đơn giản nhất là nếu đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước tức thị trường nằm trong xu hướng tăng..., và ngược lại.

Thế nhưng với tất cả những gì mà nhà tạo lập thị trường đã "làm xiếc" trong nhiều tháng trời qua, không ai trong số các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể đoán chắc được là thị trường sẽ được "đánh lên" hay "đánh xuống". Các nhóm đầu cơ, đội lái cũng vì thế mà phải chịu thúc thủ vì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ "sóng thần".

Đã có một thời hoạt động phân tích kỹ thuật tỏ ra hữu dụng. Đó là giai đoạn tăng gấp đôi của thị trường từ cuối năm 2006 đến đầu năm 2007. Cũng trong năm 2007, phân tích kỹ thuật vẫn có thể hiệu quả nếu nhà đầu tư biết sử dụng đúng lúc. Còn trong giai đoạn cuối 2007 đến đầu 2009 (giai đoạn khủng hoảng kinh tế), có lẽ nhà đầu tư cần có cái nhìn cảm thông với phân tích kỹ thuật bởi đây là giai đoạn chứa đựng quá nhiều rủi ro và những diễn biến bất khả kháng. Nhưng ít ra vào giai đoạn đó từ "large-cap" chưa được sử dụng một cách phổ biến.

Còn hiện nay, thử hỏi còn mấy nhà đầu tư bỏ tiền và thời gian để đi học những lớp chuyên về phân tích kỹ thuật nữa?

Theo VEF

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên