MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán thế giới điều chỉnh, VN có thoát vòng xoáy?

Nếu chứng khoán thế giới thực sự bước vào giai đoạn điều chỉnh, liệu chứng khoán Việt Nam có tránh thoát được ảnh hưởng tiêu cực đó không?

Câu trả lời có lẽ không còn nằm trong tay các cơ quan quản lý nhà nước hay "quyết tâm không bán" của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Những dấu hiệu diều chỉnh đầu tiên

Trong phiên giao dịch ngày 18/4/2011 của thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ, chỉ số Dow Jones đã bất ngờ có một cú sụt giảm khá mạnh đến 140 điểm (1,14%), các chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq Composite cũng mất hơn 1%. Tuy vậy, đây vẫn còn là kết quả không đến nỗi tệ bởi có thời điểm trong phiên giao dịch, Dow Jones mất đến hơn 2%, còn S&P 500 rớt xuống dưới ngưỡng 1.300 điểm.

Phiên giảm điểm trên có thể không mang màu sắc giảm điều chỉnh trong quá trình tăng trưởng, bởi tâm lý nhà đầu tư Mỹ đã bị chấn động bởi việc tổ chức Standard & Poor's thông báo hạ triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực và cho biết, 33% khả năng tổ chức này sẽ hạ bậc tín nhiệm của Mỹ trong vòng hai năm tới nếu Washington không thể cắt giảm nợ công. Dù S&P giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Mỹ ở mức AAA nhưng lại bày tỏ hoài nghi về việc Washington có thể nhanh chóng cắt giảm khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư Mỹ cũng lo sợ vấn đề nợ công và các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thể tác động xấu đến đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Với Hy Lạp, quốc gia này sẽ phải đàm phán lại các điều khoản về nợ công dù các quan chức nước này phủ nhận nguy cơ tái cấu trúc nợ. Quả thực, chỉ số đo lường trạng thái biến động Wall Street VIX đã đóng cửa với mức tăng 10,7% lên 17 điểm sau khi tăng vọt tới 24,5% vào đầu phiên, mức gia tăng mạnh nhất kể từ ngày 22/3/2011, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư Mỹ vào TTCK nước này đang bị dao động rất mạnh.

Thông thường, trong một phiên giảm mạnh như trên, nếu khối lượng giao dịch tăng lên đáng kể thì đà tăng trường của chứng khoán Mỹ vẫn có hy vọng được duy trì. Tuy nhiên trong phiên giao dịch 18/4/2011, chỉ có khoảng 7,7 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn mức trung bình hàng ngày năm 2010 là 8,47 tỷ cổ phiếu - một dấu hiệu cho thấy nhiều nhà đầu tư đang trở nên thận trọng đối với việc mua vào cổ phiếu.

Trong khi đó, TTCK châu Âu cũng không khả quan hơn. Chỉ số FTSE 100 của Anh sụt 2,10%, chỉ số DAX của Đức mất 2,11%, còn chỉ số CAC 40 của Pháp giảm đến 2,35%. Cũng cần lưu ý là trước đó, ngày 17/4/2011, sau khi Hội nghị mùa xuân giữa Ngân hàng thế giới và Qũy tiền tệ quốc tế kết thúc, ông Robert Zoellick, chủ tịch WB, đã cảnh báo về khả năng "kinh tế toàn cầu ngấp nghé bờ khủng hoảng" bởi giá năng lượng, lương thực tăng cao, tình trạng thất nghiệp gia tăng, diễn biến khó lường của các cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu và những bất ổn địa chính trị tại Trung Đông, Bắc Phi.

Lịch sử có lặp lại?

Vấn đề cần đặt ra là: với những lo ngại về khả năng tái suy thoái của kinh tế thế giới và nguy cơ nợ công của một số nước châu Âu, phiên giảm điểm ngày 18/4/2011 có thể báo trước điều gì?

Cần nhắc lại, vào tháng 4/2010, những dấu hiệu trên cũng bắt đầu xuất hiện trong tâm lý nhà đầu tư ở các TTCK Mỹ và châu Âu. Khi đó bóng ma nợ công mới chỉ hiện ra ở Hy Lạp. Tuy nhiên trong khi TTCK Hy Lạp đã rơi vào một thời kỳ lao dốc miệt mài, các TTCK Mỹ và châu Âu vẫn còn tiếp nối một chu kỳ tăng trưởng khá tốt. Song đến đầu tháng 5/2010, khi làn sóng nợ công lan dần từ Hy Lạp sang một vài nước khác như Hungary, Bồ Đào Nha, chứng khoán thế giới lập tức lao dốc. Chỉ trong hơn một tháng, Dow Jones mất gần 13%, trong đó có một phiên giao dịch "đen tối" với biên độ giảm điểm có lúc âm đến gần 9%.

Cũng vào đầu tháng 5/2010, sau đúng một tháng nhiều cổ phiếu nhỏ trên sàn Hà Nội được "làm giá" và tăng gấp 2-3 lần, TTCK Việt Nam đã "đồng pha" với Dow Jones, thực hiện cú đổ đèo trị giá 12% đối với chỉ số VN-Index và đến 18% đối với chỉ số HNX. Điểm nhấn ấn tượng nhất là cú sụt này mở đầu cho một thời kỳ chứng khoán VN suy giảm liên tục.

Như vậy, giữa thời điểm đầu tháng 5/2010 với thời điểm giữa tháng 4/2011 có mối tương đồng khá mật thiết. Trên bình diện TTCK thế giới, đó là sự ám ảnh của nợ công và nguy cơ tái suy thoái kinh tế; tại TTCK Việt Nam, phiên ngày 18/4 cũng có dấu hiệu là phiên "bước ngoặt" chuyển từ trạng thái giảm giằng co sang giai đoạn giảm điểm mạnh hơn của thị trường.

Cũng trong những ngày này, chứng khoán Hy Lạp đã hiện rõ xu hướng giảm, còn chứng khoán Bồ Đào Nha bắt đầu giảm điểm mạnh từ thế đi ngang.

Một yếu tố khác có thể tham khảo để đánh giá mối tương quan giữa hai thời điểm trên là đường vận động của giá vàng thế giới và giá vàng trong nước. Vào thời điểm đầu tháng 5/2010, vàng thế giới đã có một chu kỳ tăng khoảng 10%, tương đương với tỷ lệ của chu kỳ tăng cho đến ngày 18/4/2011. Cả hai chu kỳ tăng này đều kéo dài trong gần 3 tháng.

Trong khi đó, một hiện tượng khá lạ ở Việt Nam là từ đầu tháng 4 đến nay, mặc dù giá vàng thế giới tăng khá mạnh nhưng giá vàng trong nước vẫn "ổn định" ở mức khoảng 37 triệu đồng/lượng, cho thấy trong thời gian tới giá vàng trong nước có thể đi ngang như biểu đồ của giá vàng thế giới vào tháng 5-7/2010.

Sự lệch pha giữa giá vàng thế giới với Dow Jones, giữa chứng khoán Mỹ với đà tăng nhẹ của USD và kể cả giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới trong thời gian gần đây đã gợi ý về khả năng lịch sử có thể được lặp lại: sau một giai đoạn dài tăng trưởng, chứng khoán Mỹ và châu Âu bước sang giai đoạn điều chỉnh, thậm chí là điều chỉnh mạnh.

Nếu khả năng này xảy ra, điều đó sẽ chứng minh cho nhận định của nhiều chuyên gia chứng khoán thế giới vào cuối năm trước khi cho rằng năm 2011 sẽ chứng kiến những thăng trầm mạnh của các TTCK chủ chốt. Nếu trong những ngày tới, giá vàng thế giới tiếp tục tăng, có thể phá mốc 1.500 USD/ ounce trong khi chứng khoán Mỹ giảm mạnh thì rất có thể những vấn nạn của lịch sử tháng 5-6/2010 đang tái hiện trong năm 2011.

Nếu chứng khoán thế giới thực sự bước vào giai đoạn điều chỉnh, liệu chứng khoán Việt Nam có tránh thoát được ảnh hưởng tiêu cực đó không? Câu trả lời có lẽ không còn nằm trong tay các cơ quan quản lý nhà nước hay "quyết tâm không bán" của các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà tùy thuộc vào giới MMs (những người tạo lập thị trường).

Phiên giao dịch ngày 19/4/2011 của TTCK Việt Nam... , VN-Index và HNX giảm nhẹ - đồng pha tuy không đồng điểm với Dow Jones - nhưng khối lượng giao dịch thấp hơn phiên trước. Vẫn là kiểu cách "tăng đầu, giảm cuối". Vẫn là màu đỏ ngự trị ở đa số các cổ phiếu nhỏ. Một số cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ đã bắt đầu mất thanh khoản. Quá trình bào mòn đang tăng tốc. Các chỉ số tương lai của TTCK Mỹ cũng không báo trước điều gì tốt lành. Nanh vuốt của Con Gấu đang từ từ giương lên.

Theo Việt Thắng

VEF


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên