MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bao giờ FED ngừng “nới lỏng định lượng”? (phần 1)

27-04-2011 - 10:39 AM | Tài chính quốc tế

Cả vàng lẫn cổ phiếu đều tăng mạnh khi FED “nới lỏng định lượng”, khi nó kết thúc, chưa biết tình hình sẽ ra sao.

Mới hơn một năm trước, Chủ tịch FED Ben Bernanke ra điều trần trước Quốc hội để giải thích kế hoạch chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng mà cơ quan này đã sử dụng để chống lại suy thoái 2008-09.

Vào cái ngày 25/03 ấy vẫn chưa rõ bao giờ Bernanke sẽ điều trần vì Quốc hội phải nghỉ họp do tuyết rơi kỷ lục, nhưng đất đã bắt đầu rung chuyển dưới chân ông.

Đầu tiên là câu chuyện sửng sốt về việc số liệu về tài chính công của Hy Lạp không chính xác và cùng với cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Âu khi ấy, nó đã làm niềm tin thị trường trên toàn thế giới chao đảo. Kinh tế Mỹ dù vào mùa xuân năm 2010 có vẻ rất hứa hẹn nhưng quá trình hồi phục đang chậm lại.

Dù cho mùa hè năm ngoái ngập trong những cuộc tranh luận công khai xem nên tăng lãi suất ngắn hạn hay nên bán một phần trong số 1.000 tỷ đôla tài sản FED đã mua để hỗ trợ nền kinh tế, và xem nên làm thế nào để giảm bớt số tiền mặt dư thừa trong hệ thống ngân hàng, nhưng hành động của FED lại đi theo hướng ngược lại.

Tháng 8 năm ngoái FED đột ngột chuyển hướng và tiếp tục nới lỏng chính sách, tới tháng 11, FED bắt đầu đợt mua tài sản lần thứ hai trị giá 600 tỷ đôla. Những người có thành kiến với FED và nghi ngờ tác dụng của hình thức can thiệp này đặt cho nó cái tên QE2.

Giậm chân tại chỗ?

QE2 sẽ kết thúc vào tháng 6 tới, có lẽ sau đó FED cũng sẽ không mua thêm tài sản nữa. Sau một năm đầy ắp những sự kiện, FED thấy mình lại quay trở về chỗ cũ.

Kinh tế có vẻ như đang tiến triển nhưng vẫn ì ạch như một chiếc xe trong cảnh tắc đường. Phe “diều hâu” trong ủy ban thị trường mở liên bang lo ngại lạm phát sẽ lên cao do giá hàng hóa cơ bản tăng và muốn tái thảo luận “chiến lược thoái lui”.

Raghuram Rajan, GS Trường Kinh doanh Booth thuộc ĐH Chicago và là cựu Kinh tế trưởng tại IMF, nghi ngờ QE2 và nói tất cả những gì FED có thể làm là chuẩn bị tăng dần lãi suất. “Vấn đề với chính sách tiền tệ là bạn bị trói buộc vào những gì mình đã nói và kỳ vọng mà bạn đã tạo ra,” ông nói.

Jan Hatzius, kinh tế trưởng về Hoa Kỳ tại Goldman Sachs tai New York, thận trọng hơn. “Tôi nghĩ họ nên kết thúc QE2 đúng hạn và sau đó đơn giản là ngồi yên,” ông nói. “Tôi vẫn nghĩ sắp tới lạm phát sẽ thấp.”

Bao giờ FED tiếp bước NHTW Châu Âu (ECB) và tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ từ việc đồng đôla mạnh lên tới sự bền vững của phục hồi kinh tế Mỹ.

QE2 khiến gần như mọi thị trường tài sản để tăng mạnh nên sau khi QE2 kết thúc, chưa biết tình hình sẽ ra sao. Nửa còn lại của năm 2011 có lẽ sẽ chẳng mấy suôn sẻ khi FED vừa chuẩn bị “thoái lui”, vừa cố tránh để thị trường phát hiện “chuẩn bị” tức là sắp “thoái lui”.


Nếu biết vì sao tháng 11 năm ngoái FED tiến hành QE2 thì cũng hiểu vì sao ngay cả những thành viên “bồ câu” hơn trong FOMC hiện cũng không ủng hộ tiếp tục mua thêm tài sản.

“Khi số việc làm mới tăng chậm lại, người ta lo ngại về sự bền vững của quá trình phục hồi. Cùng lúc đó, lạm phát, dù đã ở mức rất thấp, nhưng vẫn tiếp tục giảm,” Chủ tịch Bernanke giải thích trong buổi điều trần trước Quốc hội tháng trước.

Rủi ro giảm phát không đáng kể nghĩa là chẳng có lý do gì để tiếp tục mua tài sản, mặc dù nếu một cú sốc nữa có chặn đà phục hồi và đẩy lạm phát giảm tiếp, đa số thành viên FOMC sẽ nghĩ lại.

Cú sốc lớn nhất gần đây là việc giá dầu vược mốc 100 đôla/thùng và hiện nay có lẽ điều này chỉ làm chậm lại chứ không chặn được đà phục hồi kinh tế. Giá hàng hóa cơ bản cao hơn sẽ không “tác động nhiều tới phục hồi kinh tế” trừ khi chúng tăng tiếp, Phó Chủ tịch FED Janet Yellen nói.

Lạm phát giảm tiếp là điều rất quan trọng. FED triển khai QE2 không phải vì thất nghiệp cao và lạm phát thấp dưới mức mục tiêu “2% hoặc thấp hơn một chút.” FED hành động vì thất nghiệp không cải thiện và lạm phát ngày càng xa mức mục tiêu, khiến nền kinh tế có nguy cơ trượt vào vòng xoáy giảm giá và biến Mỹ trở thành Nhật Bản thứ hai.

Lãi suất và lạm phát

Mọi chuyện nay đã khác. Thất nghiệp đã giảm gần 1% trong các tháng gần đây xuống 8,8% và tăng trưởng việc làm ở mức chấp nhận được. Lạm phát lõi, tức loại trừ giá năng lượng và thực phẩm, chạm đáy tháng 12 năm ngoái ở mức 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái và kể từ đó đã tăng lên khoảng 1%.


Một loạt các chỉ số thứ cấp, từ số đơn bảo hiểm thất nghiệp, số đơn đặt hàng công nghiệp tới tăng trưởng tiêu dùng, cho thấy kinh tế đang tốt lên dù cho mấy tuần gần đây tình hình lại xấu đi.

“Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tiêu dùng và đầu tư đã bắt đầu tăng trưởng bền vững,” ông Bernanke nói hồi tháng 3. “Nguy cơ chấm dứt phục hồi đã bị đẩy lui và nguy cơ giảm phát là không đáng kể.”

Tuy vậy, trọng tâm tranh luận tại FOMC trong những tháng tới sẽ là bao giờ “thoái lui” và “thoái lui” như thế nào. Một mặt, “thoái lui” bắt đầu ở thời điểm FED ngừng mua trái phiếu dài hạn, vì Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phát hành thêm. Tỷ lệ nắm giữ của NHTW sẽ giảm xuống cùng với tầm ảnh hưởng của nó đối với lãi suất dài hạn.

Nhưng vấn đề thực sự lại nằm ở chuyện bao giờ tăng lãi suất. Hiện nay, lãi suất ngắn hạn mục tiêu là 0-0,25% nhưng FED cũng có khoảng 1.000 tỷ đôla tài sản dài hạn trên bảng cân đối kế toán, sau khi QE2 kết thúc, con số đó sẽ còn nhiều hơn.

FED quan niệm cứ mua thêm 200 tỷ đôla tài sản là tương đương với giảm lãi suất cơ bản đi 0,25%. Thế nên thực tế lãi suất hiện nay là khoảng -2%. Câu hỏi đặt ra là bao giờ họ tăng nó lên.

Khi đưa ra đánh giá này, công cụ cơ bản các quan chức FED sẽ sử dụng là mối quan hệ giữa lãi suất và số công suất dư thừa; và lạm phát cách mức mục tiêu bao xa.

Tất nhiên là còn tùy vào hoàn cảnh và quyết sách có thể được ban hành dưới nhiều dạng khác nhau, nhưng các ví dụ đơn giản mà FED sử dụng cho thấy sẽ cần thắt chặt chính sách khi thất nghiệp chạm mức 8% và lạm phát lõi chạm 1,5%, cũng có thể sớm hơn.

Các nhà hoạch định chính sách chỉ khác nhau ở chỗ không phải ai cũng có quan điểm giống nhau về thời điểm nền kinh tế chạm những mốc này.

Nhưng cũng có những lo ngại khác. Thứ nhất là giá hàng hóa cơ bản tăng có thể đẩy chỉ số CPI toàn phần (headline CPI), tức tính cả thực phẩm và năng lượng, vượt mức 2,7% (so với cùng kỳ năm trước).

Một số người thuộc phe “diều hâu” nghĩ FOMC nên hành động dựa ngay trên lạm phát toàn phần. Nhưng toàn bộ ủy ban luôn sẵn sàng hành động nếu kỳ vọng lạm phát tăng lên.

Minh Tuấn
Theo Economist

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên