Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền đồng là quá sức ngân hàng
Trong bối cảnh hiện nay, chưa cần và chưa nên dùng đến công cụ này, bởi có thể gây sốc thanh khoản cho các ngân hàng.
Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc là liều thuốc mạnh nhằm góp phần kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chưa cần và chưa nên dùng đến công cụ này, bởi có thể gây sốc thanh khoản cho các ngân hàng. Tổng thư ký hiệp hội ngân hàng Việt Nam Dương Thu Hương nhận định.
Bà Hương nói: “Tôi cho rằng, thị trường tiền tệ đang chuyển động theo hướng tích cực, trong đó rõ nét nhất là ngoại tệ tín dụng (huy động – cho vay) đã có xu hướng giảm đi, ngoại tệ thương mại (mua – bán) tăng lên, lượng vốn tiền đồng cũng rục rịch chảy vào hệ thống ngân hàng”, bà Hương nói.
Nhưng lạm phát vẫn có xu hướng tăng khó kiểm soát. Theo bà, công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc khi nào thì cần dùng đến?
Có nhiều công cụ để điều tiết tiền tệ, kiểm soát lạm phát, trong đó có điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhưng không nhất thiết phải tung rất cả ra cùng lúc, nhất là trong thời điểm hiện nay. Các ngân hàng đang phải tìm mọi cách huy động tiền đồng, nhằm đảm bảo thanh khoản hệ thống. Mặc dù trần lãi suất huy động được quy định 14%/năm, song người gửi tiền vẫn đòi hỏi cao hơn thế. Hôm qua, có lãnh đạo ngân hàng gọi điện cho tôi biết có doanh nghiệp mặc cả với họ mức lãi suất huy động lên tới 19%/năm. Mặc dù rất cần vốn, song ngân hàng này đã phải từ chối. Chi phí vốn đầu vào đã quá cao như vậy, nếu tăng dự trữ bắt buộc sẽ quá sức chịu đựng của ngân hàng.
Điều này nghịch lý với mong muốn của chính doanh nghiệp về cơ hội giảm lãi suất vay vốn?
Đúng là có tình trạng: doanh nghiệp có vốn lớn mà chưa cần đến đều mặc cả để hưởng lãi suất huy động cao, trong khi những doanh nghiệp đói vốn, khát vốn lại mong mỏi lãi suất thấp. Mà thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẵn vốn mang tâm lý chẳng dại gì sản xuất, kinh doanh cho mệt, mà gửi tiền vào ngân hàng, vừa lời lớn vừa an toàn. Thậm chí, có doanh nghiệp còn nói với tôi, họ đợi ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc, ngân hàng căng thẳng về vốn, khi đó doanh nghiệp đòi lãi suất bao nhiêu ngân hàng cũng phải chấp nhận. Với họ, đây cũng là một cơ hội kinh doanh hời.
Tất nhiên, phần lớn doanh nghiệp vẫn mong mỏi lãi suất vay vốn hạ xuống, song bản thân ngân hàng cũng không quyết định thay thị trường được. Mặt khác, lãi suất thị trường cao cũng là nhằm giảm cầu về vốn, thực hiện mục tiêu kiềm chế tăng trưởng dư nợ tín dụng dưới 20% theo chỉ đạo của NHNN.
Nói như vậy, chính sách siết chặt tiền tệ hiện nay đã đủ liều, thưa bà?
Tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán được kéo dưới mức 20%; hàng loạt lãi suất chủ chốt cũng vừa được NHNN tăng mạnh là những biện pháp khá mạnh nhằm siết chặt tiền tệ. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, nếu chúng ta đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết mà tăng trưởng tín dụng vẫn quá cao, vượt xa chỉ tiêu 20% thì lúc đó mới xem xét khả năng tăng dự trữ bắt buộc. Còn bây giờ, NHNN chỉ dùng công cụ dự trữ bắt buộc trong trường hợp các ngân hàng không giảm cho vay phi sản xuất về mức yêu cầu, như một biện pháp xử phạt, chứ không phải dùng như một chính sách đại trà.
Song tôi cho rằng, chỉ riêng chính sách tiền tệ không “gánh” nổi trách nhiệm kiềm chế lạm phát, mà phải đồng bộ các giải pháp khác. Một loạt mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, than… tăng giá, không thể dùng chính sách tiền tệ để điều chỉnh. Hay đầu tư công, mức giảm đã đủ liều chưa? Con số 3.400 tỉ đồng đầu tư công vừa được cắt giảm, theo tôi chỉ là “muối bỏ biển”, gấp 10 lần như thế thì tổng cầu vẫn chưa giảm được bao nhiêu…
Theo công ty chứng khoán Thăng Long, thanh khoản thị trường liên ngân hàng vẫn căng thẳng. Hai tuần đầu tháng 4.2011, sau khi nâng lãi suất thị trường mở từ 12% lên 13%, NHNN liên tục bơm tiền qua thị trường này, nhưng với khối lượng dè dặt hơn là 5.694 và 3.975 tỉ đồng. Nhu cầu vay trên thị trường mở vẫn lớn khi tỷ lệ đăng ký/chào thầu ở mức gần 23%. Dự báo, từ nay đến hết tháng, lãi suất liên ngân hàng và nhu cầu vay trên thị trường mở sẽ tăng lên do chu kỳ dự trữ tháng của các ngân hàng thương mại.
Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia Cao Sỹ Kiêm: Từ tháng 6, lạm phát sẽ giảm
“Nếu lạm phát tăng theo xu hướng không kiểm soát được, chúng ta mới tính đến việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền đồng. Bởi công cụ này, nếu thực hiện, sẽ hạn chế khả năng huy động vốn từ thị trường tự do của các ngân hàng, khi đó hạn chế cơ hội hút tiền khỏi lưu thông, tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Trong khi hiện nay, các biện pháp triển khai đã bước đầu cho kết quả tích cực, rõ nhất là trên thị trường ngoại hối. Theo dự báo của tôi, từ giữa tháng 6, lạm phát sẽ bắt đầu xu hướng giảm".
Theo Thảo Nguyễn
Sài Gòn Tiếp Thị