Goldman Sachs thống trị thế giới bằng cách nào?
Trong cuộc khủng hoảng tín dụng vừa qua, Goldman Sachs tránh được khó khăn bằng cách làm giàu trên khó khăn của kẻ khác và phá bỏ giới hạn đạo đức.
Đã lâu lắm rồi, vào một ngày trước kỳ nghỉ Chiến sỹ trận vong (Memorial Day) dài, một chuyên gia cao cấp của Goldman Sachs đã để 40 “tân binh” của ngân hàng đợi đến 5 tiếng, từ 5h chiều cho đến 10h đêm, trong phòng họp chỉ để dậy cho họ giá trị của lòng kiên nhẫn. 3 người nôn nóng cho kỳ nghỉ lễ đã bỏ về và sau đó bị sa thải.
Đây là sự ngược đãi vô ích hay cách đơn giản để giúp người mới hiểu văn hóa doanh nghiệp?
Chẳng có minh chứng nào rõ hơn cho điều này hơn vai trò của Goldman Sachs trong cuộc khủng hoảng tín dụng vừa qua khi Goldman Sachs tránh được khó khăn mà phần lớn đối thủ của tổ chức phải đương đầu.
Thế nhưng Goldman Sachs làm được điều đó bằng cách làm giàu trên khó khăn của kẻ khác và phá bỏ mọi giới hạn đạo đức.
Goldman Sachs khởi đầu vào năm 1869 trong vai trò một công ty kinh doanh thương phiếu. Khi chuyển sang mô hình kinh doanh mới, văn hóa kinh doanh của công ty vẫn hết sức thống nhất nhờ khả năng lãnh đạo tốt và tránh các vụ thâu tóm lớn.
Bao lâu nay, Goldman Sachs đứng đầu phố Wall vể khả năng quản trị rủi ro. Nhân sự tài năng trên phố Wall đổ xô về Goldman Sachs, nhiều người trong số họ phải trải qua đến hơn 30 cuộc phỏng vấn để được nhận vào làm. Các ông chủ thường muốn nhân viên Goldman Sachs làm việc từ sáng sớm đến đêm và biết coi trọng thành tích tập thể hơn danh vọng cá nhân.
Một số tôn chỉ của công ty được đưa ra khi thành lập sau này đã bị thoái hóa, đặc biệt từ khi Goldman Sachs trở thành công ty đại chúng vào năm 1999. Goldman Sachs tuyên bố luôn biết đặt mục tiêu khách hàng lên trên hết.
Trên thực tế, nguyên tắc coi trọng quyền lợi khách hàng là nguyên tắc đầu tiên trong 14 nguyên tắc hoạt động của công ty. Thế nhưng Goldman Sachs lại bán ra hàng loạt chứng khoán thế chấp độc hại sau khi đưa nhóm chứng khoán trên vào danh mục bán khống ồ ạt – công việc kinh doanh cực kỳ phát đạt đã góp phần hủy hoại thị trường nhà đất Mỹ vào năm 2006 – 2007 (theo thông tin từ email nội bộ của Goldman Sachs).
Hành động ảo thuật Houdini này đã mang lại cho Goldman Sachs 4 tỷ USD và được nhắc đến trong nhiều cuốn sách về khủng hoảng như “The Greatest Trade Ever” của Gregory Zuckerman và “The Big Short” của Michael Lewis.
Càng phát triển, Goldman Sachs càng bước vào tình thế xung đột lớn hơn. Công việc kinh doanh phát triển nở rộ, vượt quá quy mô ngân hàng đầu tư của Goldman Sachs, khách hàng hoài nghi liệu cuối cùng đây là một tổ chức đầu tư hay một đối thủ. Cả hai. Goldman Sachs có khả năng điều chỉnh xung đột tốt, họ tin ranh giới phân tách giữa các nhân viên kinh doanh và ngân hàng luôn vững vàng.
Người ngoài hiện không còn quá tin vào Goldman Sachs. Việc Goldman Sachs sử dụng thông tin của khách hàng để tăng lợi thế kinh doanh của mình, có thể không trái luật, nhưng cũng chẳng ai coi Goldman Sachs ra gì. Bê bối sẽ không bắt nguồn từ cái bất hợp pháp mà từ cái hoàn toàn đúng luật.
Người ta cũng không khỏi đặt câu hỏi về cách định giá các tài sản thế chấp của Goldman Sachs trong thời khủng hoảng. Mức giá thấp hơn rất nhiều so với các đối thủ. Thị trường buộc tội Goldman Sachs cố tình buộc các đối thủ đưa danh mục của họ về thấp tương đương để Goldman Sachs có thể mua tài sản ở mức giá rẻ.
Quan điểm kinh doanh “hiếu chiến” của Goldman Sachs đã gây ra nhiều hậu quả tai hại, đẩy nhanh quá trình sụp đổ của ngân hàng Bear Stearns và AIG.
Nhân viên Goldman Sachs cảm thấy công ty của họ đã bị coi như biểu tượng của sự tham lam một cách vô lý. Một số người đổ lỗi cho truyền thông. Goldman Sachs, tuy nhiên cũng chẳng tỏ vẻ xấu hổ chút nào dù thành tích quản trị rủi ro đã không còn chút nào khi khủng hoảng năm 2008 trong giai đoạn tồi tệ. (Ngược lại, Goldman Sachs đã ít lời hơn mức cần thiết để né bớt đi chỉ trích về hành vi bán khống).
Tất cả các yếu tố trên tác động thế nào đến Goldman Sachs? Về phần mình, Goldman Sachs thường mạnh lên rất nhanh sau khó khăn, dù phải đương đầu với Đại Khủng hoảng 1929 hay khủng hoảng tiết kiệm thập niên 1990 hoặc đấu đá nội bộ xung quanh kế hoạch IPO của chính Goldman. Cả đồng minh và đối thủ đều ngưỡng mộ khả năng phân tích xu thế thị trường và phản ứng tức thời của Goldman Sachs.
Goldman Sachs cũng dễ chịu tác động. Phần lớn khách hàng vẫn trung thành với Goldman Sachs bởi việc lo sợ nếu rời Goldman, công việc kinh doanh của họ sẽ đi xuống bởi Goldman Sachs vẫn đang nắm thế mạnh vượt trội. Tuy vậy, họ đang hoài nghi về cách thức kinh doanh của Goldman Sachs hơn bao giờ hết, giới chính trị gia cũng vậy. Báo cáo của Thượng viện Mỹ công bố mới đây cho thấy điều đó.
Mối ràng buộc chính trị đã từng giúp Goldman Sachs có được danh hiệu Government Sachs sau khủng hoảng đã yếu đi rất nhiều. Ông Jon Corzine, người từng được bổ nhiệm vào vị trí CEO của Goldman Sachs năm 1994 từng làm thống đốc bang New Jersey. Người kế nhiệm của ông, Henry Paulson đã rời Goldman Sachs để làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ thời cựu Tổng thống Bush. Giới truyền thông một thời từng tung hô Goldman Sachs nay đã thay đổi thái độ.
Vấn đề lớn nhất đối với Goldman Sachs, tuy nhiên, bắt đầu chính từ nội bộ ngân hàng. “Nhiễm sắc thể” của Goldman Sachs đã biến đổi đến độ nó đi ngược lại mọi nguyên tắc giá trị của ngân hàng, đặc biệt tôn chỉ lấy khách hàng làm trung tâm.
Ngọc Diệp
Theo Economist