MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tháng 5: Dự trữ bắt buộc ngoại tệ sẽ tăng thêm 2%

08-04-2011 - 20:55 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngoài ra, lãi suất tiền gửi ngoại tệ sẽ bị áp trần 3%. Quan điểm này được NHNN thống nhất chiều nay, thông tin chính thức có thể được công bố ngày mai.

Khách hàng sẽ không được hưởng lãi suất tiền gửi ngoại tệ quá 3%, đồng thời tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ sẽ tăng thêm 2%. Quan điểm này được Ngân hàng Nhà nước thống nhất chiều nay, thông tin chính thức có thể công bố ngày mai.

Theo đó, từ đầu tháng 5, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ (áp dụng cho tất cả ngân hàng) từ 4% sẽ tăng lên 6% trên tổng số dư tiền gửi. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng ngoại tệ từ 12 tháng trở lên là 4% (mức cũ 2%), một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho VnExpress.net biết.

Ngoài ra, cũng theo nguồn tin này, lãi suất huy động USD cá nhân sẽ bị khống chế dưới 3% một năm, còn tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức vẫn ở mức 1%. Quy định này sẽ được áp dụng ngay sau đợt nghỉ lễ Quốc tổ.

Động thái tăng dự trữ bắt buộc và khống chế lãi suất tiền gửi USD của ngân hàng Nhà nước xuất phát trong bối cảnh từ đầu năm nay, lãi suất tiền đồng luôn ở mức cao lên đến trên 20% một năm khiến nhiều doanh nghiệp đã quay sang vay USD. Chính điều này góp phần đẩy tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ quý một tăng cao tới 12,06%, trong khi tín dụng tiền đồng chỉ tăng 1,43%.

Phó tổng giám đốc một nhà băng có trụ sở tại TP HCM chia sẻ, việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ và khống chế lãi suất tiền gửi USD sẽ khiến ngân hàng ông phải tính toán, cân nhắc lại bài toàn huy động và cho vay ngoại tệ trong thời gian tới. Bởi tăng dự trữ bắt buộc sẽ làm tăng chi phí vốn.

Nhưng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước khống chế tăng trưởng tín dụng, trong đó có tín dụng ngoại tệ, ở mức dưới 20% trong năm 2011, việc tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ theo ông là phù hợp vì nó sẽ làm giảm áp lực tỷ giá, lạm phát.

Một chuyên gia kinh tế thuộc thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ nhận định, một khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng cùng với lãi suất tiền gửi USD bị khống chế ở mức thấp, nhà băng buộc phải giảm huy động. Khi đó, sự hấp dẫn của ngoại tệ không còn; thị trường vàng, bất động sản và chứng khoán lại khá ảm đạm, trong khi khoảng cách gần 10% giữa lãi suất huy động tiền đồng và USD sẽ khiến người dân chuyển đổi USD sang đồng để gửi tiết kiệm.

Trên thực tế, ngay từ cuối tháng 3, các ngân hàng đã bắt đầu mạnh tay giảm lãi suất huy động USD. Thay vì 6,3-6,5% một năm trước đó, hiện xuống còn quanh 5%, thậm chí Sacombank mới đây mạnh tay điều chỉnh mức cao nhất chỉ còn 4,88% với khoản tiền trên 300.000 USD kỳ hạn 2-3 tháng.

Theo Lệ Chi
VnExpress

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên