MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng chứng khoán: “khối u” bắt đầu bung vỡ

Sự sụt giảm của TTCK đã dần vén tấm màn bí ẩn về khoản tín dụng đổ vào chứng khoán. Nếu thị trường không sớm xanh trở lại, "khối u" đang âm ỉ này sẽ vỡ bung.

Việc CTCK được sự hậu thuẫn của các ngân hàng, các tổ chức, cá nhân có tiền, cung ứng tín dụng theo nhiều hình thức cho nhà đầu tư ai cũng biết. Tuy nhiên, con số thực về khoản tín dụng đổ vào chứng khoán là bao nhiêu, được lấy từ những nguồn nào và sự qua lại trong quan hệ vay mượn nhiều chiều này ra sao thì vẫn còn mờ mịt.

Vì pháp luật chứng khoán hiện hành không cho phép CTCK được cung ứng dịch vụ tín dụng, nên chỉ khi những tranh chấp này lộ diện, dư luận mới phần nào hiểu được mối quan hệ mịt mờ này…

Những khoản thâm hụt bắt đầu lộ diện

Một tháng trước, Chủ tịch HĐQT CTCK A đột ngột biến mất, bỏ lại sau lưng cái ghế chủ tịch và tư cách người đại diện theo pháp luật của công ty đương nhiệm cùng một khoản thâm hụt lớn trên tài khoản đầu tư mang chính tên ông mở tại CTCK này.

Theo nguồn tin chưa kiểm chứng, số lượng tiền thâm hụt ở tài khoản của vị chủ tịch lên tới trên 100 tỷ đồng, trong đó, nguồn tiền đối ứng được lấy từ tài khoản khách hàng ủy thác cho CTCK A, tiền từ tài khoản của khách hàng mở tại CTCK và nguồn tiền vay của chính CTCK A.

Một vụ việc khác cũng liên quan đến vấn đề tín dụng của CTCK, nguồn tin của ĐTCK cho biết, một doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí đã có hồ sơ khởi kiện CTCK X đang niêm yết trên TTCK, vì CTCK này không hoàn trả tiền theo nội dung cam kết trong hợp đồng hợp tác đầu tư với lãi suất cố định (bản chất là hợp đồng DN cho CTCK vay vốn).

Theo đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí trên đã cung cấp số tiền 200 tỷ đồng để CTCK X sử dụng với mục đích hỗ trợ khách hàng giao dịch đòn bẩy, trong đó, CTCK X là đối tượng chịu trách nhiệm với số tiền trên. Sau nhiều lần đòi nợ, hiện tại số dư nợ còn lại là trên 70 tỷ đồng, nhưng CTCK X không chịu trả tiếp (hoặc không có khả năng trả tiếp).

Đây là 2 trong số nhiều sự vụ phức tạp đã và đang được các cơ quan chức năng xem xét. Thị trường rơi vào tình trạng giảm giá quá lâu và quá sâu là nguyên nhân chính khiến các khoản đầu tư từ tiền vay chứng khoán bị thua lỗ nặng nề. Rủi ro thị trường đang đè nặng lên các "khổ chủ" trong mối quan hệ tín dụng với CTCK và nhà đầu tư.

Căng thẳng về tài chính tại các CTCK không chỉ bởi tự doanh thua lỗ, mà chủ yếu xuất phát từ những nghiệp vụ "hỗ trợ tài chính NĐT". Điều đáng nói là ngoài hoạt động repo, cầm cố cổ phiếu, thì đa phần các dịch vụ cung cấp, hỗ trợ tài chính khác của CTCK cho khách hàng đều không được thể hiện một cách chính xác bản chất của nó.

Trên báo cáo tài chính hay các văn bản báo cáo cơ quan quản lý, số liệu về các khoản tài chính này và mức độ rủi ro của nó ra sao thường được các CTCK trộn lẫn với nhiều nghiệp vụ tài chính khác, vì bản chất các nghiệp vụ cung ứng vốn cho nhà đầu tư là sai luật.

Trong 2 năm qua, để cạnh tranh thu hút thị phần, bên cạnh cung cấp các dịch vụ phân tích, thậm chí là "phím hàng" thì công cụ chính để thu hút NĐT của các CTCK chính là đòn bẩy. CTCK cung cấp đòn bẩy càng cao, cơ chế càng thoáng, lãi suất càng ưu đãi thì càng có nhiều NĐT tìm đến mở tài khoản. Chính vì vậy, đã có thời bộ phận nguồn của các CTCK đã làm việc hết tốc lực, không chỉ tìm đến hạn mức của các ngân hàng, mà "săn" luôn tiền từ các công ty tài chính, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh khác đang có nguồn nhàn rỗi để vay với mức lãi suất cao.

Thông qua các hợp đồng hợp tác đầu tư với lãi suất cố định, tiền nhàn rỗi của các loại DN này, thay vì để tại ngân hàng, đã chuyển về các CTCK. Và trên thực tế, đây mới là lượng "máu" chủ yếu nuôi sống các hoạt động cung cấp dịch vụ margin, hợp đồng hợp tác đầu tư… tại CTCK thời kỳ sôi động trước đây.

Liệu pháp nào hóa giải "khối u" nợ nần?

Báo cáo tài chính năm 2010 của một CTCK thuộc Top 10 thị phần môi giới cho thấy, công ty này có tới hơn 4.100 tỷ đồng cung cấp tín dụng cho khách hàng thông qua 3 hình thức là hợp đồng hợp tác đầu tư; cung ứng vốn hạn mức giao dịch (từ ngày T+2 ngày đến 6 tháng) và thông qua repo, cầm cố cổ phiếu. Trong đó, phần lớn vốn nằm ở hoạt động (1) và (2). Tổng vốn chủ sở hữu theo báo cáo của công ty này là gần 1.400 tỷ đồng.

Một câu hỏi đặt ra là, trong số hơn 4.100 tỷ đồng CTCK đã vay với tư cách của mình và cung cấp lại cho khách hàng, bao nhiêu phần trăm còn có thể thu hồi trên nền TTCK thanh khoản quá thấp và suy giảm quá mạnh gần 1 năm nay? Điều này càng nghi ngại hơn khi giá chứng khoán vẫn trong xu hướng giảm, lãi suất cho vay chứng khoán lên tới gần 30%/năm, trong khi thứ duy nhất mà CTCK có thể "nắm tóc" NĐT vay tiền của mình thì lại là… chứng khoán.

Tổng hợp từ các nguồn tin của ĐTCK cho biết, số nợ xấu không có khả năng thu hồi tại một số CTCK thậm chí đã lên tới con số nghìn tỷ đồng, chứ không phải là "sạch" như công bố trong báo cáo tài chính. Thậm chí, nhiều khoản cho vay cầm cố cổ phiếu OTC, thời điểm hiện tại, nếu bán đi được thì cũng chỉ thu về khoảng 20-30% vốn đã cho vay ban đầu, nhưng khả năng bán được cũng rất thấp.

Căng thẳng trong mối quan hệ giữa CTCK với khách hàng đã và đang bùng phát, nhiều vụ việc đã phải công khai tìm cách giải quyết tại tòa. Và nay, sức ép từ các đối tác cung cấp vốn lên CTCK đang ngày một lộ rõ, chuyện "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" đã âm thầm diễn ra từ mấy tháng nay, rất có thể sẽ bung ra thành những "scandal" tiếp theo trên thị trường.

Khi tất cả guồng quay trên chỉ bấu víu vào một cứu cánh duy nhất là giá cổ phiếu, thì chỉ khi giá cổ phiếu bật xanh bền vững, với thanh khoản thị trường trở về trạng thái sôi động, mạnh mẽ, mới có thể cắt được những "cơn đau" và chữa lành những "khối u" âm ỉ đang chực vỡ trong lòng thị trường.

Tình hình tài chính của các CTCK là vấn đề khá nhạy cảm, cơ quan quản lý cần bám sát để tránh gây đổ vỡ CTCK, gây tổn hại đến lòng tin của NĐT

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam

Về bản chất, các CTCK không có chức năng cho vay mà chỉ là trung gian kết nối giữa NĐT và các ngân hàng. Ngân hàng đứng ra trực tiếp quản lý số chứng khoán là tài sản thế chấp. Tuy nhiên, một số CTCK đã thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư để hỗ trợ tài chính cho NĐT vay tiền đầu tư chứng khoán. Nguồn tiền này có thể từ vốn tự có, có thể từ nguồn đi vay. Trước đây, các công ty đặc biệt là các công ty nhỏ mới đi vào hoạt động, do cạnh tranh lôi kéo khách hàng nên đưa ra mức hỗ trợ với tỷ lệ rất cao, giờ rủi ro đang lộ rõ. NĐT bỏ cả tài khoản để lại cho CTCK kèm theo khoản nợ và số chứng khoán mất giá.

Đến thời điểm này, qua báo cáo tài chính của nhiều CTCK, có thể thấy, hậu quả của việc cho sử dụng đòn bẩy qua các khoản nợ phải thu khác là khá lớn. Tình trạng cho vay với tỷ lệ cao bây giờ không còn, nhưng một số CTCK đang phải khắc phục hậu quả mà chưa biết cách nào mới khắc phục xong.

Tôi cho rằng, nợ xấu tại các CTCK không nghiêm trọng bằng các tổ chức tín dụng do CTCK không có chức năng huy động và cho vay. Nếu có nợ xấu thì các CTCK phải sử dụng vốn tự có, vốn góp cổ đông để trả ngân hàng. Do đó thiệt hại trong trường hợp này sẽ là các cổ đông của công ty.

Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp CTCK lạm dụng tài khoản NĐT để cho vay và đầu tư. Hoặc trường hợp các nhân viên trong CTCK cấu kết để lừa đảo, gây hậu quả cho NĐT. Do đó, cần thiết phải thành lập quỹ dự phòng rủi ro tại các CTCK để khi xảy ra những sự cố, sẽ có nguồn bù đắp cho NĐT. Nguồn cho quỹ này trích từ phí giao dịch. Mặt khác, cơ quan quản lý TTCK phải cho phép NĐT mở nhiều tài khoản tại nhiều CTCK để phân tán rủi ro.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tình hình tài chính của các CTCK là vấn đề khá nhạy cảm, cơ quan quản lý cần bám sát để nắm bắt thông tin và có điều chỉnh kịp thời nhằm tránh gây đổ vỡ CTCK, gây tổn hại đến lòng tin của NĐT trên thị trường.

Theo Nguyên Thành - ĐTCK


Theo Bùi Sưởng
Đầu tư chứng khoán

phuongmai

Trở lên trên