MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát của Việt Nam lần này sẽ kéo dài trong bao lâu?

TS. Vũ Thành Tự Anh nhận định tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay chỉ khoảng 6-6.5%, lạm phát không dưới 10%, sức ép giảm giá đồng tiền vẫn còn cao do lạm phát.

Chiều ngày 19/04/2011, CTCK Kim Eng Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Kinh tế vĩ mô & TTCK 2011” tại Tp. Hồ Chí Minh. Dưới đây, CafeF trích dẫn nội dung trình bày và giải đáp nhà đầu tư của Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright; thành viên Nhóm chuyên gia kinh tế của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Khả năng ''hoàn thành kế hoạch'' CPI trong tháng 4

Lạm phát của Việt Nam có tính khứ hồi – đi rất nhanh và trở lại cũng rất nhanh. Ts. Vũ Thành Tự Anh cho biết, nếu tính một cách thận trọng, CPI tháng 4/2011 sẽ tăng 14% so với tháng 4/2010. Điều này có nghĩa chúng ta hoàn thành kế hoạch CPI trong tháng 4. Các nhóm hàng có tác động mạnh đến toàn nền kinh tế, dân sinh là giáo dục, lương thực, thực phẩm, giao thống - xăng dầu đang tăng với tốc độ nhanh. Nếu tính trong khu vực Đông Á, CPI của Việt Nam đang dẫn đầu.

Nguyên nhân đằng sau lạm phát của Việt Nam là tăng cung tiền (lạm phát do cầu kéo), chi phí đầu vào tăng (lạm phát do chi phí đẩy) và đầu tư vào tín dụng tăng – tổng dư nợ tín dụng của Việt Nam bằng 130%GDP. Do đó, mặc dù tốc độ tăng tín dụng giảm thì quy mô tăng tín dụng rất lớn- đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lạm phát Việt Nam.

Ngoài ra, vốn đầu tư tích lũy hiện nay là khoảng 400% GDP so với năm 1995 là 100%GDP, năm 2001 là khoảng 200%GDP, đầu tư hàng năm khoảng 40-42%GDP, với tốc độ tăng trưởng đầu tư 14-15%/năm - gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP. Do đó, lượng vốn cần đến là rất lớn. Chính sách tiền tệ thường chạy theo chính sách đầu tư, chính sách tài khóa, bắt buộcViệt Nam phải tăng cung tiền.

Như vậy, lạm phát của Việt Nam xuất phát tự nội tại, tính kém hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam.

Lạm phát của Việt Nam lần này sẽ kéo dài trong bao lâu? "Nếu như Chính phủ kiên quyết "uống thuốc đắng" trị đến kiệt cùng - thắt chặt tiền tệ và tài khóa thì lạm phát Việt Nam có thể giảm vào quý III/2011".

“Uống thuốc tùy người”

Để giải quyết vấn đề lạm phát hiện nay, hai chính sách của chính phủ đã đưa ra trong Nghị quyết 11 đã đủ liều chưa?

Nghị quyết 11 đưa ra nhằm 2 nhóm chính sách lớn – thắt chặt tiền tệ và thắt chặt tài khóa. Về nguyên tắc 2 chính sách này có tính tiêu chuẩn. Nhưng luôn có 1 khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn. Lý do:

- Khi NHNN quyết định giữ nguyên tốc độ tăng trưởng tín dụng 20%, áp cho tất cả các tổ chức tín dụng. Điều này đồng nghĩa những ngân hàng có rủi ro thấp, hoạt động lành mạnh chịu chung toa thuốc đắng với những ngân hàng tạo ra rủi ro cho nền kinh tế. Do đó, cần thiết phải phân loại ngân hàng thành các nhóm khi đó tốc độ tăng trưởng tín dụng không giới hạn ở mức 20% mà có thể cao hơn hoặc thấp hơn hoặc đưa vào diện kiểm soát đặc biệt tùy vào từng nhóm ngân hàng.

- Căn nguyên xâu xa của lạm phát Việt Nam không phải nằm ở chính sách tiền tệ, nó nằm ở chính sách tài khóa, nằm ở chính sách đầu tư quá mức. ICOR cao hơn gấp rưỡi thậm chí gấp đôi so với khu vực. Do đó nếu không giải quyết tận gốc tính kém hiệu quả của nền kinh tế thi không thể tăng trưởng cao mà không gây lạm phát.

Nghị quyết 11 – những điều còn đọng lại

Ưu tiên hàng đầu của Chính Phủ trong năm 2011 là bình ổn kinh tế vĩ mô. Bởi nếu không bình ổn vĩ mô, đà tăng trưởng chậm lại, niềm tin của nhà đầu tư sẽ bị suy giảm, đời sống của người dân sẽ khó khăn hơn. Bình ổn vĩ mô đồng nghĩa với chính sách tài khóa thắt chặt, chính sách tiền tệ thắt chặt – Nghị quyết 11. NHNN giới hạn trần tăng trưởng tín dụng 20%, giới hạn trần tăng trưởng cung tiền 16%, lãi suất trần huy động USD 3%; và chính phủ quyết tâm cắt giảm ngân sách.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, quyết tâm thắt chặt tài khóa của chính phủ chưa đủ mạnh, còn hạn chế. Cụ thể, nhìn vào Nghị quyết 11, theo ý kiến của Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư không cắt đầu tư từ nguồn Ngân sách và nguồn Trái phiếu chính phủ - đây là 2 khoản lớn nhất của NSNN; cắt giảm 10% các khoản chi thường xuyên ngoài lương chiếm 20% chi thường xuyên, tương đương giảm 2% chi thường xuyên.

Xem xét nhiều gốc độ khác nhau, khả năng cắt giảm ngân sách là rất khó. Tuy nhiên, có thể cắt giảm được 2 khoản: ứng trước cho các dự án đầu tư năm 2011 và khoản chuyển nguồn từ các năm trước.

So sánh các chỉ số CPI, lạm phát, thâm hụt ngân sách, tăng trưởng GDP của Việt Nam với các nước xung quanh cho thấy mức tăng trưởng GDP quý I/2011 của Việt Nam là mức thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng của Việt Nam bởi những sai lầm trong quá khứ.

Lãi suất huy động USD bị chặn ở trần 3%, thanh khoản tiền USD sẽ giảm – do người dân không muốn gửi USD vào ngân hàng. Mặc dù tăng trưởng tín dụng 3-4%, nhưng của riêng USD là 9-10%, điều này phản ánh thực tế người ta đang vay USD. Tiền USD đang giảm giá so với các đồng tiền mạnh khác- giảm khoảng 9% trong năm 2010.

Câu hỏi đặt ra là Doanh nghiệp có nên vay USD hay không? Nếu tất cả mọi người cùng đi vay USD, điều gì sẽ xãy ra? Đầu năm 2010, nhiều người đã vay USD, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ rất lớn, đến kỳ hạn trả đã tạo nên sức ép đối với thị trường ngoại tệ và sức ép giảm giá đồng nội tệ. Trong khi Việt Nam tiếp tục thâm hụt ngân sách, sức ép phá giá đồng tiền do chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ rất lớn. Do đó, theo Ts. Tự Anh, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ, tạo sức hấp dẫn cho tiền đồng đảm bảo lạm phát thấp.

T. Sam



quynhnn

Trở lên trên