MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời khắc của sự kiên định

28-04-2011 - 18:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Lượng ngoại tệ tiền mặt một ngân hàng mua được của dân cư có ngày đã lên tới 6 triệu đô la Mỹ. Ở những ngân hàng lớn, mức mua vào còn cao hơn.

Thứ sáu 22-4-2011 là ngày hiếm có trên thị trường tiền tệ: tỷ giá của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được niêm yết ở mức 20.511 (mua) và 20.925 đồng/đô la Mỹ (bán), nhưng giá mua bán của các ngân hàng thương mại chỉ có 20.700 – 20.800 đồng/đô la Mỹ. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua giá bán ngoại tệ chính thức của NHNN cao hơn của các tổ chức tín dụng tới 125 đồng/đô la Mỹ.

Sở Giao dịch NHNN bán với giá trần (tỷ giá công bố hàng ngày cộng trừ biên độ 1%) và mua với giá sàn, chênh lệch mua –bán tới 2%, trong khi mức chênh lệch tương ứng của các ngân hàng 80 -100 đồng/đô la Mỹ, tức 0,38% -0,48%.

Hầu hết mọi nhu cầu mua đô la Mỹ của người dân đi du lịch, chữa bệnh, học tập, công tác nước ngoài đều được ngân hàng đáp ứng hết hạn mức qui định mà không thu thêm phí.

“Rời bỏ” đô la

Một trong những nguyên nhân khiến giá đô la Mỹ niêm yết giảm mạnh là người dân và doanh nghiệp bán ngoại tệ cho ngân hàng. Lượng ngoại tệ tiền mặt một ngân hàng mua được của dân cư có ngày đã lên tới 6 triệu đô la Mỹ. Ở những ngân hàng lớn, mức mua vào còn cao hơn.

Nguồn cung dồi dào nên ngân hàng nhanh chóng hạ cả giá mua và bán. Nếu nguồn cung tiếp tục tăng, giá mua vào của ngân hàng sẽ lùi dần và có khả năng sẽ về giá sàn.

Ghi nhận sơ bộ cho thấy lượng vốn huy động tiền đồng của ngân hàng rục rịch tăng dù mức tăng còn chậm. Rải rác đã xuất hiện hiện tượng một số cá nhân vay ngoại tệ của nhau để tranh thủ bán khi đô la Mỹ còn được giá và tận dụng lãi suất cao của tiền đồng.

Họ vay mượn lẫn nhau trong bao lâu, phí như thế nào thuộc quan hệ dân sự, nhưng rõ ràng là họ sẽ phải tính toán thời điểm mua lại ngoại tệ để trả nợ. Trong trường hợp tỷ giá ổn định và lãi suất tiền đồng vẫn ở mức cao, việc mua lại sẽ không khó khăn. Tuy nhiên lãi suất tiền đồng đang là ẩn số.

Ngoại tệ đang được dịch chuyển sang tiền đồng và tiền đồng tiết kiệm vào ngân hàng mạnh lên, theo quan hệ cung cầu, lãi suất huy động của ngân hàng có thể sẽ giảm. Tiền đồng huy động được càng nhanh thì áp lực giảm lãi suất càng lớn.

Vàng “cầu ngoại”

Sự giảm giá của đô la Mỹ so với tiền đồng còn được hậu thuẫn bởi giá vàng trong nước đang thấp hơn giá quốc tế làm cho việc xuất vàng lậu và cả vàng chính thức diễn ra.

Vàng xuất chính thức được thực hiện dưới dạng nữ trang. Hiện nay xuất vàng bốn số chín phải chịu thuế 10%. Một số đối tượng xuất đã lách luật bằng cách xuất vàng một số chín. Nói nôm na là vàng miếng bốn số chín được thâu gom, trộn thêm bạc và đúc lại.

Một chuyên gia về vàng giấu tên nói với TBKTSG khi xuất khẩu, chủ yếu sang Thụy Sĩ, người bán Việt Nam phải bán với giá thấp hơn giá chung không những do chất lượng vàng có trộn bạc, mà còn do người mua nước ngoài phải nấu chảy lại vàng, lấy hàm lượng bạc trong đó ra, lọc lại thành vàng nguyên chất. Khoản trừ chi phí lọc lại vàng là không nhỏ và người chịu thiệt là người bán.

Nhưng như thế cũng vẫn còn thấp hơn nhiều so với phải nộp thuế xuất khẩu 10%. Chỉ cần giá vàng nội địa – quốc tế chênh nhau 500.000 đồng/lượng là vàng được xuất lậu. Mức lãi 10% là không tưởng. Xuất vàng theo đường chính thức, đóng thuế đầy đủ thì không bao giờ người xuất có lời.

Do tỷ giá thị trường tự do đang hụt hơi và bắt buộc phải chạy theo tỷ giá của ngân hàng, ngoại tệ có được từ xuất vàng lậu hay xuất vàng nữ trang đều được bán cho ngân hàng. Nguồn cung ngoại tệ của ngân hàng nhờ đó được bổ sung.

Sắp tới giá vàng nội địa có thể vẫn duy trì khoảng cách với giá quốc tế theo chiều hướng thấp hơn giá thế giới do NHNN chuẩn bị ban hành qui định ngưng hoàn toàn việc huy động và cho vay bằng vàng của tổ chức tín dụng.

Với chính sách này, chưa thể dự đoán có bao nhiêu vàng của người dân được chuyển đổi sang tiền đồng, nhưng chắn chắn sẽ có người đang gửi vàng tiết kiệm, đáo hạn sẽ bán vàng, giữ tiền đồng. Nhu cầu về vàng từ đây sẽ khó gia tăng, sẽ càng giúp cho giá vàng trong nước khó cao hơn giá quốc tế và chu trình xuất vàng lậu hoặc xuất dưới dạng nữ trang còn lặp lại.

Thời khắc của sự kiên định

Lãi suất cao đang là một trong những cái neo trợ lực mạnh nhất cho tiền đồng. Nếu cái neo này bị buông lỏng, tiền đồng sẽ ngay lập tức gặp trở ngại trên con đường lấy lại niềm tin.

Hiện lượng ngoại tệ người dân bán cho ngân hàng và lượng ngoại tệ chảy vào Việt Nam từ xuất khẩu vàng là hai con số chúng ta không thể đoán định được. Tờ Financial Times đăng tải thông tin trong hai năm 2009-2010 Việt Nam đã xuất qua Thụy Sĩ tổng cộng 115 tấn vàng trị giá 4,5 tỉ francs (hiện 1 đô la Mỹ chỉ đổi được 0,89 francs).

Trong bài viết trước (Bước đi ngoại hối 70 ngày, TBKTSG số 17 ngày 21-4-2011) chúng tôi giả định số ngoại tệ người dân gửi ở ngân hàng là 13 tỉ đô la Mỹ. Giả sử trong vòng 1-2 tháng sắp đến, lượng ngoại tệ vào ngân hàng lên tới con số tỉ đô la Mỹ và ngân hàng bán lại cho NHNN, thì một lượng tiền đồng tương ứng phải được đưa ra thị trường. Cung tiền đồng tăng, về lý thuyết, lãi suất tiền đồng sẽ giảm.

Tuy nhiên lạm phát đang rất cao và sự phục hồi niềm tin của người dân vào đồng nội tệ mới chỉ bắt đầu. Cần phải ghi nhận sự phục hồi ấy có được chủ yếu nhờ lãi suất tiền đồng đang cao. Lãi suất cao đang là một trong những cái neo trợ lực mạnh nhất cho tiền đồng. Nếu cái neo này bị buông lỏng, tiền đồng sẽ ngay lập tức gặp trở ngại trên con đường lấy lại niềm tin.

Vì thế lãi suất cao của đồng nội tệ nên được duy trì thêm một thời gian cho đến khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt. Sự kiên định của chính sách lúc này cần phải được thể hiện!

Để hút lượng tiền đồng được “bơm” ra do NHNN mua vào ngoại tệ, kênh trung hòa khả thi nhất hiện tại là trái phiếu. Tín hiệu đã được phát.

Ngày 21-4-2011 651 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ trong tổng số 2.000 tỉ đồng đưa ra đấu thầu đã bán được với lãi suất 12,3%/năm (những đợt trước chỉ bán được 30/2.000-3.000 tỉ đồng). So với mức 11%/năm mấy tháng trước, lãi suất trái phiếu đang nhích lên. Dẫu vậy, mức tăng lên này chưa đủ.

Kế hoạch của Bộ Tài chính năm nay phát hành 85.000 tỉ đồng trái phiếu, mà mới phát hành được 16.000 tỉ đồng, dư địa còn nhiều. Đây chính là lúc cơ quan tài chính phải vào cuộc chống lạm phát bằng cách nâng lãi suất trái phiếu.

Một khi lãi suất trái phiếu Chính phủ tới 14-15%/năm, thậm chí cao hơn, trái phiếu sẽ bán được nhiều, sẽ cân bằng với hàng tỉ đô la Mỹ ngoại tệ mà NHNN mua vào.

Theo Hải Lý
TBKTSG

phuongmai

Trở lên trên