MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tự cứu!

ĐHCĐ của Công ty cổ phần Cáp Sài Gòn (CSG - Hose) vào cuối tháng 4-2011 đã quyết định một việc mà các quỹ đầu tư nội địa đang đỏ con mắt mong được phép thực thi.

Theo nghị quyết đại hội, CSG sẽ mua thêm số cổ phiếu bằng 20% vốn điều lệ làm cổ phiếu quỹ và hủy để giảm vốn từ 297 xuống 208 tỉ đồng.

Trước đó công ty đã mua 2,97 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 10% vốn điều lệ. Sau khi mua xong cả hai đợt, vốn điều lệ của CSG sẽ giảm 30%.

Vì sao CSG phải hủy bớt cổ phiếu? Vì thị giá cổ phiếu trên sàn đang dao động xung quanh mức 8.000 đồng, thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách. Công ty vừa trả cổ tức năm 2010 12% bằng tiền mặt và năm nay dự kiến trả 15% cũng bằng tiền.

Làm ăn có lãi, không vay ngân hàng, lượng tiền mặt nắm giữ tương đối lớn, chọn cách thức mua cổ phiếu và giảm vốn, công ty sẽ nâng được giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu, từ đây làm lợi cho cổ đông. Ngoài ra khi khối lượng cổ phiếu lưu hành giảm xuống, áp lực bán ra cổ phiếu có thể giảm bớt, giúp giữ giá cổ phiếu không ở quá xa mệnh giá.

Phương thức “tự cứu” mà CSG đang áp dụng đã được các quỹ đầu tư niêm yết kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Bộ Tài chính cho thực hiện từ lâu, nhưng mãi vẫn chưa có trả lời chính thức. Mấy tháng trước UBCKNN cho biết sẽ xem xét kiến nghị và có thể cho phép tiến hành từ đầu quí 3. Bây giờ các quỹ đầu tư nội vẫn đang chờ, vừa chờ vừa hồi hộp bởi mức chiết khấu của giá chứng chỉ quỹ so với giá trị tài sản ròng cứ ngày một lớn.

Trong khi chờ quyết định của cơ quan quản lý, các quỹ lại xoay xở tự cứu giá chứng chỉ quỹ. VF1 là một thí dụ. Công ty Chứng khoán TPHCM (HCM-Hose) vào đầu tháng 4-2011 đã mua hơn 1 triệu chứng chỉ quỹ VF1 và nay vừa đăng ký mua thêm 1,03 triệu nữa, nâng lượng chứng chỉ quỹ nắm giữ lên 7,53 triệu tương đương 7,58% vốn điều lệ VF1. HCM từ hai năm nay đã hầu như ngưng hẳn nghiệp vụ tự doanh, tập trung vào dịch vụ môi giới, tư vấn, hỗ trợ tài chính khách hàng, nên quí 1-2011 họ là công ty chứng khoán duy nhất có lãi trên 50 tỉ đồng. Việc HCM bỏ tiền mua chứng chỉ quỹ VF1, vì thế, có nguyên căn của nó.

VF1 được quản lý bởi VFM - một công ty con của Dragon Capital. HCM cũng là một công ty nơi Dragon Capital đang sở hữu tỷ lệ cổ phiếu áp đảo. Bản thân Dragon Capital đang nắm giữ hơn 25% chứng chỉ quỹ của VF1. VF1 còn chưa đầy hai năm là đến ngày thoái quỹ.

Với giá trị tài sản ròng hiện nay là 17.940 đồng/chứng chỉ quỹ (ngày 28-4-2011) và thị giá VF1 đang là 10.000 đồng, việc đầu tư và giữ đến ngày đóng quỹ sẽ mang lại cho người sở hữu khoản lợi nhuận 70-80% trên vốn bỏ ra.

Một mức sinh lời không tồi trong trường hợp những cổ phiếu trong danh mục đầu tư của VF1 không giảm giá thêm nữa. Nhưng ai biết được liệu danh mục đầu tư của VF1 có chống chọi lại được đà lao dốc của VN-Index? Giải pháp tự cứu nhìn thoáng qua tưởng an toàn, hóa ra vẫn có kẽ hở rủi ro.

Trong cơn bĩ cực của chứng khoán, thời điểm mà giá của đa số cổ phiếu đều ở mức thấp nhất, thậm chí thấp hơn chính nó vào tháng 2-2009 khi VN-Index ở đáy 235 điểm, các chủ thể trên thị trường đang nỗ lực tự cứu bằng những chiêu chẳng giống ai. Mua cổ phiếu quỹ là chiêu phổ biến và quá quen thuộc. Tuy nhiên ít có đơn vị mua cổ phiếu quỹ và giảm vốn như CSG vì như thế là tự thu hẹp quy mô, vốn thấp có thể gây ra phiền toái, ảnh hưởng đến hoạt động.

Các chiêu mới được nhận định là khá hiệu quả để giữ giá cổ phiếu mà không ảnh hưởng đến “vẻ mặt” doanh nghiệp, như kiểu công ty có liên quan mua cổ phiếu của nhau theo dạng đầu tư chéo. Hoặc thâu tóm, sáp nhập để công ty nhỏ trở thành công ty con của công ty lớn. Có ô dù của công ty mẹ che chở, giá cổ phiếu của con có thể đỡ rớt hơn.

Về phía nhà đầu tư họ tận dụng phiên giao dịch khớp lệnh định kỳ trên Hose hoặc việc mua tay phải bán tay trái trên Hnx để cốt sao cho giá cổ phiếu không giảm thêm. Nhiều nhà đầu tư, kể cả tổ chức, vào phiên ba mới đẩy lệnh mua để kéo giá cổ phiếu về mức họ dự định. Cách này càng dễ thực hiện với những cổ phiếu thanh khoản thấp.

Thực ra thanh khoản cả thị trường hiện rất yếu, giá trị khớp lệnh của Hose không tính giao dịch thỏa thuận thường chỉ trên dưới 300 tỉ đồng/ngày, nên kéo giá phiên ba ngày càng được nhiều người lợi dụng. Trên Hnx do giá tham chiếu cho ngày hôm sau là giá giao dịch bình quân của hôm nay, nên nhà đầu tư chọn cách tự mua tự bán ngay chính cổ phiếu của mình bằng hai tài khoản. Họ khớp một khối lượng lớn xung quanh giá tham chiếu để giá bình quân bớt giảm ngay cả khi Hnx giảm sâu.

Những chiêu tự cứu là chuyện chẳng đặng đừng, nó khiến giao dịch thực của chứng khoán trở nên buồn chán và làm nản lòng lớp nhà đầu tư mới có ý định giải ngân. Song cũng không thể trách những người tự cứu vì còn tự cứu là còn cố giữ lấy hơi ấm nhỏ nhoi cho thị trường. Nếu tất cả cùng buông xuôi, rồi trào lưu thoái niêm yết xảy ra, liệu thị trường chứng khoán có còn tồn tại?

Và trên hết, động thái tự cứu là tiếng chuông cảnh báo đến cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Tài chính về thực trạng chứng khoán và những hệ lụy có thể có đối với một thị trường suy thoái kéo dài. Chứng khoán Việt Nam đã mất đi nhân tố cốt lõi là kênh dẫn vốn chủ đạo của nền kinh tế, điều mà không một thị trường chứng khoán nước nào bỏ qua.

Các công ty niêm yết không huy động được vốn; các doanh nghiệp cổ phần hóa không biết bán cổ phần cho ai và tiến trình cải cách doanh nghiệp quốc doanh đang trì trệ. Bây giờ doanh nghiệp chỉ còn biết trông cậy vào ngân hàng để vay vốn. Thế nên tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam mới bằng tới 1,2 lần GDP so với các nước khác chỉ 0,5-0,6 lần GDP, thuộc hàng cao nhất thế giới.

Theo Hải Lý

TBKTSG

thanhhuong

Trở lên trên