MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ vỡ nợ đồng loạt?

16-05-2011 - 15:49 PM | Tài chính quốc tế

Có thể nói chính sách giải quyết khủng hoảng nợ của lãnh đạo các nước eurozone cho đến nay không mấy hiệu quả. Chi phí lãi vay tăng từng ngày và có thể đến mức khó chấp nhận.

Chuyện kể rằng ngày xưa có một người đàn ông bị nhà vua tuyên án tử hình. Nhà vua sau đó bảo với ông rằng ông sẽ có thể được sống nếu trong 1 năm dậy được con ngựa của nhà vua nói chuyện.

Người đàn ông đồng ý. Khi người ta hỏi tại sao ông lại đồng ý như vậy, ông trả lời điều gì cũng có thể xảy ra: nhà vua có thể chết, ông ta có thể chết và con ngựa sẽ có thể học nói.

Cho đến nay, lãnh đạo khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giải quyết khủng hoảng nợ tại Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha theo cách đe dọa tác động xấu đến nhiều nước thành viên khác. Các nhà hoạch định chính sách đã cố gắng chạy đua với thời gian với hy vọng các nước đang khó khăn sẽ khôi phục được tín nhiệm tín dụng.

Họ đã thất bại. Chi phí lãi vay tăng lên chứ không giảm đi. Trong trường hợp Hy Lạp, nước đầu tiên trong nhóm khu vực đồng tiền chung châu Âu nhận tiền giải cứu, khả năng nước này tiếp cận với nguồn vốn tư nhân không phải bàn tới.

Thế nhưng việc trì hoãn cơ cấu lại Hy Lạp không khiến tình hình tại Hy Lạp tốt hơn, ngược lại, nó sẽ chỉ khiến quá trình tái cơ cấu lại các khoản nợ mang lại nhiều hậu quả tồi tệ hơn khi cuối cùng nó sẽ vẫn đến.

Nợ công của Hy Lạp có thể vượt 160% GDP. Thật không may mắn, có thể cuối cùng con số nợ công sẽ có thể cao hơn, nghiên cứu của Nouriel Roubini và các chuyên gia kinh tế tại Roubini Global Economics cho thấy điều này.

Hy Lạp có thể không thực hiện được mục tiêu tài khóa của mình bởi hậu quả tồi tệ từ chính sách tài khóa đối với nền kinh tế hoặc có thể nước này phản kháng lại các mục tiêu đã được thống nhất.

Hoạt động hạ giá đồng tiền vốn cần thiết để khôi phục khả năng cạnh tranh sẽ khiến tỷ lệ nợ/GDP tăng cao, khi không thể hạ giá được như vậy, yếu tố cần thiết cho tăng trưởng sẽ mất. Đồng euro sẽ tăng giá, chắc chắn như vậy, và khả năng cạnh tranh sẽ giảm đi. Cuối cùng, các ngân hàng cũng sẽ chẳng thể nào hỗ trợ được nền kinh tế.

Với khoản nợ lớn như vậy, khả năng Hy Lạp giải quyết được các khoản nợ của mình rất thấp.

Giả dụ rằng lãi suất đối với nợ dài hạn của Hy Lạp ở mức 6% chứ không phải con số 16% hiện nay. Và cũng giả dụ rằng GDP danh nghĩa tăng trưởng 4%. Các dự báo trên khá lạc quan.

Khi đó, để bình ổn nợ, chính phủ sẽ phải có thặng dư (trước khi trả lãi suất) khoảng 3,2% GDP. Nếu đến năm 2040, nợ của Hy Lạp giảm xuống dưới mức quy định theo hiệp ước Maastricht là 60% GDP, Hy Lạp cần thặng dư tới 6% GDP. Để có được tương lai tốt đẹp này, mỗi năm người Hy Lạp sẽ phải đóng thuế cao hơn rất nhiều so với cái họ nhận được từ chi tiêu của chính phủ.

Điều gì sẽ thuyết phục được nhà đầu tư rằng mức trên phù hợp với Hy Lạp? Chưa thể đưa ra bất kỳ lý do nào. Thế nhưng cần nhớ rằng con số 6% sẽ chênh lệch với lợi suất trái phiếu chính phủ Đức tới 3%.

Các chủ nợ của Hy Lạp thừa biết nước này không có khả năng vay được tiền ở mức lãi suất mà nước đó có thể chịu được. Hy Lạp sẽ còn phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn hỗ trợ chính thức. Tuy nhiên, “cái bẫy” như vậy ngày càng lớn hơn.

Giả dụ hơn một nửa các khoản nợ của Hy Lạp do các chủ nợ cao cấp như IMF hay kênh bình ổn tài chính châu Âu, dự kiến sẽ thay thế cơ cấu bình ổn tài chính châu Âu vào năm 2013, nắm giữ. Khi đó chủ nợ tư nhân sẽ bị gạt ra một bên. Với rủi ro như vậy, chẳng nhà nào đầu tư nào chấp nhận cho vay tiền ở mức lãi chấp nhận được.

Nếu một ai đó cho rằng không cần tái cơ cấu nợ của Hy Lạp, người đó hẳn sẽ phải nghĩ lại. Châu Âu cần phải sẵn sàng làm việc này để có thể giảm được gánh nặng nợ. Thế nhưng cách làm trên cũng mang đến ác mộng chính trị: rủi ro đạo đức đi kèm vẫn rất lớn.

Hy Lạp sẽ mất mọi chủ quyền và sự căng thẳng từ 2 phía sẽ lên cao. Nhóm nước không thuộc châu Âu cũng sẽ ngăn IMF cung cấp khoản tiền lớn như vậy. Gánh nặng khi đó sẽ đè lên vai người châu Âu. Nhiều khả năng thỏa thuận cần thiết sẽ không thể đạt được.

Lựa chọn thay thế có thể là tái cơ cấu nợ vào năm sau. Bởi giá thị trường cho chúng ta thấy nhà đầu tư đang kỳ vọng điều gì, họ sẽ không choáng. Hoạt động tái cơ cấu sẽ giúp tăng tín nhiệm tín dụng của đất nước và giúp củng cố động lực duy trì chương trình bỉnh ổn và cải cách.

Hơn thế nữa với một quá trình tái cơ cấu đã được tính toán trước, các nhà hoạch định chính sách có thể chuẩn bị sẵn sàng cho việc hỗ trợ các ngân hàng, cả ngân hàng Hy Lạp và ngân hàng bên ngoài.

Có nhiều cách để tái cơ cấu, có cách này khắc nghiệt hơn cách khác. May mắn, 95% nợ công của Hy Lạp được phát hành theo luật Hy Lạp vì thế chi phí pháp lý thực hiện quá trình tái cơ cấu sẽ giảm đi nhiều.

Không cần phải nói, mọi chuyện sẽ hết sức hỗn loạn. Hơn thế nữa, chẳng có gì đảm bảo hoạt động tái cơ cấu sẽ giúp Hy Lạp tăng trưởng trở lại bởi khả năng cạnh tranh của nước này còn ở mức rất thấp.

Khi đang tồn tại trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, chẳng có cách nào giúp cải thiện được khả năng cạnh tranh. Hy Lạp có thể phải đương đầu với giảm phát kéo dài.

Dù quá trình tái cơ cấu có gây ra nhiều hậu quả khó khăn và bị người ta ghét đến thế nào, lựa chọn thay thế sẽ còn tồi tệ hơn. Một số nước như Bồ Đào Nha hay Ireland cuối cùng sẽ bị đẩy khỏi thị trường tư nhân trong thời gian dài. Chẳng có lựa chọn nào đảm bảo sẽ mang lại “sức khỏe” tài khóa bởi xét đến xuất phát điểm quá khó khăn hiện nay.

Các nước có đồng tiền riêng chịu lạm phát. Thế nhưng nước vay tiền bằng ngoại tệ vỡ nợ. Khi gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu, các nước thành viên đã chuyển từ trạng thái thứ nhất sang trạng thái thứ hai.

Nếu không chịu tái cơ cấu, các nước thành viên cần phải tự hỗ trợ tài chính và định hướng chính sách cho nhau. Chính xác, nước giàu chi tiền và chỉ đạo nước nghèo. Tệ hại hơn, họ sẽ phải tiếp tục làm như vậy cho đến khi tất cả các con ngựa đều có thể nói được. Có phải đó là tương lai họ muốn.

Minh Ngọc
Theo Diễn đàn doanh nghiệp/FT


ngocdiep

Trở lên trên